Già làng mẫu mực nơi biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Già làng A Im, Bí thư Chi bộ thôn Rờ Kơi, xã Rờ Kơi (Ngọc Hồi, Kon Tum) là người tiên phong trong thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa mới trong cộng đồng dân cư.

Những ngày cuối năm 2023, tôi được cùng già làng A Im tới thăm ông A Ham ở cùng thôn. Ông A Ham đã ngoài 90 tuổi, sức khỏe được tốt như bây giờ là nhờ sự giúp đỡ rất nhiều của già làng A Im. Trước đây, ông A Ham tin thầy cúng hơn thầy thuốc nên mỗi khi đau ốm đều tìm thầy cúng, mổ trâu, bò, lợn, gà để bày lễ cúng tế đuổi con ma rừng, ma núi, hoặc xin thần linh về bắt cái bệnh đi. Sau nhiều lần cúng, mặc dù mất gia súc, gia cầm, tốn kém tiền của nhưng bệnh tình lại không chuyển biến, Bí thư chi bộ A Im đến tận nhà khuyên can, giải thích, ông A Ham mới đồng ý đến trạm y tế khám bệnh, lĩnh thuốc về uống và sức khỏe nhanh chóng được cải thiện.

Già làng A Im (bên phải) tới thăm ông A Ham.

Già làng A Im (bên phải) tới thăm ông A Ham.

Muốn quê hương phát triển thì không chỉ dừng lại ở việc xóa bỏ hủ tục mà phải đẩy mạnh phát triển kinh tế. Nhưng muốn vận động người dân tin theo để phát triển kinh tế, thay đổi tập quán canh tác cũ, cán bộ phải xắn tay làm trước. Trên cương vị Bí thư chi bộ thôn, năm 2010, ông A Im đã bàn với gia đình phá bỏ cây tạp, cải tạo đất để trồng cây công nghiệp, tập trung vào hai loại cây chủ lực là cao su và cà phê. Cùng với hơn 1ha cao su đang cho thu mủ ổn định, vợ chồng ông A Im hiện đang duy trì vườn cà phê hơn 1.000 gốc.

Già làng A Im còn nỗ lực thay đổi thói quen sản xuất cũ của người dân, như việc chăn nuôi gia súc. Trước đây, chị Y Tiêng ở cùng thôn quen với cách chăn thả gia súc tự nhiên. Việc này không tốn nhiều công sức nhưng lại ảnh hưởng tới môi trường và dễ mất vật nuôi. Trước thực trạng đó, già làng A Im đã đến tuyên truyền, vận động gia đình chị Y Tiêng và nhiều gia đình khác trong thôn làm chuồng trại, tận dụng diện tích đất nương rẫy để trồng cỏ voi, tạo nguồn thức ăn ổn định cho vật nuôi. Chị Y Tiêng cho biết: “Gia đình tôi neo người nên khi già làng A Im đến khuyên làm chuồng nuôi gia súc và trồng cỏ voi thì băn khoăn lắm. Ban đầu làm theo vì nể già làng thôi, nhưng giờ thì thấy già làng khuyên rất đúng. Có chuồng thì gia súc ít ốm đau và đỡ bị mất trộm như trước’’.

Đồng chí A Theng, Phó chủ tịch UBND xã Rờ Kơi, cho biết: “Thời gian qua, già làng A Im rất tích cực vận động người dân trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xây dựng đời sống văn hóa mới. Ông là người gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế ở địa phương với mô hình trồng cà phê, cây ăn quả; tích cực tham gia giữ gìn an ninh, trật tự tại địa bàn và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia”.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.