(GLO)- Chi phí nhiên liệu tăng không chỉ khiến doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn trong kinh doanh, mà còn trực tiếp tác động đến người dân do phải tăng thêm chi tiêu cho phương tiện đi lại. Không chỉ vậy, xăng dầu tăng giá làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất, tác động đến giá cả hàng hóa trên thị trường.
Xăng tăng đẩy chi phí tăng
Chưa hết lo khi giá điện vừa tăng cách đây hơn 10 ngày, chị Mai Thị Liễu, tổ 15, phường Phù Đổng,TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai lại rầu hơn khi biết giá xăng dầu trên thị trường được điều chỉnh tăng mạnh chiều 2-4. "Mỗi thứ tăng một ít sẽ góp phần làm tăng chi phí sinh hoạt trong gia đình, đây cũng là gánh nặng đối với gia đình tôi trong khi việc buôn bán ngày một khó khăn, thu nhập không tăng"-chị Liễu lo lắng nói. Khi được hỏi về những ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu, hầu hết người tiêu dùng đều tỏ ra lo ngại. Anh Nguyễn Thế Nhân, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho rằng với việc tăng thêm vài ngàn đồng trong mỗi lần đổ xăng cho phương tiện đi lại không quá tác động đến "hầu bao", nhưng lo nhất là việc tăng giá xăng dầu sẽ làm tăng chi phí đầu vào của các ngành sản xuất kinh doanh, từ đó sẽ kéo theo giá hàng hóa trên thị trường tăng, tác động đến đời sống người dân.
|
Xăng dầu tăng giá tác động đến việc chi tiêu của người dân. Ảnh: Vũ Thảo |
Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất, do đó việc tăng giá sẽ có những ảnh hưởng nhất định, làm tăng thêm chi phí cho các doanh nghiệp. Đặc biệt, ngành vận tải là ngành bị tác động nhiều nhất. Anh Huỳnh Đức Lục-tài xế taxi Mai Linh cho hay: "Bình thường, cứ 100 cây số, xe taxi tôi chạy tốn khoảng 7 lít xăng. Giờ xăng tăng giá, hàng ngày tôi phải mất thêm vài chục ngàn đồng tiền chi phí nhiên liệu nữa. Trong khi đó, không phải cứ lần nào điều chỉnh giá xăng là Công ty điều chỉnh giá cước, do đó không cách nào khác là phải tiết kiệm nhiên liệu bằng cách trả khách ở đâu thì đậu đỗ luôn ở đó để chờ khách, hạn chế chạy lòng vòng". Theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Nam-một tài xế chạy xe hợp đồng, đối với những khách ruột, việc tăng cước sẽ rất khó, do đó anh vẫn giữ nguyên giá cước như cũ, chịu giảm lợi nhuận để giữ chân khách hàng. "Đối với những chuyến hợp đồng đường dài may ra còn lợi, chứ chạy đường ngắn chi phí nhiên liệu tốn hơn. Với nghề lái xe, thời gian mấy tháng đầu năm thường là ế ẩm nên cứ có khách đi là mừng lắm rồi"-anh Nam nói.
Doanh nghiệp kiềm giá cước
Với các đơn vị vận tải, việc tăng giá xăng dầu đầu tiên sẽ làm tăng chi phí lên và giảm lợi nhuận trong hoạt động, tuy nhiên trong điều kiện cạnh tranh như hiện nay, đưa ra phương án tăng giá cần tính toán rất kỹ. Ông Đặng Đức Kham-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Gia Lai cho biết: "Xăng dầu tăng giá tác động rất lớn đến thu nhập của tài xế, tác động đến thu nhập của doanh nghiệp. Đặc biệt, thời điểm này đang là mùa thấp điểm trong kinh doanh taxi, mức thu nhập của tài xế cũng như doanh thu của Công ty có thể giảm đến một nửa so với cùng kỳ năm trước, giờ lại tăng thêm chi phí từ xăng dầu thì dự báo thu nhập sẽ còn giảm nữa. Đáng lo ngại hơn khi vừa qua đã nhiều tài xế xin nghỉ việc, không lái xe taxi nữa mà đi kiếm việc khác. Để giải quyết tình hình trước mắt, Công ty đang tính đến phương án sẽ hỗ trợ tài xế bằng cách giảm mức ăn chia giữa Công ty và tài xế để giúp họ không bị giảm thu nhập.
"Đó chỉ là giải pháp trong ngắn hạn, về lâu dài, dù muốn hay không cũng phải tính đến việc điều chỉnh lại giá cước trong thời gian tới. Tuy nhiên, tăng giá cước trong bối cảnh có sự cạnh tranh như hiện nay thì hoàn toàn không phải là thượng sách. Nhưng với tình hình này không còn cách nào khác, chỉ có tăng giá cước mới tăng thu nhập cho tài xế, giúp họ ổn định tư tưởng, yên tâm gắn bó với công ty"-ông Kham bày tỏ.
|
Xăng dầu tăng giá sẽ tác động trực tiếp tới ngành vận tải. Ảnh: Vũ Thảo |
Không riêng gì Mai Linh, các hãng taxi khác cũng rất đắn đo có nên tăng giá cước taxi trong thời điểm có nhiều sự cạnh tranh như hiện nay hay không. Và việc tăng giá cũng có độ trễ nhất định, vì muốn điều chỉnh giá phải thông báo và được cơ quan quản lý xem xét, rồi phải điều chỉnh lại đồng hồ tính cước, thay đổi bảng giá dán trên xe… Để giảm thiểu chi phí nhiên liệu, các hãng xe đều vận động tài xế chỉ chạy xe khi có phát điểm báo khách, hoặc tiết kiệm bằng cách trả khách khu vực nào kiếm chỗ đậu đỗ gần đó luôn, tránh việc di chuyển nhiều khiến hao tốn nhiên liệu không đáng có.
Ông Nguyễn Hồng Hải-Chủ tịch Hiệp hội vận tải Ô tô tỉnh Gia Lai cho biết: "Việc xăng dầu tăng giá lần này đã tác động đến các doanh nghiệp vận tải, tuy nhiên hiện tại giá vế hành khách vẫn giữ ổn định, Hiệp hội cũng không có chủ trương tăng giá vé hành khách, nhất là trong đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5 để phục vụ thuận lợi cho việc đi lại của người dân trên địa bàn. Các doanh nghiệp vẫn còn dư địa bởi các lần giảm giá xăng dầu trước đó nên việc tăng giá xăng dầu lần này khá mạnh nhưng Hiệp hội vẫn sẽ vận động các hội viên cố gắng khắc phục, không đề nghị tăng giá vé. Nếu giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng trong thời gian tới, lúc đó mới tính đến phương án phụ thu giá vé nhằm đảm bảo doanh thu cho các doanh nghiệp".
Đối với doanh nghiệp vận tải hàng hóa, chi phí nhiên liệu chiếm 35%-40% giá thành, tuy nhiên không thể cứ mỗi lần xăng dầu tăng giá, doanh nghiệp lại đề nghị điều chỉnh giá. Bên cạnh đó, doanh nghiệp vận tải cũng đang gặp khó khăn khi cùng lúc phải đóng nhiều loại thuế, phí theo quy định. Rõ ràng, khi giá xăng dầu tăng, đồng nghĩa với chi phí đầu vào tăng, sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên, song lo ngại lớn nhất vẫn là tác động dây chuyền đến giá cả hàng hóa trên thị trường, gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội.
Từ 17giờ ngày 2-4, theo quyết định của liên Bộ Công thương-Tài chính, giá xăng E5 RON 92 tăng thêm 1.377 đồng/lít, giá xăng RON 95-III tăng 1.484 đồng/lít, dầu diesel 0.05S tăng 1.219 đồng/lít, dầu hỏa tăng 1.086 đồng/lít… Theo đó, giá áp dụng tại khu vực II như sau: xăng RON 95-IV có giá 20.580 đồng/lít, xăng RON 95-III 20.430 đồng/lít, xăng sinh học E5 RON 92-II 18.950 đồng/lít, dầu diesel 0.05S 17.420 đồng/lít…Đây là lần thứ 2 tăng giá xăng dầu kể từ đầu năm đến nay. |
Vũ Thảo