Một báo cáo mới về chi tiêu của Bộ Quốc phòng Mỹ được tiết lộ với tờ The Guardian (Anh), cho thấy phần lớn khoản chi tiêu tùy ý của Lầu Năm Góc trong giai đoạn 2020 - 2024 được phân bổ cho các nhà thầu quân sự tư nhân, tương đương với 2.400 tỷ USD từ ngân sách công. Đây được mô tả là “sự chuyển giao tài sản khổng lồ và liên tục từ người đóng thuế để tài trợ cho chiến tranh và sản xuất vũ khí”.
Báo cáo do Viện Quincy (thuộc Đại học Brown, Mỹ) công bố cho biết, ngân sách quốc phòng mới của chính quyền Trump sẽ đẩy tổng chi tiêu quân sự hằng năm của Mỹ vượt mốc 1.000 tỷ USD.
Theo nội dung báo cáo, điều này dự kiến sẽ mang lại hơn 500 tỷ USD lợi nhuận cho các tập đoàn vũ khí hàng đầu như Lockheed Martin và Raytheon cũng như các công ty công nghệ quân sự đang nổi lên, vốn có quan hệ chặt chẽ với chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Dựa trên các thống kê về chi tiêu và hợp đồng của Bộ Quốc phòng từ năm 2020 đến 2024, báo cáo cho biết 5 tập đoàn lớn nhất của ngành công nghiệp quốc phòng (gồm Lockheed Martin, Raytheon, Boeing, General Dynamics và Northrop Grumman) đã nhận tổng cộng 771 tỷ USD tiền hợp đồng.
Các công ty tư nhân đã nhận được khoảng 54% trong tổng số 4.400 tỷ USD thuộc khoản chi tiêu tùy ý của Lầu Năm Góc trong giai đoạn này.
Khi tính thêm các khoản bổ sung do Quốc hội thông qua theo đạo luật “Một dự luật to đẹp” của Tổng thống Donald Trump, báo cáo cho biết ngân sách quân sự Mỹ đã gần như tăng gấp đôi kể từ năm 2000, tương đương mức tăng 99%.
Sự gia tăng nhanh chóng trong chi tiêu quốc phòng bắt đầu dưới thời Tổng thống George W. Bush với cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu sau sự kiện 11-9 và tiếp tục được thúc đẩy với lý do đối phó Trung Quốc, đối thủ chiến lược chính của Mỹ trong thế kỷ 21, cũng như việc chuyển giao vũ khí quy mô lớn cho Israel và Ukraine.
“Việc Mỹ rút khỏi Afghanistan vào tháng 9.2021 đã không mang lại bất kỳ "lợi ích hòa bình" nào. Thay vào đó, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu và Quốc hội đã phê duyệt các ngân sách quốc phòng hàng năm cao hơn nữa. Tổng thống Donald Trump tiếp tục duy trì quỹ đạo chi tiêu leo thang này””, các tác giả viết.
Điều đó mâu thuẫn với tuyên bố trước đó của ông Donald Trump hồi tháng 2 rằng ông có thể giảm một nửa ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, dự luật chi tiêu được Tổng thống Mỹ thúc đẩy lại bao gồm 157 tỷ USD tăng thêm cho ngân sách Lầu Năm Góc.
Theo báo cáo, sự gia tăng ngân sách này ngày càng mang lại lợi ích cho các công ty trong lĩnh vực “công nghệ quân sự”, bao gồm những tên tuổi như SpaceX, Palantir và Anduril.
“Các ngân sách quốc phòng khổng lồ thường được biện minh là vì lợi ích của binh lính. “Nhưng báo cáo này cho thấy, phần lớn ngân sách của bộ thực chất chảy vào túi các tập đoàn”, ông William D. Hartung, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Quincy và là đồng tác giả báo cáo, nhận định.
Tính theo tỷ lệ lạm phát, chi tiêu quân sự của Mỹ trong giai đoạn trên vượt xa con số 356 tỷ USD mà Quốc hội đã phê duyệt cho các hoạt động ngoại giao, phát triển và viện trợ nhân đạo.
(Dịch từ The Guardian)