Lò rèn của người Tơ Đrá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là một chuyến công tác vất vả đến độ bây giờ tôi vẫn còn ấn tượng từng chi tiết… Tháng 6-1983, bấy giờ Gia Lai-Kon Tum còn chưa tách tỉnh, xe khách lên huyện Đak Glei mỗi tuần chỉ có 1 chuyến. Gọi là “xe khách” nhưng thực tế nó là chiếc xe tải, thùng xe đóng 2 tấm ván dọc làm ghế ngồi. Ai lên trước thì có chỗ, sau thì chen nhau đứng. Trời mưa tầm tã, tôi rét run người vì mặc mỗi tấm áo cộc tay mỏng, lại bị nước tạt vào.
Nghề rèn truyền thống của người Tơ Đrăh (ảnh nguồn dantocmiennui)
Nghề rèn truyền thống của người Tơ Đrá (ảnh nguồn dantocmiennui)
Chừng nửa đêm, chiếc xe bỗng dưng lắc một cú rất mạnh rồi nghiêng hẳn. Một phút im lặng, tiếng máy rú lên khừng khực, khói phun khét lẹt rồi tắt ngấm. Giọng người phụ xe ngán ngẩm: “Mắc lầy sâu rồi, bà con thông cảm vào trường học nghỉ tạm, sáng mai thuê xe kéo lên mới đi được”. Hành khách lục tục xuống xe, kẻ chửi thề, người thở dài não ruột. “Đây là đâu vậy bác?”-tôi hỏi một hành khách. “Hình như là Đak Sút thì phải”. “Đường lên Đak Sút, Đak Pao…”. Thảo nào… Căng mắt trong bóng tối nhìn, tưởng trường học to tát lắm, hóa ra chỉ là túp lều tranh nhỉnh hơn cái chòi lúa. Hướng mắt ra xa, trong làn mưa nhòe nhoẹt chợt thấy chấp chới ánh lửa, tôi bước thấp bước cao lần tới. Cứ nghĩ là nhà dân, hóa ra là cái lò rèn của đồng bào dân tộc thiểu số. Thấy tôi, một người đàn ông lực lưỡng nói tỉnh bơ như đã chứng kiến sự việc: “Xe lại sa lầy chứ gì, vào đây mà sưởi cho khỏi lạnh”.
Tôi cảm ơn và cởi ngay chiếc áo ướt mèm vắt lên con sào đang treo lủng lẳng chiếc xoong nhôm móp méo. Bấy giờ tôi mới có thời gian quan sát cái lò rèn. Một cái lò rèn thật lạ lần đầu tiên tôi nhìn thấy trong đời! Nếu lò rèn ở quê tôi bể thụt làm bằng 2 thân cây đục rỗng, dùng pít tông để thụt ra hơi hoặc sau này người ta dùng cánh quạt gió quay bằng tay thì ở đây nó là cái túi bằng da, sinh hơi bằng cách bóp cho phồng lên xẹp xuống. Búa cũng không phải bằng sắt mà làm bằng đá. Tuy nhiên điều khiến tôi kinh ngạc nhất là người ta không dùng sắt phế liệu mà… nấu chảy cát thành sắt, sau đó dùng thứ sắt đó để rèn. Người làm báo thường hay tò mò, tôi lập tức xắng xở hỏi han từng thứ như loại cát này lấy ở đâu, nấu bao lâu thì ra sắt rồi rèn nó như thế nào… Sau này tìm hiểu tôi mới được biết: Đây là nghề có một không hai của người Tơ Đrá. Nói “có một không hai” là bởi họ đã luyện thẳng được thép từ quặng sắt thiên nhiên mà không qua công đoạn luyện gang. Theo GS. Đặng Nghiêm Vạn thì tài nghệ của người Tơ Đrá sánh ngang với tài chế tạo nòng súng của người HMông ở miền núi phía Bắc Việt Nam.
Người Tơ Đrá là một nhóm thuộc dân tộc Xê Đăng, cư trú rải rác ở phía Bắc tỉnh Kon Tum. Các khe suối vùng Ngọc Linh, Kon Plông-địa bàn cư trú lâu đời của người Tơ Đrá vốn có loại quặng manhêtit chứa hàm lượng sắt lên tới 98%. Khu vực này còn có một loại cát đen cũng do quặng sắt phân hủy, có tỷ lệ sắt đạt 96%. Để luyện 2 loại quặng này thành thép, người Tơ Đrá đã biết chế ra lò luyện rất độc đáo: Họ khai thác thứ đất sét chịu lửa vốn cũng sẵn có tại các khu vực này để đắp thành một thứ bễ luyện lộ thiên. Sau khi nấu chảy quặng và vớt hết tạp chất, khối thép được phân nhỏ bằng cách dùng dao rạch thành phiến khi đang nóng rồi dội nước lạnh để tách thành từng thanh theo ý muốn. Mỗi mẻ thép thường phải luyện liên tục trong thời gian 1 ngày 1 đêm, khối lượng đủ rèn khoảng 15 chiếc rìu hay rựa, chất lượng không thua kém bao nhiêu so với các loại thép ngày nay.
Các già làng nói rằng cho đến thời Pháp thuộc vẫn còn ít nhất 70 làng người Tơ Đrá có lò rèn. Sản phẩm của họ cung cấp cho cả vùng Bắc Tây Nguyên và một phần các tỉnh hạ Lào. Dù trao đổi hàng hóa rất có giá nhưng các làng chỉ mở lò khi rỗi mùa như một thứ dịch vụ “tay trái”. Việc sản xuất lương thực vẫn được coi trọng hơn. Có lẽ cũng vì thế mà khi đồ sắt xuất hiện ngày càng dồi dào, đặc biệt là phế liệu chiến tranh thì nghề rèn của người Tơ Đrá cũng theo đó mai một dần… Cách nay hơn chục năm, trong một dịp đi công tác ở huyện Đak Glei, tôi đã cố công hỏi tìm xem còn nơi nào giữ được nghề rèn độc đáo này song cán bộ các địa phương đều khẳng định là không còn nữa. Một thành tựu văn minh độc đáo của người Tơ Đrá xem như là đã vĩnh viễn mất đi!
 NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Phát huy sức mạnh văn hóa

Phát huy sức mạnh văn hóa

Khi các giá trị văn hóa, di sản và nghệ thuật tạo ra lợi nhuận nó không chỉ tự “nuôi sống” mình mà còn góp phần tạo thêm những nguồn lực mới, tác động tích cực đến các lĩnh vực khác của ngành công nghiệp văn hóa.

Dùng mặt nạ kỹ thuật số để phục hồi tranh. (Ảnh: Franetic)

Công nghệ đột phá phục chế tranh cổ chỉ trong vài giờ

(GLO)-Với những bức tranh có niên đại hàng thế kỷ, bị hỏng nặng, việc phục chế gặp nhiều rủi ro và tiêu tốn thời gian. Một bước đột phá về công nghệ vừa được các nhà khoa học thử nghiệm thành công, đã giải quyết được khó khăn này, đó là phương pháp mặt nạ kỹ thuật số.

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui là hiện tượng văn hóa xã hội đặc sắc của cộng đồng người Jrai ở Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Nghi lễ này tập hợp nhiều biểu tượng văn hóa độc đáo giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới tâm linh của cư dân bản địa.

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

“Khánh Hòa là xứ trầm hương/Non cao biển rộng người thương đi về” - những câu thơ của nhà nghiên cứu Quách Tấn trong biên khảo Xứ trầm hương vừa là sự khẳng định danh xưng của một miền đất, vừa như lời mời gọi lữ khách bốn phương tìm về với thủ phủ của trầm hương Việt Nam.

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

(GLO)- Tuy có sự phát triển của hệ thống thủy lợi song lễ cúng cầu mưa vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống cư dân vùng thung lũng Cheo Reo. Sự đa dạng trong nghi thức cúng của mỗi cộng đồng dân cư đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

null