Làng nghề ở TP.HCM mùa tết: Tỉ phú làng mai 'bám' vườn ngày đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với giới mộ điệu yêu hoa, không thể không biết đến mai vàng Bình Lợi. Tuy là làng nghề ‘sinh sau đẻ muộn’ ở TP.HCM nhưng làng mai Bình Lợi đã mang đến cho người dân ở đây cuộc sống sung túc, đủ đầy.

Làng mai Bình Lợi (H.Bình Chánh) là một nét điểm xuyết đặc sắc trong hệ thống làng nghề ở TP.HCM. Gần tết, không khí nơi đây cũng nhộn nhịp hơn hẳn vì thương lái các nơi đến tận vườn chọn mua, đưa mai đi tiêu thụ khắp cả nước.

Một thập kỷ chuyển mình của làng mai Bình Lợi

Ghé thăm làng mai Bình Lợi vào một ngày đầu tháng chạp, chúng tôi bắt gặp nhiều chủ vườn và nhân công đang tất bật chăm cây, bó rễ, vào chậu… cho cây mai.

Làng mai nằm ngay giao lộ giữa đường Vườn Thơm và đường Trần Văn Giàu. Theo lời người dân ở đây, ngày trước, xã Bình Lợi là một vùng đất bị nhiễm mặn, nhiễm phèn nên người dân đa số trồng mía, dứa nhưng thu nhập quá bấp bênh.

Về sau khi thành phố bắt đầu khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì nhiều người đã dồn sức, dồn vốn, lấy giống mai ghép về rồi cấy giống trên đất ruộng.

Người dân làng mai Bình Lợi tất bật làm việc dịp cận tết
Người dân làng mai Bình Lợi tất bật làm việc dịp cận tết

Lâu dần, người dân quen gọi đây là làng mai Bình Lợi vì hầu hết nhà nào cũng có trồng và bán mai vàng. Tính đến nay ước tính có khoảng 560 ha trồng mai với hàng trăm hộ chuyên canh.

Gần một thập kỷ chuyển mình, làng mai vàng Bình Lợi ngày càng khởi sắc, đóng góp một phần quan trọng trong nền văn hóa, kinh tế của TP.HCM.

Mai sẽ được bó thân lại để dễ vận chuyển, tránh trường hợp gãy cành, rụng lá
Mai sẽ được bó thân lại để dễ vận chuyển, tránh trường hợp gãy cành, rụng lá

Những ngày đầu tháng chạp, mai vàng Bình Lợi sắp sửa "Bắc tiến". Các nhà vườn cũng tất bật chuẩn bị đơn hàng để kịp đáp ứng nhu cầu của người mua.

Theo nhiều chủ vườn, mai Bình Lợi không chỉ có hoa mà còn nhiều lá nên thường gọi là "mai lá", khác với giống mai ở phía Bắc. Mai ở làng này cũng được trồng theo hướng công nghiệp nên sinh trưởng nhanh và giá thành rẻ hơn nhiều lần so với các giống khác.

Trước tết khoảng 10 ngày, nhà vườn sẽ tiến hành nhặt lá để hoa mai nở đúng ngày
Trước tết khoảng 10 ngày, nhà vườn sẽ tiến hành nhặt lá để hoa mai nở đúng ngày

Sống ở làng mai từ ngày nhỏ, bà Nguyễn Thị Mùi (53 tuổi) tiết lộ, giống mai vàng Bình Lợi có nhiều đặc điểm rất riêng. Hoa mai đa số đều có từ 6 - 10 cánh tự nhiên, không cần lai tạo, cấy ghép. Mai là loại cây dễ mọc, ưa nắng ấm, có dáng thông, màu hoa vàng tươi tắn, đặc biệt là bông và nụ rất dày.

"Nhiều hộ dân ở đây đã có đời sống dư giả, sung túc hơn rất nhiều nhờ trồng mai. Trong làng này, tạm thời có thể chia thành hai kiểu trồng và kinh doanh mai. Thứ nhất là những hộ ít hoặc không có đất, tuổi tác cao không có điều kiện chăm sóc. Họ thường sẽ bán mai chậu, bày dọc hai bên đường. Kiểu thứ hai là những người nhiều đất vườn, họ sẽ có thu nhập khá hơn. Có người sở hữu vài trăm, thậm chí là cả ngàn cây mai. Cũng nhờ họ mà những người lao động tự do trong làng có thêm công ăn việc làm", bà Mùi nói.

"Đổi đời" nhờ trồng mai vàng

Ông Bùi Hoàng Tìm (54 tuổi), tên thường gọi là Bảy Tìm, một trong những hộ trồng mai kỳ cựu. Ông đã chuyển đổi thành công mô hình đất trồng mía, trồng lúa sang trồng mai vàng, góp phần hình thành làng mai lớn nhất tại TP.HCM. Ông kể rằng, từ khi chuyển sang trồng mai, cuộc sống của người dân ở làng Bình Lợi trở nên "khởi sắc".

Theo lời kể của ông Tìm, xã Bình Lợi có địa hình trũng thấp, cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn. Họ chủ yếu trồng mía, trồng lúa, hết mùa vụ thì hầu như không có việc làm. Từ khi hình thành thủ phủ mai, đến nay làng Bình Lợi đã có rất nhiều nông dân "đổi đời", thậm chí trở thành "tỉ phú".

Ông Bảy Tìm, một trong những chủ vườn chuyển đổi thành công mô hình đất trồng mía, trồng lúa sang trồng mai vàng
Ông Bảy Tìm, một trong những chủ vườn chuyển đổi thành công mô hình đất trồng mía, trồng lúa sang trồng mai vàng

Vườn mai của ông Tìm trồng hơn 500 cây mai trên 3 ha đất, mỗi năm thu về khoảng 300 - 500 triệu đồng. Từ ngày trồng mai, gia đình ông không còn lo lắng cái ăn cái mặc, nhà cửa cũng khang trang hơn và nuôi hai con học đại học.

"Trước đây, nhà tôi cũng như bao gia đình khác trong làng, cũng trồng mía, trồng lúa nhưng năm nào cũng thua lỗ. May thay từ ngày chuyển sang trồng mai, tôi có đồng ra đồng vào", ông Tìm cho hay.

Vừa bó rễ cho cây, ông Tìm kể chúng tôi nghe, để có một cây mai "chiều lòng giới mộ điệu yêu hoa" thì phải trải qua một quá trình gian nan. Giống mai Bình Lợi ưa đất trồng tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng, khả năng thoát nước tốt.

Mỗi ngày, cần tưới nước cho cây khoảng 2 lần vào sáng sớm hoặc chiều, lưu ý đúng thời điểm để tránh bị úng nước. Bên cạnh đó, cần sử dụng phân bón hợp lý, khoảng 2 lần mỗi tháng; đến mùa thì phải lặt lá, bứng mai, cho vào chậu một cách kỹ lưỡng.

Nhiều người từ nơi khác đến làng mai làm công dịp trước tết
Nhiều người từ nơi khác đến làng mai làm công dịp trước tết

"Đến mùa tết là tôi phải thuê thêm vài thợ để lặt lá. Cả ngày cả đêm tôi đều túc trực, ăn ngủ cùng mai vì đây là thời điểm quan trọng nhất, để cây cho hoa chất lượng phục vụ Tết Nguyên đán", ông Tìm cho hay.

Ông Tìm khoe với chúng tôi, ngoài số lượng lớn mai vàng truyền thống, vườn của ông còn có những cây mai có tuổi đời hàng chục năm. Ông nói, những cây mai này là "vô giá".

Đến thời điểm hiện tại, ông Tìm chưa dự đoán được tình hình buôn bán mai năm nay. Ông cho biết, những năm về trước, tình hình buôn bán thuận lợi hơn: "Tôi chỉ mong năm nay những cây mai sẽ trổ bông đẹp, đúng dịp tết để bà con trong làng có một năm mới ấm no, đủ đầy".

Nhiều thương lái đến tận vườn mua mai về bán lẻ hoặc vận chuyển ra Bắc
Nhiều thương lái đến tận vườn mua mai về bán lẻ hoặc vận chuyển ra Bắc

Ông Hùng (43 tuổi), một người lặt lá ở vườn mai ông Tìm cho biết, nhờ có vườn mai này mà ông và các người thợ khác có công việc ổn định: "Vì không có nhiều đất đai hay vốn liếng nên chúng tôi đi lặt lá cho các vườn mai. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi có công ăn việc làm ổn định. Ở đây cũng có nhiều người ở khu vực khác đến làm công".

Thời điểm nhộn nhịp của thủ phủ mai ở TP.HCM độ khoảng 27, 28 tết. Làng mai Bình Lợi được khoác lên màu áo mới, hàng ngàn hoa mai đua sắc vàng rực cả một vùng. Người qua kẻ lại đến mua mai chưng tết, tham quan rộn ràng, cùng nhau mong cầu một năm mới bình an, hạnh phúc.

Làng nghề trồng mai vàng tại xã Bình Lợi (H.Bình Chánh) được UBND TP.HCM cấp bằng công nhận, được hưởng các chính sách ưu đãi về phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định tại Nghị định số 52 năm 2018 của Chính phủ và các quy định hiện hành.

UBND TP.HCM yêu cầu UBND huyện Bình Chánh có trách nhiệm tổ chức công bố quyết định công nhận làng nghề trồng mai vàng tại xã Bình Lợi, quản lý hoạt động đầu tư phát triển làng nghề trồng mai vàng tại xã Bình Lợi phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Thái Thanh - Hoài Nhiên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

'Báu vật' của làng

'Báu vật' của làng

Hàng chục cây kơ nia trăm năm tuổi được người dân ở Bình Định ví như 'báu vật' được bảo vệ qua nhiều thế hệ. Địa phương đang lập hồ sơ đề nghị công nhận rừng kơ nia này thành rừng cây di sản VN.

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và bảo đảm an ninh trên biển, thời gian qua, công tác dân vận luôn được cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa quan tâm triển khai hiệu quả, thực sự trở thành “điểm tựa” vững chắc để ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.

Kỳ tích cao su vươn mình trên xứ sở Angko - Kampong Thom: Kỳ cuối-Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

Cao su vươn mình trên xứ sở Angkor - Kampong Thom: Kỳ cuối - Đời sống người lao động ngày càng nâng cao

(GLO)- Bên cạnh xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, phát triển sản xuất kinh doanh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Chư Sê - Kampong Thom luôn quan tâm cải thiện đời sống cho hơn 3.300 lao động tại Campuchia với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.