Lên rừng hái gắm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Rừng Tây Nguyên đa dạng và phong phú những trái cây tự nhiên như xoay, sim, trâm, bồ quân… Mùa nào thức nấy, chỉ cần vào rừng là có, tha hồ hái lượm. Đặc biệt, có một loại quả quen thuộc thường được thu hái vào những năm 60-70 của thế kỷ trước, đó là quả gắm.
Ảnh nguồn internet
Quả gắm. (Ảnh nguồn internet)
Đông đến, người dân quê tôi (xã Tân An, huyện Đak Pơ, Gia Lai) lại rủ nhau vào rừng hái gắm. Loại quả này có nhiều ở eo núi Hãnh Hót, chỉ cách nhà chừng 2 giờ đi bộ. Hôm ấy, nhóm chúng tôi gồm 4 anh em, hành trang sẵn sàng đi rừng tìm gắm. Anh Châu lớn tuổi nhất, rất sành đường nên dẫn đầu. Men theo lối mòn, chúng tôi qua nhiều hố sâu, dốc cao, có lúc chui qua những khe rừng toàn lá mục. Ấn tượng nhất là những con dốc dựng đứng, đá lởm chởm, chân phải nhích từng bước một, đầu người sau đụng gót chân người trước. Cuối cùng cũng đến nơi cần đến.     
Trước mắt chúng tôi là những dây gắm ngoằn ngoèo to như bắp vế, len lỏi dưới tán rừng, uốn mình như thân rắn treo lơ lửng, cành nhánh quấn lấy cây rừng leo lên tới đọt cây cao vút. Trên thân dây gắm đeo những quả hình bầu dục to như ngón tay người lớn, đóng thành chùm chín đỏ, vàng chen trong màu lá xanh thẫm. Anh Châu ra lệnh: “An nhỏ con, giỏi leo trèo, lên hướng này đu ra hái mấy chùm kia”. Tôi giắt rựa quắm leo lên thoăn thoắt. Thoắt cái, tôi đã ngồi trên chạc ba một cây lớn. Đang tìm cách tiếp cận chùm quả gắm, bỗng nhiên từ trên cành cây bên kia một con nưa to như bắp chân, dài chừng hơn 3 m, từ đầu cành cây gắm chuyền sang chỗ tôi. Tôi hoảng hốt hét to, bám chặt trên cây kêu cứu. Nhưng con nưa cứ lù lù bò tới, thè lưỡi, chìa 9 lỗ mũi thở phì phì, cách tôi chỉ vài mét. Anh Châu bảo tôi bình tĩnh, ngồi yên. Đoạn, anh lấy cây le dài, rút trong ba lô cây sắt chĩa ba cắm vào đầu cây đưa lên cho tôi rồi nói lớn: “Cầm lấy, nó lại gần thì hất nó ra, nó đi tìm chồn ăn gắm đấy! Tí nữa dùng cái này hái gắm luôn”. Con nưa hạ đầu thấp xuống rồi đột ngột ngẩng lên thật cao, phóng tới chỗ tôi. Sẵn cây chĩa ba, tôi giương ra đỡ. Con nưa liền ngoắc đầu né, quay sang hướng cây khác rồi trườn bỏ đi.
Qua phen hú vía, tôi nhoài người dùng chĩa ba chọc mạnh những chùm quả để chúng lần lượt rơi xuống. Mọi người nhặt chất thành đống, còn anh Châu đi dạo quanh khu rừng gần đấy gom những quả gắm nằm rải rác tươi có, khô có bỏ riêng vào một bao. Anh cho biết, những quả này là do chồn ăn vào rồi thải ra, chúng rất ngon, như cà phê chồn vậy.
Những quả gắm hái xuống được lặt rời khỏi cuống, dồn bao, ước chừng gần vài tạ. Bên đống lửa đã đốt sẵn, tôi bốc một chùm quả bỏ vào nướng. Khi quả chín, bóc hết lớp vỏ ngoài, ta sẽ thấy một lớp xơ mỏng bên trong như xơ cau già, tiếp đến là lõi hạt. Hạt gắm chín màu vàng sậm, cắn vào nghe giòn, nhai tiếp nghe dẻo, có vị đắng nhẹ, mùi thơm đặc trưng, nhai nhiều lần thấy vị ngọt tan nơi đầu lưỡi, rất dễ chịu. Anh Châu bảo, nên ăn khô sẽ bớt đắng hơn. Chiều xuống, chúng tôi trở về nhà. Hạt gắm đổ ra phơi chừng 6 nắng là khô, sau đó bảo quản cẩn thận để rang ăn dần hoặc giã, rây thành bột, trộn đường đóng thành bánh, trẻ em hay người lớn đều thích.
Cây gắm có tuổi thọ tự nhiên lên đến hàng trăm năm, thường ra hoa tháng 6-8, cho quả tháng 10-12. Hạt gắm khô có thể rang lên dùng ăn chơi hoặc ép lấy dầu ăn. Có nơi, hạt gắm được nghiền thành bột và rán kỹ thành một loại bánh giòn có hương thơm đặc trưng, vị hơi đắng. Ngoài ra, theo Đông y, rễ dây gắm có thể dùng sắc nước để uống, ngâm rượu hoặc nấu thành cao để trị các bệnh như gout, đau nhức xương khớp…
Ngày nay vào rừng, hiếm hoi lắm mới gặp được một dây gắm nhưng cũng đã bị chặt phá nham nhở, lượng quả rất ít. Khi rừng ngày càng cạn kiệt, những loại trái cây quen thuộc một thời như quả gắm nay đã trở thành xa lạ, chỉ còn lại trong nỗi nhớ một thời của lớp người lớn tuổi.
 AN SINH

Có thể bạn quan tâm

Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.