Làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ khi Việt Nam-Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992 đến nay, quan hệ 2 nước ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Nhận lời mời của Tổng thống Park Geun-hye - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm cấp Nhà nước tại Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) từ ngày 1-10 đến 4-10.

Đây là lần thứ 3, Tổng Bí thư đảng ta thăm Hàn Quốc. Hai chuyến thăm trước là của Tổng Bí thư Đỗ Mười vào năm 1995 và Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh vào năm 2007.

Kể từ khi Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992 đến nay, quan hệ hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ và đi vào thực chất.

Điểm đáng chú ý là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hàn Quốc lần này vào thời điểm vừa tròn 5 năm Việt Nam và Hàn Quốc nâng cấp quan hệ lên “Đối tác hợp tác chiến lược” với nhiều kết quả hợp tác toàn diện và đi vào chiều sâu dựa trên những nền tảng vững chắc.

Đó là mối quan hệ chính trị ngày càng tin cậy; sự kết nối về kinh tế, đầu tư, thương mại, tài chính, lao động, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, văn hóa, đối ngoại, quốc phòng và an ninh…

 

Tổng Bí thư thăm công nhân của Công ty SAMSUNG
Tổng Bí thư thăm công nhân của Công ty SAMSUNG


Là nền kinh tế lớn thứ 4 ở châu Á và thứ 15 thế giới, Hàn Quốc có các ngành công nghiệp rất phát triển, có lợi thế về công nghệ, kỹ thuật cao và vốn. Đặc biệt là những kinh nghiệm của Hàn Quốc để làm nên “kỳ tích sông Hàn” đã được cả thế giới biết tới rất cần cho Việt Nam đang trong quá trình phát triển.

Có thể nói quan hệ kinh tế Việt Nam-Hàn Quốc là lĩnh vực phát triển nhanh nhất, năng động nhất và hiệu quả nhất trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Tính theo lũy kế đến tháng 6 năm nay, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam về số lượng dự án là 3.687 dự án và đứng thứ 2 về vốn đăng ký với hơn 31 tỷ USD.

Nổi bật là các dự án của Tập đoàn SAMSUNG tại Bắc Ninh và Thái Nguyên với vốn đầu tư 5,7 tỷ USD đã và đang được xem là những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành công nhất tại Việt Nam.

Năm ngoái, tổng doanh thu xuất khẩu điện thoại di động của SAMSUNG Việt Nam đạt hơn 23 tỷ USD.

Quan hệ thương mại hai chiều cũng tăng nhanh. Năm 2013 đã đạt 27,5 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so với năm 2007.

Hai bên đang hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 70 tỷ USD vào năm 2020 và ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt-Hàn vào cuối năm nay.

Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Hàn Quốc là hàng dệt may, dầu thô, thủy sản. Ngược lại, Hàn Quốc xuất sang Việt Nam các mặt hàng như: máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, máy móc...

Về viện trợ phát triển, Hàn Quốc coi Việt Nam là nước trọng tâm và hình mẫu cung cấp ODA, là một trong 26 nước thuộc “đối tác chiến lược hợp tác ODA” với ba trọng tâm là: Tăng trưởng xanh, đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện nay, Hàn Quốc là đối tác cung cấp ODA song phương lớn thứ hai của Việt Nam (sau Nhật Bản) với cam kết trị giá 1,2 tỷ USD cho giai đoạn 2012-2015.

Trong lĩnh vực du lịch, Hàn Quốc là nước có lượng khách du lịch vào Việt Nam lớn thứ hai với 750.000 lượt khách trong năm 2013.

Hàn Quốc hiện có khoảng 130.000 người làm việc tại Việt Nam. Ngược lại, Hàn Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lao động lớn thứ hai của Việt Nam với gần 70.000 người.

Trên 5.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại nước bạn, đa phần là học đại học và cao học.

Giao lưu giữa hai nước ngày càng rộng mở và sôi động nhờ gần 100 chuyến bay trực tiếp mỗi tuần kết nối các thành phố lớn của hai nước.

Mỗi nước hiện có hơn 120.000 kiều dân sinh sống và làm việc ở nước kia, trong đó có gần 50.000 cặp vợ chồng Việt-Hàn tại Hàn Quốc.

Tại Hàn Quốc hiện có hai dòng họ Lý của Việt Nam sinh sống là dòng họ Lý Tinh Thiện và dòng họ Lý Hoa Sơn.

Việt Nam luôn coi Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu; mong muốn không ngừng củng cố và thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa trong thời gian tới. Đó là chủ trương nhất quán và là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm đẩy mạnh toàn diện và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc với trọng tâm là tăng cường hợp tác kinh tế, đồng thời mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Trong chuyến thăm này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến, gặp gỡ để đạt được những thỏa thuận quan trọng với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc.

Thông qua đó càng tăng cường hiểu hiểu và tin cậy chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; thúc đẩy hợp tác giữa Đảng ta với Đảng cầm quyền Thế giới mới (Saenuri) và quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm góp phần xây dựng hòa bình, ổn định và phát triển của châu Á và thế giới.

Chúng ta tin tưởng và chúc chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thành công tốt đẹp, đưa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng 16-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku Trịnh Duy Thuân làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết, tặng quà nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và các gia đình có công trên địa bàn TP. Pleiku.

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Đề xuất giữ nguyên tên 5 bộ sau sắp xếp

Theo phương án đề xuất, Bộ Tài chính sẽ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính. Bộ Nội vụ giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ. Bộ Xây dựng giữ nguyên tên sau khi hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng...