Lan tỏa những cánh chim đầu đàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vùng đất Nam Tây Nguyên là nơi sinh sống của 46 dân tộc thiểu số (DTTS).

Trong quá trình phát triển, tùy theo phong tục, tập quán mà mỗi vùng miền đều có những người uy tín, họ như những cánh chim đầu đàn, dẫn dắt người dân thôn, buôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn lên xây dựng đất nước, xây dựng xã hội chủ nghĩa theo đúng đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước.

Ông Ma Ren (thứ hai từ phải qua), xã Ka Đô, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, là người tiên phong đưa mô hình sản xuất mới về địa phương. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Ông Ma Ren (thứ hai từ phải qua), xã Ka Đô, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, là người tiên phong đưa mô hình sản xuất mới về địa phương. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Biểu tượng của buôn, làng

Tại xã Ka Đô, huyện Đơn Dương, mỗi lần nhắc đến ông Ma Ren, người dân trong thôn không khỏi nghĩ về hình ảnh của một lão nông đi đầu trong việc xây dựng mô hình vườn, ao, chuồng khép kín. Từ năm 2017, ông Ma Ren cũng chính là người tiên phong đưa cây trồng vào nhà lưới để phát huy giá trị sản xuất và định hướng bà con làm theo. Đến nay, trong thôn Ka Đô Cũ, xã Ka Đô, nhờ vào mô hình chuyển đổi kinh tế theo hướng hiện đại mà bà con đã có đời sống ổn định, kinh tế khấm khá. Cũng từ đây, tình trạng phá rừng làm nương rẫy không còn xuất hiện.

Không những vậy, với vai trò trưởng ban công tác mặt trận của thôn, ông Ma Ren nhận thức rõ vai trò, ý thức trách nhiệm của mình, luôn đi đầu trong tất cả lĩnh vực. Ông đã sẵn sàng hiến tặng hơn 400m2 đất, hỗ trợ làm đường bê tông hóa, tạo điều kiện cho các hộ dân vận chuyển hàng hóa, thuận tiện đi lại. Ông Ma Ren cho biết: Trong thời điểm “tấc đất, tấc vàng” như hiện nay, việc vận động người dân tham gia hiến đất làm đường, xây dựng các tuyến đường bê tông liên thôn không phải dễ. Sau khi mình làm trước, bà con cũng thấy cái lợi chung nên cùng nhau hiến đất. Con đường ra các khu sản xuất quanh thôn giờ đã sạch sẽ, khang trang hơn trước nhiều.

Có dịp trở lại thôn Đa Cao 2, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông (Lâm Đồng), chúng tôi gặp ông Liêng Hót Ha Chong (93 tuổi), người hơn 40 năm gắn bó với cương vị già làng. Từng đó thời gian, ông Ha Chong đã chứng kiến nhiều đổi thay trên vùng quê mình. Các công trình phúc lợi được đầu tư xây dựng, hệ thống trường học, trạm y tế, đường giao thông nông thôn, kênh mương được xây dựng khang trang. Thế hệ con cháu được học chữ, theo đuổi kiến thức là điều ông tâm huyết nhất. “Ngày trước, tỷ lệ con em theo học còn ít, mình phải tuyên truyền để các gia đình cho các cháu đi học. Học để biết cái chữ cho sau này đỡ khổ, lâu dần bà con ủng hộ”, ông Ha Chong phấn khởi.

Cách nhà ông Ha Chong vài nương lúa, ông Đa Cát Tư cũng được cộng đồng xem là người uy tín bởi nhiều đóng góp trong việc gìn giữ giá trị văn hóa của người M’Nông. Với mong muốn lưu truyền cho thế hệ mai sau, già làng Đa Cát Tư đã ghi chép lại hơn 5.000 bài hát, câu vè, dân ca như: Ye Yăng Kon Tàng, Pan Yô Bồng Kon Chong… Trong mỗi lúc sinh hoạt cộng đồng, ông Đa Cát Tư thường sáng tác thêm nhiều tác phẩm để cùng luyện tập với bà con.

Còn tại vùng đất khô cằn phía Nam của tỉnh Lâm Đồng, bà Ka Hiên (xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai) hơn 20 năm qua là người tiên phong chuyển đổi từ trồng cà phê sang điều và sau đó trồng xen canh cây sầu riêng. Đến năm 2018, gia đình bà đã mạnh dạn cưa hết toàn bộ điều, để lộ ra 6ha cây sầu riêng với khoảng 700 gốc lực lưỡng, doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Người phụ nữ dân tộc Mạ này giờ đây được rất nhiều người mến mộ, tin tưởng, bởi phẩm chất năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Đến nay, những thành quả của bà đã lan tỏa trong đồng bào DTTS, nhiều hộ đã học tập, làm theo và có thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm. Chị Ka Diệp (thôn Phước Dũng, xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai) chia sẻ: “Bà Ka Hiên là tấm gương sáng được nhân dân, tập thể giao phó trọng trách là người uy tín của buôn làng. Bà Hiên đã thay đổi nhận thức của chúng tôi về phát triển kinh tế, không trông chờ ỷ lại vào nhà nước”.

Đi đầu trong mọi hoạt động

Đối với các buôn làng vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, già làng, người uy tín là trụ cột quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của cộng đồng. Già làng nói - dân làng nghe, già làng hô - dân làng hưởng ứng, già làng làm - dân làng làm theo. Già làng là cây sồi cổ thụ, là chỗ dựa tinh thần cho cả cộng đồng. Họ vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Họ được coi là lực lượng quần chúng đặc biệt, là điểm tựa của bà con. Qua những bản làng, buôn thôn sâu thẳm, hình ảnh già làng, người uy tín luôn hiện hữu trong đời sống của cộng đồng đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Tại Lâm Đồng, có trên 470 người uy tín trong cộng đồng hơn 338.000 người DTTS (chiếm 25,7% dân số toàn tỉnh).

Ông Đa Cát Tư (thứ ba từ trái qua, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông) cùng chính quyền địa phương tuyên truyền chính sách, pháp luật của nhà nước đến bà con trong cộng đồng

Ông Đa Cát Tư (thứ ba từ trái qua, xã Đạ Tông, huyện Đam Rông) cùng chính quyền địa phương tuyên truyền chính sách, pháp luật của nhà nước đến bà con trong cộng đồng

Ông Dơ Woang Ya Gương, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ: Hàng năm, người uy tín tại địa phương được bồi dưỡng các chính sách pháp luật theo từng chuyên đề, từ đó phổ biến, tuyên truyền kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội. Ban Dân tộc tỉnh cũng thường xuyên tổ chức thăm hỏi khi bản thân người uy tín, người thân của họ bị ốm đau, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với những đóng góp thầm lặng của người uy tín trong công cuộc phát triển chung của địa phương.

“Từ nhiều năm qua, người có uy tín trong đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh luôn phát huy, khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân; vận động đồng bào trong cộng đồng dân cư chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là “điểm tựa” của đồng bào các DTTS ở thôn, buôn, khu phố nơi mình sinh sống. Bằng kinh nghiệm, uy tín của mình, họ đã tham gia hòa giải kịp thời những tranh chấp, mâu thuẫn tại cơ sở, không để xảy ra “điểm nóng”; tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục nhiều đối tượng vi phạm pháp luật, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm”, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, khẳng định.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, khoảng 10 năm trở lại đây, người có uy tín trong tỉnh tham gia hòa giải trên 1.800 cuộc mâu thuẫn, cảm hóa 648 đối tượng hòa nhập cộng đồng, vận động tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm 287 cuộc… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc cho biết thêm: “Mỗi cá nhân người có uy tín có mức độ đóng góp, ảnh hưởng khác nhau trong cộng đồng, nhưng ở họ đều có một điểm chung, đó là sự gương mẫu, tận tụy, nhiệt tình, lời nói có sức thuyết phục, nói đi đôi với làm, nên đã tạo dựng được niềm tin với cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương. Dù ở vị trí nào, bất cứ nơi đâu, các vị cũng nỗ lực phát huy vai trò của mình, đóng góp tích cực vì mục tiêu chung phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS”.

Ghi nhận những đóng góp của người uy tín tại Lâm Đồng, vừa qua Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khen thưởng cho 8 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, 8 người được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách dân tộc góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2023.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.