Lay lắt thành cổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chưa có ngôi thành cổ nào ở Bình Định trải qua nhiều biến cố và thăng trầm như Thành Hoàng Đế. Có đoạn, tưởng như hàng trăm hécta thành cổ bị bụi đất vùi lấp, lãng quên; có lúc, dư luận bất bình khi nhìn di tích thành cổ bị bán cho doanh nghiệp kinh doanh…

Những ngôi nhà đã xây dựng cách đây 50 năm nhưng không được sửa chữa, xây mới do vướng… di tích
Những ngôi nhà đã xây dựng cách đây 50 năm nhưng không được sửa chữa, xây mới do vướng… di tích



Phận người dưới “bóng” thành cổ

Thành Hoàng Đế được Nguyễn Nhạc tôn tạo vào năm 1776 trên nền thành cổ Đồ Bàn - Chămpa (thế kỷ 11 đến thế kỷ 15) làm kinh đô trung ương triều đại Tây Sơn (giai đoạn 1776 - 1793). Thành đóng trên đất cũ 3 xã, phường gồm: xã Nhơn Hậu, phường Đập Đá và phường Nhơn Thành (TX An Nhơn, Bình Định) với diện tích trên 332ha và được xếp hạng di tích quốc gia năm 1982. Tuy vậy, diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích trên là quá rộng, bao gồm cả nhà ở và đất sản xuất của người dân sinh sống ổn định từ trước khi xếp hạng di tích.

Phủi lớp bụi trên bộ bàn ghế cũ, trong căn nhà 3 thế hệ sinh sống, ông Nguyễn Văn Hòa (50 tuổi, thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn), kể: “Căn nhà này dựng vào năm 1968, thời đó nghèo thì chưa có quy định cấm cản gì. Bây giờ dôi ra chút tiền thì lại không được xây cất vì vướng đất di tích. Hai thằng con trai tôi đã lớn, đều lập gia đình nhưng đành phải sống trong ngôi nhà cũ kỹ, xuống cấp của ông nội chúng xây!”.

Những lúc gia đình lục đục, hai người con ông Hòa lại muốn ra ngoài ở. Nhưng ở đâu bây giờ, muốn mua 1 rẻo đất trong vùng để cất nhà thì chính quyền không chứng nhận và cấp sổ đỏ cho. Còn đặt móng, xây nhà trong đất vườn cũng không được vì sai luật di tích.

“Khi quy hoạch đất di tích, họ cũng chẳng nói đất nào xây được, đất nào không xây được. Đụng đâu vướng đó. Đất thì rộng, nhưng xây cái gì cũng không được. Nhiều con em trong xóm phải “làm liều”, tự xây nhà ở. Ở trên đất của mình mà cứ như dân ngụ cư, lén lút…”, ông Hòa ngao ngán.

Những ngôi nhà xây dựng cách đây 50 năm như nhà ông Hòa, bây giờ muốn nâng cấp cũng không được. Năm này qua năm khác chỉ biết quét vôi tường vách. Bi hài nhất ở thôn Nam Tân này phải kể đến trường hợp ông Trần Đức Tâm. Ông Tâm trước làm bảo vệ di tích Thành Hoàng Đế, nhưng chính di tích lại quay sang “hành” gia đình ông. Ông Tâm có 1 thửa đất 1.000m², cũng nằm trong di tích Thành Hoàng Đế, làm sổ đỏ năm 1993. Ông có 4 người con trai, đã lập gia đình nên có nhu cầu muốn tách hộ, ra ở riêng. Nhưng giờ thì kẹt không tách thửa được. Thế là cả 5 hộ gia đình ông Tâm sử dụng chung 1 sổ đỏ, thường xuyên mất đoàn kết, kiện tụng.

Có nhiều trường hợp khác, anh em trong nhà phải giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí…, như trường hợp của các con ông Nguyễn Văn Ngọc (75 tuổi, ở thôn Nam Tân). Ông Ngọc đã già, nhìn cảnh các con lục đục vì chuyện đất đai mà ruột đau như cắt.

Phế tích!

Mới đây, chúng tôi tìm vào Thành Hoàng Đế (hay còn gọi Tử Cấm Thành). Khuôn viên Thành Hoàng Đế rộng chừng 2,3ha; tường thành bằng đá cuội, nhiều vị trí bị công phá đổ nát, cỏ dại vây lấy. Thành Hoàng Đế bây giờ chỉ còn hiện hữu những di tích, phế tích khá rời rạc như: tường thành, hồ bán nguyệt, lăng tẩm, ao sen, tượng voi chiến, đàn Nam Giao, đồi 20, tháp Chăm…

Rảo quanh thành cổ, đi đến đâu chúng tôi cũng chỉ thấy cảnh hư hại, xuống cấp, đổ nát. Hồ bán nguyệt đã bị đào bới, khai quật lem nhem; giếng vuông, cây dại phủ um tùm; đàn tế, tường vách vỡ nát; ngôi mộ đổ nát, rêu cỏ phủ lấp... Một điều rất dễ nhận thấy, dù bao năm, đến nay di tích Thành Hoàng Đế vẫn bị lãng quên.

Trong khuôn viên Thành Hoàng Đế này, nhìn ra xa, lại thấy ngổn ngang lều, trại canh dưa, bí, ngô, đậu phộng… của người dân. Có hộ gia đình xây dựng cả nhà ở, chuồng trại, chăn thả gia súc, chôn mồ mả trên đất di tích; có hộ canh tác, cày cuốc trên nền hậu cung. Việc canh tác, nuôi trồng, sinh sống vây lấy khu di tích. Nghe đâu, ngành chức năng đã phải đấu tranh cật lực mới ngăn được “làn sóng” đào bới, cày cuốc, giẫm đạp lên di tích của 1 bộ phận nông dân. Nhiều người biện minh rằng, di tích không trùng tu, tôn tạo để cỏ dại mọc thì lãng phí đất đai. Chúng tôi chỉ vào cày cuốc, trồng rau, khoai để cải thiện cuộc sống!


 

 Cảnh hoang phế trong khuôn viên Thành Hoàng Đế
Cảnh hoang phế trong khuôn viên Thành Hoàng Đế



“Thắt lại” di tích

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về việc khoanh vùng di tích kiểu “vơ đũa cả nắm”, đẩy người dân vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, ông Đặng Hữu Thọ - Giám đốc Ban quản lý Di tích Bình Định, lý giải: “Trong thời buổi chưa có máy móc hiện đại, đánh giá còn sơ sài, việc khoanh vùng cả 330ha như thế là đúng, làm vậy mới giữ được trọn vẹn di tích”. Ông Thọ cũng nhấn mạnh, trường hợp người dân ở vùng di tích Thành Hoàng Đế đúng là 1 “ca khó”, nhưng không phải hiếm gặp trong các di tích mà Bình Định trước đó đã “gỡ rối” được.

Từ năm 2016, tỉnh Bình Định đã ráo riết hoàn thiện hồ sơ xin Bộ VHTT-DL quy hoạch lại di tích để giảm diện tích, gỡ khó cho dân. Sau khi được bộ đồng ý, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng có ý kiến chỉ đạo các đơn vị liên quan cần khẩn trương lập quy hoạch chi tiết Khu di tích quốc gia Thành Hoàng Đế; phục dựng lại những giá trị tinh thần và chọn ra ngày tổ chức lễ tế hàng năm tại đàn Nam Giao; phải có biện pháp bảo vệ kịp thời 2 con voi đá tại Thành Nội; khảo sát, mở rộng đoạn đường từ quốc lộ 1 đến cổng Thành Hoàng Đế để kết nối các di tích làng nghề tiêu biểu; mở rộng tháp Cánh Tiên về hướng Đông; xây dựng lại đền thờ Huyền Trân Công Chúa…

Theo Ban quản lý Di tích Bình Định, trước mắt, đơn vị chức năng sẽ tiến hành quy hoạch lại di tích, khoanh tròn bảo vệ từng điểm di tích một; đo đạc, kê khai từng lô đất còn lại để giao cho người dân và địa phương quản lý. Theo đó, Khu di tích Thành Hoàng Đế, từ hơn 332ha sẽ “thắt lại” còn hơn 82ha. Ông Đặng Hữu Thọ kêu khó: Do việc tôn tạo còn ngổn ngang, trong khi kinh phí để thực hiện thì “khổng lồ”, lấy đâu ra vốn. Cần phải nhích từng bước một, những cái có đủ tư liệu, hồ sơ thì phục dựng; cái gì không có tư liệu, bị đổ nát thì giữ nguyên trạng. Bởi, bản thân Thành Hoàng Đế đã có đến 3 “thân phận”: Vừa là thành Vijaya vừa là Thành Hoàng Đế; trong khi đó, tại điện Bát Giác của thành Tây Sơn lại lập điện thờ và mộ Võ Tánh, danh tướng triều Nguyễn. Ngôi thành trải qua nhiều biến cố lại bị phá hủy nặng nề; nhiều di tích khó định hình, chắp vá giữa cũ và mới, vụn vặt… rất khó tôn tạo.

“Kể cả khi trùng tu, bảo tồn thì phải ứng xử như thế nào với mộ ông Võ Tánh đây?”, ông Thọ băn khoăn.

Ngọc Oai (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Những người giữ hồn dân ca Jrai

Những người giữ hồn dân ca Jrai

(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Jrai, nhiều nghệ nhân ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) từng ngày âm thầm lưu giữ những làn điệu dân ca như một cách thể hiện tình yêu với cội nguồn.

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

(GLO)- Hiện nay, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống từ men lá tự nhiên. Theo thời gian, họ đã cùng nhau lưu giữ “men say” của đại ngàn, giúp cho thức uống mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên được chắp cánh bay xa.

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.