Làm báo bằng điện thoại thông minh liệu có khó?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Lâu nay, việc sản xuất tác phẩm truyền hình hay video clip thường được thực hiện bằng máy quay phim chuyên dụng. Song hiện nay chỉ một chiếc điện thoại thông minh, gọn nhẹ, nhà báo, phóng viên có thể thực hiện được những phóng sự truyền hình ngắn hay video clip hấp dẫn được công chúng đón nhận.

Là phóng viên thuộc Trung tâm Văn hóa Thông tin-Thể thao huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai), chị Ngọc Thủy thường tác nghiệp bằng máy quay phim chuyên dụng. Nhưng trước xu thế chuyển đổi số báo chí thì việc tác nghiệp bằng điện thoại thông minh cũng hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, khi mới dùng điện thoại thông minh để tác nghiệp, chị Thủy lại gặp nhiều bỡ ngỡ. Chị Thủy bộc bạch: “Tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc quay chụp bố cục sự kiện và nhân vật”.

Phóng viên Ngọc Thủy (đứng giữa)-Trung tâm Văn hóa Thông tin-Thể thao huyện Chư Păh trao đổi với Nhà báo, Thạc sĩ Nguyễn Cao Cường-Giảng viên Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam tại lớp bồi dưỡng. Ảnh: Đinh Yến

Phóng viên Ngọc Thủy (đứng giữa)-Trung tâm Văn hóa Thông tin-Thể thao huyện Chư Păh trao đổi với Nhà báo, Thạc sĩ Nguyễn Cao Cường-Giảng viên Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam tại lớp bồi dưỡng. Ảnh: Đinh Yến

Còn với anh Phan Duy Hảo công tác ở bộ phận truyền thông thuộc Bệnh viện Hùng Vương (TP. Pleiku) cũng mới bắt đầu làm video clip bằng điện thoại thông minh. Anh Hảo cho hay, lúc đầu, làm phóng sự, video clip dài 1,5 phút đăng tải trên website của Bệnh viện, anh đã phải bỏ ra hơn 4 giờ để quay, ghép lời bình và dẫn hiện trường. “Điện thoại thông minh có rất nhiều tính năng hay, hữu ích trong tác nghiệp nhưng bản thân tôi chưa khai thác hết tính năng đó”-anh Hảo chia sẻ.

Tương tự phóng viên Quang Ngọc (Trung tâm Văn hóa Thông tin-Thể thao huyện Krông Pa) cũng cho biết: “Những hình ảnh quay bằng điện thoại thông minh có thể không được trau chuốt, chỉn chu, chất lượng như các máy quay phim chuyên nghiệp, nhưng nhiều vấn đề trong cuộc sống như: tai nạn giao thông, hỏa hoạn, lũ lụt... được phóng viên, nhà báo hoặc công chúng dùng điện thoại quay những đúp hình nóng hổi từ hiện trường, thực tế sự việc đang diễn ra và đăng tải ngay lên các trang báo điện tử, mạng xã hội thì lượt truy cập tăng rất cao”.

Nhà báo Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh trao giấy chứng nhận cho học viên tham gia lớp bồi dưỡng. Ảnh: Đức Thụy

Nhà báo Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh trao giấy chứng nhận cho học viên tham gia lớp bồi dưỡng. Ảnh: Đức Thụy

Rõ ràng trước xu thế bắt buộc chuyển đổi số báo chí thì việc thay đổi kỹ năng tác nghiệp của phóng viên, nhà báo để thích nghi thời cuộc, với công nghệ số là rất cần thiết. Vì thế, mới đây, trong 2 ngày (29 và 30-7), Hội Nhà báo tỉnh đã tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí “Kỹ năng làm SEO cho Báo Điện tử và thực hiện tác phẩm truyền hình bằng điện thoại di động” cho 70 học viên là lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn và phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Trung tâm Văn hóa Thông tin-Thể thao các huyện, thị xã, thành phố. Lớp học do Nhà báo, Thạc sĩ Nguyễn Cao Cường-Giảng viên kiêm chức thuộc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam truyền đạt, đã hỗ trợ cho những người làm báo trong tỉnh thực hiện khá tốt các tác phẩm truyền hình, video clip bằng điện thoại thông minh.

Nhà báo, Thạc sĩ Nguyễn Cao Cường cho biết: "Sáng tạo tác phẩm phóng sự ngắn truyền hình hay video clip bằng điện thoại thông minh không khó nếu phóng viên, nhà báo say mê nghề và cần có sự thay đổi. Đó là thay đổi tư duy về nghề, kỹ năng tác nghiệp mới để đáp ứng yêu cầu của công chúng”.

Dù chỉ gói gọn trong 2 ngày nhưng cán bộ, phóng viên, nhà báo, biên tập viên, cộng tác viên tham gia lớp bồi dưỡng đã được tiếp thu những kiến thức cơ bản về chủ đề, bố cục khuôn hình, kỹ thuật quay, dựng video clip, một số trang-thiết bị hỗ trợ thực hiện video clip, kỹ năng, kỹ xảo khi sử dụng các phần mềm quay, dựng để cho ra những video clip, phóng sự ngắn truyền hình bằng điện thoại thông minh đạt chất lượng tốt. Và ngay trong thời gian học, các học viên đã dùng điện thoại thông minh của mình để sáng tạo những tác phẩm báo chí đầu tay. Nhiều phóng sự ngắn truyền hình, video clip như “Sản xuất truyền hình bằng Smart phone có khó?”, “Liệu có thể thực hiện tác phẩm truyền hình chuyên nghiệp bằng điện thoại?”… được hoàn chỉnh và nhận được đánh giá đạt chất lượng khá tốt trong niềm vui của mọi người.

Vượt chặng đường hơn 100 km từ huyện Krông Pa lên TP. Pleiku tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, phóng viên Vũ Thị Thanh Tâm (Trung tâm Văn hóa Thông tin-Thể thao huyện Krông Pa) rất vui và chia sẻ: “Qua 2 ngày được giảng viên truyền đạt những kiến thức tác nghiệp mới trên điện thoại di động, tôi đã học được nhiều kỹ năng thiết thực, bổ ích để áp dụng vào công việc, sáng tạo những tác phẩm báo chí phục vụ công chúng”.

Phát biểu tại lễ bế giảng lớp bồi dưỡng, Nhà báo Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh-nhấn mạnh: Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí “Kỹ năng làm SEO cho Báo Điện tử và thực hiện tác phẩm truyền hình bằng điện thoại di động” là hết sức cần thiết với những người làm báo nói chung và đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Báo Gia Lai nói riêng trước xu thế chuyển đổi số trong báo chí. Với những kiến thức, kỹ năng đã được trang bị, đồng chí Huỳnh Kiên bày tỏ mong muốn các học viên sẽ áp dụng vào quá trình tác nghiệp, sáng tạo ra những tác phẩm báo chí chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng; đồng thời, tích cực tham gia cộng tác với Báo Gia Lai không chỉ ở sản phẩm báo in mà cả các tác phẩm truyền hình, video clip. Riêng với phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Báo Gia Lai, Tổng Biên tập Huỳnh Kiên yêu cầu ngay sau lớp bồi dưỡng này vận dụng các kỹ năng đã được truyền đạt để tiếp tục có những tác phẩm video clip chất lượng đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tập trung nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Gia Lai tập trung nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương quán triệt quan điểm, định hướng, phát huy tinh thần “1 mục tiêu”, “2 trụ cột”, “3 đột phá”, “4 không”, “5 đẩy mạnh, tăng cường” nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn.

Sở Y tế Gia Lai hướng dẫn triển khai thí điểm sổ sức khoẻ điện tử phục vụ tích hợp trên VNeID

Sở Y tế Gia Lai hướng dẫn triển khai thí điểm sổ sức khoẻ điện tử phục vụ tích hợp trên VNeID

(GLO)- Sáng 8-11, Sở Y tế Gia Lai tổ chức hội nghị trực tuyến hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh triển khai kế hoạch số 2597/KH-UBND của UBND tỉnh Gia Lai về thí điểm thực hiện sổ sức khoẻ điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID.