Lễ báo hiếu của người Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vòng đời người Jrai từ lúc nhận được ánh sáng mặt trời cho đến lúc về với cõi Atâu (cõi ma) trải qua nhiều nghi lễ cho mình, cho người thân. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, biết ơn đấng sinh thành và người nuôi dưỡng mình, người Jrai có hẳn lễ báo hiếu cha mẹ (tiếng Jrai là Pơ pủ kơ amí ama).

Người Jrai quan niệm, lễ báo hiếu giúp cho tổ ấm gia đình nhỏ thêm hạnh phúc, con cái khỏe mạnh, làm ăn khấm khá; cha mẹ sống vui, sống khỏe, sống thọ cùng con cháu. Vì vậy, với người con trưởng thành thì việc quan trọng và trước hết là tiến hành lễ báo hiếu, đầu tiên là với cha mẹ vợ (theo chế độ mẫu hệ), sau đến cha mẹ mình. Ngày nay, có gia đình tổ chức gộp cho cả cha mẹ đôi bên. Cá biệt, với người có công nuôi dạy là anh/chị còn có lễ báo nghĩa (nội dung lễ, vật giống như lễ báo hiếu). Chương trình lễ được thống nhất với bà mối (Tơ Granh kơi bơ nai) gồm: thời điểm tiến hành, vật dâng tặng, quy mô tổ chức.

 Trong lễ báo hiếu, người con trai tặng cha chiếc áo truyền thống. Ảnh: Tấn Vịnh
Trong lễ báo hiếu, người con trai tặng cha chiếc áo truyền thống. Ảnh: Tấn Vịnh


Xin được nói thêm, trong các cuộc hôn nhân từ truyền thống cho đến hiện đại, bà mối giữ vai trò quan trọng. Ngoài việc kết duyên đôi trẻ (dù chúng đã hẹn hò) còn giúp kết nối hai gia đình, thành viên cộng đồng hai làng; thông tin cuộc hôn nhân tương lai đến với già làng, từng hộ dân trong làng; tháo gỡ mọi rào cản (nếu có) từ phía chàng trai/cô gái hay ở cả hai phía. Khi mọi việc đã hanh thông, theo ngày định từ bà mối, cô dâu tương lai sang nhà chàng trai “thử việc” nhà như: gùi nước, giã gạo, nấu cơm. Nói là “thử việc” vì có sự thẩm định chất lượng, đánh giá mức độ hoàn thành công việc từ những người phụ nữ trong gia đình. Ngoài ra, cô gái còn ngủ lại một đêm với em gái hay mẹ chồng tương lai để kiểm tra… nết ngủ. Kết thúc mối lương duyên tốt đẹp là lễ cưới theo phong tục, có sự hiện diện, góp vui cả cộng đồng làng. Tất nhiên, nhân vật quan trọng là bà mối không thể vắng mặt trong ngày cưới.

Trong lễ báo hiếu, sau lời cảm ơn, cầu xin các Yàng đem đến cho gia đình những điều may mắn, tốt đẹp, người con sẽ nói lời cảm ơn công lao sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ, cầu chúc mọi điều tốt đẹp nhất đến với họ. Vợ chồng người tổ chức lễ báo hiếu nhận lại từ cha mẹ lời chúc tương tự.

Lễ vật không thể thiếu trong lễ báo hiếu là con gà nướng và ghè rượu trước mặt cha mẹ có sự chứng giám của bà mối. Ngoài ra, còn có phẩm vật, tùy theo năng lực kinh tế của vợ chồng người con mà dâng tặng cha mẹ. Thông thường, phẩm vật là món mà cha mẹ thích hay còn thiếu. Ngày nay, đi kèm phẩm vật còn có tiền. Lễ thì phải có hội. Trong hội không có chiêng khua, vòng xoang khép mở mà vẫn đầy đủ thành viên cộng đồng làng. Họ góp ghè rượu, con gà, túi gạo… cùng vui, say.

Trước đây không lâu, tôi được gia đình anh Ksor Tân (làng Jút 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) mời dự lễ báo hiếu cha mẹ, đúng hơn là dự liên hoan sau lễ báo hiếu, được tổ chức hoành tráng nhờ đến dịch vụ nhà hàng tiệc cưới với rạp che ngoài trời, cỗ hơn 50 bàn, thức món phong phú, sang trọng; sân khấu trang hoàng, MC lưu loát song ngữ Jrai-Kinh; khách mời góp lời ca tiếng hát có ban nhạc chuyên nghiệp đệm theo. Dễ hình dung, nó như đám cưới quy mô tổ chức ngoài trời. Điểm khác biệt ở đây là trong buổi liên hoan có ông bà mối treo phần xương đuôi heo lên cây nêu thấp cạnh hàng rượu ghè bên hông cửa vào. Trước khi dời chân, khách có món tiền tùy hỷ mừng người mai mối (ngoài phong bì góp vui cùng gia chủ), đứt chân can rượu. Sau đó, khách nhận phần quà gồm miếng thịt heo sống, vài ống cơm lam mang về. Ông mối Ksor Huyn cho biết, món tiền quà nhận từ khách được chia đều cho họ hàng đôi bên, ông chỉ nhận lại phần nhỏ tượng trưng. Cả thức món trên bàn tiệc, tất thảy đã thuộc về khách, phần còn lại khách cứ tự nhiên mang về.

Lễ báo hiếu cha mẹ là nét đẹp truyền thống đáng gìn giữ trong đời sống tinh thần của người Jrai. Tuy nhiên, nếu phần hội tổ chức linh đình, tốn kém sẽ là gánh nặng cho vợ chồng người tổ chức.

 

RƠ Ô TRÚC

 

Có thể bạn quan tâm

Lễ báo hiếu: Thơm thảo tấm lòng con cái

Lễ báo hiếu, thơm thảo tấm lòng con cái

(GLO)- Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, người Bahnar luôn nhắc nhau: “Phải kính trọng cha mẹ như mặt trăng, kính trọng ông bà như mặt trời”. Khi đã trưởng thành, con cái đều nghĩ đến việc tổ chức lễ báo hiếu cha mẹ (teh nhung ăn kră).

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai ban hành QĐ số 60/2024/QĐ-UBND quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” để hướng dẫn thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc thù văn hóa và tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia vừa họp, bỏ phiếu thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Ngọc Minh

Chuyện làm hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, những người làm công tác di sản văn hóa (như cách gọi ngày nay) của tỉnh Gia Lai-Kon Tum bắt tay vào việc thu thập thông tin để làm hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng, trong đó có hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh)

Vọng tiếng chuông ngân

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều ngôi chùa bắt đầu bằng chữ Bửu như chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh), Bửu Thắng, Bửu Nghiêm, Bửu Hải (TP. Pleiku). Riêng cái tên Bửu Tịnh được đặt cho 2 ngôi chùa, 1 ở Ayun Pa, 1 ở Krông Pa. Nhà tôi ở gần chùa Bửu Tịnh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa).

Nét đẹp tặng chữ đầu xuân

Nét đẹp tặng chữ đầu xuân

(GLO)- Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân Việt lại náo nức với những phong tục truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Trong đó, nét đẹp tặng chữ đầu xuân đã trở thành một truyền thống hiếu học của dân tộc và mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, tài lộc, hạnh phúc cho năm mới.

Một dòng huyền tích

Một dòng huyền tích

Mỗi lần đi qua cầu Đuống, tôi bất giác nhìn về phía hạ lưu, trong đầu ngân lên mấy câu thơ của Hoàng Cầm “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Theo dấu sử thi

Theo dấu sử thi

Tôi về xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) vào một dịp ngành văn hóa Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi (khan) cho lớp trẻ.