Lễ bỏ mả của người Jrai, Bahnar: Độc đáo những "dị nhân"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với những vật liệu sẵn có trong tự nhiên, người Jrai, Bahnar đã sáng tạo nên những chiếc mặt nạ và hóa trang mình thành những “dị nhân” vô cùng độc đáo: dữ tợn, quái dị mà không gây cảm giác ghê sợ; hoang dã, ngô nghê mà vẫn gợi sự ấm áp, thân tình.
Tôi vẫn nhớ ấn tượng lúc mới lên Gia Lai, lần đầu được tham dự một đám bỏ mả (pơ thi) ở làng Gà, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông. Một đám bỏ mả rất lớn gồm 5 nhà gộp lại. 5 con bò, 5 con heo lớn, hàng chục con gà và cả trăm ghè rượu sóng sánh xếp thành 2 dãy dài. Các làng xung quanh đều trở thành khách mời gần như không sót một người. Khoảnh đất rộng xung quanh nhà mả náo nhiệt như họp chợ. Từng đống thịt to lù được lót lá để ngay trên mặt đất dưới cái nắng chói chang. Những người đàn ông ngồi bệt xuống đất, ngửa lưỡi dao kẹp vào ngón chân cái mải miết cứa thịt. Những người đàn bà tất tả bên nồi cháo bốc hơi nghi ngút... Cho mãi đến đầu buổi chiều, bữa tiệc bỏ mả mới chuẩn bị xong. Cả mấy trăm con người bắt đầu vào tiệc, ồn ào như ong vỡ tổ. 
Đến lúc ánh mặt trời chỉ còn le lói vài vệt vàng xuộm trên ngọn cây, không gian bắt đầu chớm sang màu hoàng hôn thì bữa tiệc mới chùng lại. Ba đội cồng chiêng bước ra trước tấu chiêng lên. Đám thanh niên đứng dậy trước. Khi nhịp chiêng đã bắt đầu dồn dập và những bước chân trần khiến mặt đất rung lên thì như mọc từ ngách rừng, một đám “dị nhân” bước ra nối vào đầu vòng xoang. Tôi đứng ngây ra trong cảm giác vừa sợ hãi vừa thích thú: Này là dị nhân với cái đầu to quá khổ, đôi mắt sâu hoắm, đỏ nọc, miệng ngậm chiếc tẩu cũng to quá khổ với những chiếc răng gớm ghiếc chìa ra. Một “dị nhân” khác ẩn mình trong chiếc áo lá chuối rách tơi tả, đầu tròn vo, da mặt trắng ệch, mắt mọc dọc với bộ râu quai nón đen như nhọ chảo, tay cầm chiếc gậy dài vừa nhún nhảy vừa hú hét… Và kia là những “dị nhân” đóng khố cởi trần, da dẻ loang lổ đám đen đám trắng, mắt đỏ nọc, vừa đánh chiêng vừa nở những nụ cười méo mó. Xung quanh tôi, những tràng cười nắc nẻ hòa với những tiếng hú tán thưởng tưởng như rạn vỡ cả núi rừng.  
Người Jrai, Bahnar sáng tạo mặt nạ và hóa trang thành “dị nhân” trong lễ pơ thi.Ảnh: Trần Phong
Người Jrai, Bahnar sáng tạo mặt nạ và hóa trang thành “dị nhân” trong lễ pơ thi. Ảnh: Trần Phong
Không chỉ là những ai mới đến Gia Lai, như tôi, từng dự rất nhiều đám bỏ mả mà vẫn cứ ngạc nhiên, thích thú với những mặt nạ và nghệ thuật hóa trang này. Có thể nói đây là nét văn hóa độc đáo trong lễ bỏ mả của đồng bào dân tộc Jrai, Bahnar và nó gần như là chỉ xuất hiện trong lễ thức này. Chỉ với những vật liệu sẵn có quanh mình như bẹ, lá chuối khô, vỏ cây, nan tre, nhọ nồi, bùn đất, phẩm màu… họ đã sáng tạo nên những chiếc mặt nạ và hóa trang mình thành những “dị nhân” vô cùng độc đáo: dữ tợn, quái dị mà không gây cảm giác ghê sợ; hoang dã, ngô nghê mà vẫn gợi sự ấm áp, thân tình.
Có thể nói, lễ bỏ mả là một trong những đặc trưng văn hóa tiêu biểu nhất, là nơi kết tinh các loại hình nghệ thuật âm nhạc, vũ đạo, điêu khắc của đồng bào Jrai, Bahnar. Lễ thức là sự “tận hiến” cho người đã khuất những gì họ đã từng được chứng kiến, hưởng thụ trên thế gian. Chính vì vậy, mặt nạ, hóa trang trong lễ bỏ mả không nhằm ý nghĩa tâm linh nào, nó chỉ thuần túy là hình thức mua vui cho người sống và người chết, góp phần xóa đi cái không khí bi lụy của cuộc “chia tay” bên bờ vĩnh viễn.
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Sáp nhập đơn vị hành chính gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Sáp nhập đơn vị hành chính gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

(GLO)- Thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là yêu cầu mang tính sống còn của đất nước trước vận hội phát triển mới. Trong đó, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã để xây dựng mô hình chính quyền 2 cấp đang được dư luận hết sức quan tâm.

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Thần Bạch Mã (hay còn gọi là Thái giám Bạch Mã, Bạch Mã Thái giám) là vị thần có ảnh hưởng lớn trong đời sống tín ngưỡng dân gian ở vùng Tây Sơn Thượng đạo. Hiện nay, một số đình tại thị xã An Khê còn duy trì việc thờ cúng và gìn giữ sắc phong vua ban cho vị thần này.

'Bảo hiểm' cho di sản

'Bảo hiểm' cho di sản

Tại lễ công bố các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố tại TPHCM vào cuối tháng 3 vừa qua, Công ty CP Tư vấn Cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) đã trao tặng toàn bộ sản phẩm số hóa của Nhà hát Thành phố cho Trung tâm Nghệ thuật TPHCM.

Vua Lửa: Huyền thoại và hiện thực

Vua Lửa: Huyền thoại và hiện thực

(GLO)- Chuyện về các Pơtao Apui (Vua Lửa) sở hữu gươm thần có quyền năng hô mưa gọi gió không chỉ là huyền thoại mà gắn với dòng chảy văn hóa, lịch sử của người Jrai ở thung lũng Ayun Hạ (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) suốt nhiều thế kỷ qua.

Những người thầm lặng chăm lo việc làng

Những người thầm lặng chăm lo việc làng

(GLO)- Không chế độ phụ cấp, bổng lộc nhưng nhiều năm qua, các cụ từ, bà vãi trong đội hậu cần, ban nghi lễ tại các đình, miếu trên địa bàn thị xã An Khê vẫn thầm lặng, miệt mài với công việc. Sự tự nguyện ấy xuất phát từ tâm huyết dành cho văn hóa, di sản của cha ông.

Tùy theo điều kiện của từng gia đình để chuẩn bị quy mô lễ cúng lớn hay nhỏ

Gia Lai: Độc đáo lễ thổi tai của người Jrai

(GLO)- Nằm trong chuỗi các hoạt động Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui huyện Phú Thiện năm 2025, sáng 27-3, tại xã Ia Yeng đã diễn ra lễ thổi tai của người Jrai. Nghi lễ được tái hiện rõ nét giúp du khách hiểu được ý nghĩa văn hóa tâm linh trong đời sống của người Jrai nơi đây.

Lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần: Di sản đặc biệt

Lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần: Di sản đặc biệt

(GLO)- Trên đời có thực sự tồn tại những con người có quyền năng hô mưa gọi gió? Chính hiện thực và truyền thuyết hư ảo đan cài vào nhau khiến lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui ở thung lũng Ayun Hạ trở thành một hiện tượng đặc biệt, hấp dẫn bởi sự linh thiêng, huyền bí.

Tự hào con cháu Hai Bà Trưng

Tự hào con cháu Hai Bà Trưng

(GLO)- Đền thờ Hai Bà Trưng là di tích quốc gia đặc biệt, tọa lạc tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Đây cũng là quê hương của Hai Bà Trưng-những nữ tướng anh hùng đã nổi dậy chống quân xâm lược nhà Hán.

Lễ Tế Xuân tại đình làng An Mỹ

Lễ Tế Xuân tại đình làng An Mỹ

(GLO)- Ngày 9-3, tại đình làng An Mỹ (thôn 2, xã An Phú, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) diễn ra lễ cúng đình với các nghi thức long trọng tưởng nhớ công ơn của các vị tiền hiền có công khai hoang mở đất, lập làng và cầu quốc thái dân an.