Làng nghề ở TP.HCM mùa tết: Xem nghề làm bánh tráng như 'máu thịt'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

So với những làng nghề khác, nhịp sống ở làng bánh tráng Phú Hòa Đông (H.Củ Chi) bình yên, chậm rãi hơn hẳn. Người dân lý giải rằng, vì nghề làm bánh tráng cần sự kiên nhẫn nên lâu dần, nếp sống của con người cũng giống như thế.

Cách trung tâm TP.HCM khoảng 40 km, làng bánh tráng Phú Hòa Đông giống như một miền quê thân thương, giản dị. Nơi đây có nhiều hộ dân sinh sống bằng nghề làm bánh tráng. So với trước kia thì giờ đây, số người tráng bánh thủ công ngày càng ít, bánh tráng chủ yếu được đưa vào sản xuất bằng máy để năng suất cao và tiết kiệm công sức.

Tuy vậy, bánh tráng được làm thủ công vẫn luôn giữ được sức hút riêng bởi có vị thơm, bùi, độ dẻo dai nhất định. Tại ấp Bến Cỏ (xã Phú Hòa Đông, H.Củ Chi) hiện nay chỉ còn hai người thợ làm bánh tráng bằng tay còn giữ nghề.

Tráng bánh từ năm 12 tuổi

Đến làng bánh tráng Phú Hòa Đông, theo lời chỉ dẫn của một người dân, chúng tôi tìm được nhà của bà Hà Thị Cẩm Hồng (50 tuổi). Bà Hồng được “ca ngợi” là một trong những người thợ tráng bánh ngon nhất ở làng.

Bà Hồng tỉ mỉ làm ra những chiếc bánh tráng thơm ngon
Bà Hồng tỉ mỉ làm ra những chiếc bánh tráng thơm ngon

Bắt đầu tráng bánh tráng từ năm 12 tuổi, bà Hồng nói nghề này đã trở thành một phần “máu thịt” của mình. “Bánh tráng Phú Hòa Đông xưa nay nổi tiếng nhất nhì vùng Nam bộ. Đã từng có một giai đoạn, đơn đặt hàng bánh tráng trong và ngoài nước ồ ạt, người dân phải đầu tư kinh phí để mua máy móc sản xuất. Riêng tôi thì vẫn giữ nghề tráng bánh bằng tay, phần vì không có vốn liếng nhiều, phần vì yêu thích công việc này quá đỗi”, bà Hồng bộc bạch.

Kể cho chúng tôi nghe về nghề làm bánh tráng, bà Hồng nói từ thời khai khẩn, người dân vùng Nam bộ đã sáng tạo ra rất nhiều loại bánh được làm bằng bột mì, bột gạo. Được ưa chuộng nhất phải kể đến bánh tráng. Loại bánh này bảo quản được lâu, ăn không quá ngán, lại ứng dụng được trong nhiều món ăn.

Đặc biệt, bánh tráng được tráng thủ công bằng tay giữ được vị bùi và có độ dai ngon. Bà Hồng bật mí, bánh tráng làm bằng tay chủ yếu được làm từ bột gạo, còn làm bằng máy thì bột mì chiếm số lượng nhiều hơn trong thành phần.

Những chiếc bánh tráng được làm bằng phương pháp thủ công mang hương vị rất riêng
Những chiếc bánh tráng được làm bằng phương pháp thủ công mang hương vị rất riêng

“Để làm ra được một thiên (1.000 cái) bánh tráng, tôi pha 7 cân bột gạo và 4 cân bột mì. Vì bột gạo nhiều hơn phân nửa nên ăn vào sẽ cảm nhận được ngay. Ở nhà chỉ có một mình tôi làm nên mọi công đoạn đều một tay tôi phụ trách, quần quật từ 2 giờ sáng đến 3 giờ chiều mới được một mẻ. Do sức người có hạn, nên tôi chỉ bỏ mối cho các nhà hàng để họ làm nem, chả giò, ai muốn đặt nhiều hơn cũng không được”, bà Hồng nói, tay vẫn tráng bánh thoăn thoắt.

Chúng tôi hỏi những ngày cận tết, tuy không tăng số lượng sản phẩm bán ra vì làm bằng sức người hoàn toàn nhưng có tăng giá không, bà chỉ quơ tay rồi cười giòn giã. Bà nói: “Nghề này nhìn vậy chứ cũng hơi bạc bẽo. Vì làm cả đời cũng không giàu có được như người ta. Ngày tết cùng lắm chỉ tăng lên vài chục nghìn một thiên bánh chứ không có bao nhiêu cả. Ai làm bằng máy móc thì có thể tăng thêm số lượng chứ làm thủ công như tôi thì chịu rồi”.

Hơn nửa đời miệt mài bên chiếc nồi cỡ đại, bà Hồng vẫn ngày đêm giữ nghề, cho ra đời những mẻ bánh tráng dẻo dai, thơm ngon. Để làm ra được một thiên bánh tráng, phải trải qua đủ thứ công đoạn như xay bột, pha bột, tráng bánh, phơi nắng, đóng gói… Công phu, tỉ mỉ ở từng công đoạn nên đòi hỏi người thợ làm bánh phải thật kiên trì, chịu khó.

Mong mỏi một mùa tết ấm no

Một trong những điểm nhận diện các hộ tráng bánh tráng thủ công ở Phú Hòa Đông chính là là khói nghi ngút trên mái nhà. Lần theo vệt khói đen, chúng tôi tìm được nhà của bà Nguyễn Hồng Linh (53 tuổi) cũng là một người thợ tráng bánh nổi tiếng ở làng.

Bà Linh đã gắn bó với nghề tráng bánh tráng gần 40 năm
Bà Linh đã gắn bó với nghề tráng bánh tráng gần 40 năm

Lấp ló sau gian bếp, gương mặt bà Linh trông có vẻ khắc khổ, đen sạm rất nhiều vì mấy mươi năm ngồi bên bếp lửa. Mùa tết, bà Linh nói cuộc sống ở làng bánh tráng Phú Hòa Đông cũng chậm rãi, yên bình như thường. Nơi đây, người lớn tuổi như bà hầu như chỉ làm bánh tráng và làm nông, lớp trẻ thì lên thành phố làm công nhân cho các xí nghiệp.

“Gần tết, các lò bánh tráng sản xuất bằng máy thì tăng ca để kịp đáp ứng nhu cầu của người dùng. Còn tôi thì vẫn đều đều mỗi ngày một thiên. Làm nghề này tuy không giàu có nhưng cũng đủ nuôi ba đứa con khôn lớn, cơm ngày ba bữa no bụng. Với lại làm thế này mình được tự do, làm chủ đời sống, lúc mệt thì đi nghỉ chứ không sợ gì cả”, bà Linh cười nói.

Người thợ tráng bánh đứng tuổi kể thêm, cuối năm 2024, con trai bà bị tai nạn giao thông nên đời sống cũng khá khó khăn. Bà nói tết năm nay, nhà có gì dùng đó chứ không sắm sửa. “Con cái khỏe mạnh trở lại là tôi vui rồi. Tết nhất nếu có ai đặt hàng thì tôi nhận thêm, còn không thì nghỉ vài hôm rồi làm tiếp. Làm nghề này lâu dần cũng thành quen, nhớ mùa Covid-19 bánh tráng đứng hàng, tôi buồn tay buồn chân, bệnh tật không đếm xuể”, bà Linh nói.

Nhờ vào nghề làm bánh tráng, bà Linh nuôi được các con trưởng thành
Nhờ vào nghề làm bánh tráng, bà Linh nuôi được các con trưởng thành

Cả đời gắn mình bên bếp lửa, người phụ nữ ấy tâm sự rằng bà chưa bao giờ lên thành phố vui chơi, khám phá. Bà cúi mặt, nói với giọng trầm: “Cả đời tôi chỉ biết quanh quẩn bên lò bánh tráng, thậm chí các xã khác cũng chưa đến chứ nói gì tới thành phố. Mấy năm nay, làng bánh tráng Phú Hòa Đông được nhiều người quan tâm, hay lui tới nên tôi mới có dịp gặp thêm người này người kia. Nhiều lúc nghĩ lại, nếu không có nghề tráng bánh tráng này, tôi không biết cuộc sống mình sẽ ra sao”.

Con cái bà Linh không ai theo nghề tráng bánh tráng, họ đi làm công nhân cho các xí nghiệp, phân xưởng ở vùng lân cận. Bởi bà nói nghề này cực lắm, cũng không muốn con cái khổ cực như mình. Bà mong con có công việc nhẹ nhàng, ổn định, dư dả chút ít để đời sống được thoải mái hơn.

Làng bánh tráng Phú Hòa Đông những ngày cuối năm vẫn dịu dàng, chậm rãi. Nhiều năm qua, nơi đây đã cho ra đời nhiều mẻ bánh tráng dẻo dai, thơm ngon, ghi đậm dấu ấn trong lòng người thưởng thức.

Làng bánh tráng là nơi an cư, lập nghiệp của rất nhiều người dân. Giữa thành thị tấp nập, tìm được một miền quê bình yên, nhẹ nhàng như thế cũng không phải chuyện dễ dàng.

Bánh tráng Phú Hòa Đông có lẽ vì đó mà luôn có hương vị đặc biệt. Bên cạnh phát triển kinh tế, tạo nguồn thu nhập cho người dân, nghề làm bánh tráng còn góp phần gìn giữ, phát triển bản sắc cho hệ thống làng nghề ở TP.HCM.

Theo Thái Thanh - Hoài Nhiên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.