Lên rừng, xuống biển cùng khách Tây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời gian vừa qua, kết nối giao thông đến Côn Đảo ngày càng phát triển, lượng khách trong nước và khách quốc tế tăng đột biến đã và đang là cơ hội cũng như thách thức đối với ngành du lịch của huyện đảo. 
 
Ông bà Gunter Mairhormann băng rừng khám phá Vườn quốc gia Côn Đảo
Trong chuyến đi thực tế mới đây, chúng tôi may mắn được trải nghiệm tour khám phá du lịch sinh thái rừng kết hợp tắm biển, ngắm san hô ở Vườn quốc gia Côn Đảo và lắng nghe những chia sẻ của một số du khách nước ngoài khi đến với hòn đảo ngọc của Việt Nam.
Từ Berlin tới Côn Đảo
8 giờ sáng, tôi đến một nhà nghỉ nhỏ ở thị trấn Côn Sơn để cùng vợ chồng bà Susanne Wuffer và Gunter Mairhormann (62 tuổi, người Đức) khám phá tour du lịch sinh thái ở Đầm Tre. Thay vì di chuyển bằng ca nô, 2 du khách quyết định chọn tuyến đi trên đất liền với quãng đường dài 17km, trong đó có 2km là bờ biển và 3km đi bộ đường rừng. Thật bất ngờ, tôi được đề nghị làm tài xế chở bà Susanne Wuffer, còn anh Đan Vi Phương - hướng dẫn viên du lịch cộng đồng tại Côn Đảo chở ông Gunter Mairhormann. Ông bà Gunter Mairhormann là những người sản xuất cà phê, sô cô la và trà xuất khẩu của Đức. Họ kể, sau khi nghỉ hưu, hai vợ chồng quyết định đi du lịch. Họ đã tới một số công viên ở vườn quốc gia châu Phi và đây là lần đầu tiên họ đến Việt Nam. Sau khi đến TPHCM, họ đã có những trải nghiệm bằng thuyền và xe đạp tại TP Cần Thơ. 
Từ Côn Sơn, chúng tôi hướng về phía sân bay Cỏ Ống, trên cung đường biển Côn Đảo, vị khách người Đức liên tục trầm trồ khen phong cảnh Côn Đảo rất đẹp, biển có màu xanh ngọc bích mang lại cảm giác mát mẻ, trong lành. Đi chừng chục cây số, chúng tôi dừng chân tại mũi Chim Chim (hay còn gọi là Chân Chim) để du khách chụp hình. Đây là địa điểm thu hút rất nhiều du khách vì có tầm nhìn rộng ra hướng biển và bao quát được toàn bộ khu Six Senses - một khu du lịch nổi tiếng được nhiều người nước ngoài lưu trú khi đến Côn Đảo. 
Tắm biển ngắm san hô
Rời mũi Chim Chim, chúng tôi hướng về bãi Vông. Đường đi xuống biển này dốc và nhiều đá, chúng tôi phải xuống xe đi bộ. Trên đường đi, ông bà Gunter Mairhormann tỏ vẻ không vui vì chứng kiến những chai nhựa, túi ni lông và nhiều loại rác thải chất đống dọc bãi biển này. Họ nói, biển rất đẹp nhưng quá nhiều rác!
Hết tuyến đường biển dài 2km, chúng tôi bắt đầu chuyến băng rừng dài 3km. Hai vị khách tỏ ra thích thú vì bên châu Âu họ cũng thường xuyên có những chuyến đi rừng như thế. Gần 11 giờ trưa, chúng tôi đã đến được vịnh Đầm Tre. Vịnh này hình thành từ dãy núi nhô ra biển theo đường cánh cung bao bọc một vùng nước có màu xanh ngọc tuyệt đẹp. Những cán bộ kiểm lâm ở Đầm Tre niềm nở mời trà khách sau chặng đường nhễ nhại mồ hôi. Ông bà Gunter Mairhormann nhấp từng ngụm trà và khen trà Việt Nam ngon. 
Chúng tôi xuống bãi biển, nơi có những gốc bàng xanh mát để dùng bữa trưa. Hai du khách trẻ người Đan Mạch thấy chúng tôi liền bước tới nhập hội. “Tiệc” của chúng tôi là những trái cây mang theo và hộp bánh quy của những kiểm lâm mến khách tặng. Sau bữa trưa nhẹ, các vị khách nhào xuống biển khám phá những rạn san hô nhiều màu sắc. Biển êm, nước biển trong xanh mát rượi và việc khám phá đáy biển khiến những vị khách nước ngoài thích thú. Họ dành gần 2 giờ đồng hồ để bơi lặn.
Quảng bá hình ảnh Côn Đảo ra thế giới
Gần 3 giờ chiều, chúng tôi thu dọn đồ đạc và theo con đường cũ để ra bãi Vông lấy xe máy, trở về Côn Sơn. Hai vị khách chia sẻ, ngoài các vấn đề về xử lý rác thải, chính quyền địa phương ở Côn Đảo cần quan tâm đến công tác bảo vệ rừng và đa dạng sinh học, bởi khi bơi họ thấy có san hô bị chết. “Cần có nhiều hình ảnh quảng bá du lịch Côn Đảo bằng song ngữ để du khách biết đến nhiều hơn; cần có đường dây nóng và người trực phải biết tiếng Anh để giao tiếp và hỗ trợ du khách khi cần thiết; nên phát triển mô hình xe điện chở khách tham quan và cho thuê xe đạp vì người nước ngoài rất thích những phương tiện này”, ông Gunter Mairhormann đề nghị. 
Còn theo hướng dẫn viên Đan Vi Phương - người có nhiều chuyến hướng dẫn khách nước ngoài, thì hiện nay ngoài vấn đề môi trường, Côn Đảo cần tạo điều kiện cho những người có tâm huyết gắn bó với nghề du lịch. Huyện cũng nên in những cuốn cẩm nang song ngữ cho du khách, trong đó có những việc được làm, việc bị cấm và phát trên những phương tiện ra Côn Đảo để du khách tham quan thực hiện.
Để thu hút khách nước ngoài đến với Côn Đảo, cần phát triển thêm các hãng hàng không, kết nối các sân bay đến với Côn Đảo. Đối với việc tham quan di tích lịch sử trên đảo, nên phân bố khung thời gian có hướng dẫn viên bằng tiếng Anh để người nước ngoài có thể tham quan và nghe được những thông tin từ các địa điểm này. Côn Đảo cũng nên phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, chứ không chỉ dừng ở đi rừng, tắm biển, ngắm san hô. 
Cũng theo anh Phương, không nên mở thêm các tuyến đưa khách đến Côn Đảo vì hiện tại du lịch Côn Đảo đang phát triển quá nóng, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Đặc biệt, rác thải đang là vấn đề đe dọa tới môi trường du lịch. Cần sự tính toán, cân đối của chính quyền địa phương để Côn Đảo phát triển bền vững.
Hiện nay, Vườn quốc gia Côn Đảo có 11 tuyến và 12 điểm du lịch sinh thái với giá 60.000 đồng/người. Trong 3 tháng đầu năm 2019, vườn đã đón và phục vụ khoảng 30.000 lượt khách, trong đó có khoảng 3.000 khách quốc tế, tăng hơn 60% so với cùng kỳ.

Nông Ngân (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.