Ký ức của một cựu binh Điện Biên Phủ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 63 năm sau chiến thắng “chấn động địa cầu” Điện Biên Phủ, nhiều câu chuyện sinh động vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của những nhân chứng lịch sử, trong đó có Đại úy Đinh Hỗ.

Hơn 6 thập kỷ trôi qua, nhưng những hình ảnh, kỷ niệm về năm tháng “ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, những trận chiến đấu ác liệt với địch giành giật từng tấc đất, từng đoạn chiến hào diễn ra trên đồi A1, trên cánh đồng Mường Thanh, những tiếng hò reo vang ngày đại thắng… vẫn còn đó trong hồi tưởng của Đại úy Đinh Hỗ. Ông lúc đó là Tiểu đội trưởng Thông tin Liên lạc của một đơn vị đảm bảo mạch máu quan trọng của trận đánh vào lòng chảo Mường Thanh: Lữ đoàn 38 thuộc Đại đoàn 351 Công binh, Pháo binh.

 

Tác giả đang nghe Đại úy Đinh Hỗ kể lại ký ức trận đánh lịch sử. Ảnh: Hà Hoa
Tác giả đang nghe Đại úy Đinh Hỗ kể lại ký ức trận đánh lịch sử. Ảnh: Hà Hoa

Đại úy Đinh Hỗ sinh năm 1925 tại một làng quê nghèo thuộc xã Yên Minh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Năm 1944, ông thoát ly gia đình tham gia Mặt trận Liên Việt, Vệ quốc Đoàn, Đoàn Thanh niên cứu quốc rồi chính thức trở thành chiến sĩ Vệ quốc Đoàn tháng 5-1948. Một năm sau ngày nhập ngũ, tháng 7-1949, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi mở đầu chiến dịch Điên Biên Phủ, ông được trên giao đảm nhiệm chức vụ Tiểu đội trưởng Thông tin, mũi tiến công quan trọng đảm bảo thông tin liên lạc cho trận đánh điểm cao đồi A1 và lòng chảo Mường Thanh.

Bên khung cửa sổ tại nhà riêng, trong bộ quân phục đã bạc màu gắn nhiều huân-huy chương, kỷ niệm chương lấp lánh, ông lật giở từng trang nhật ký của mình, trầm ngâm: “Nhanh quá các chú ạ, mới đó mà đã hơn 60 năm trôi qua, tôi còn nhớ như in trong trận thử lửa tại đồi A1, giành lấy cái “chìa khóa sống”. Những năm tháng qua đi như những thước phim chưa hề bị cắt xén mở ra trước mắt ông. Ông kể: Quân Pháp muốn chiếm và xây dựng đồi A1 thành một cứ điểm mạnh nhất trong tập đoàn cứ điểm Điên Biên Phủ, với nhiều tầng chiến hào kiên cố nối liền với hầm ngầm mà trước đây được quân Nhật xây bằng cốt sắt, boong ke, có lắp cả hồng ngoại tuyến để quan sát vào ban đêm. Chiều tối 31-3, lệnh xuất kích được phát đi bên chiếc máy thông tin TA-57 của ông xen lẫn tiếng bom pháo dữ dội. Tiểu đội Bộ binh do đồng chí Chu Văn Mùi chỉ huy cùng 9 chiến sĩ công kiên bảo vệ cửa ngõ vào Mường Thanh. Pháo địch từ Hồng Cúm, Mường Thanh bắn chặn, súng máy từ các lô cốt quét sát mặt đồn, bắn dọc chiến hào nhằm vào khu cửa mở làm một số cán bộ, chiến sĩ ta bị thương vong.

Khoảng 5 giờ sáng 1-4, địch lại đưa 2 xe tăng cùng bộ binh kết hợp với quân cố thủ trong lô cốt, hầm ngầm phản kích nhằm đánh bật quân ta ra khỏi đồi A1. Tiểu đội của ông được bố trí cách trận địa khoảng 900 mét nên bên máy thông tin nghe rõ bộ đội ta báo cáo phát hiện có xe tăng địch và giọng người chỉ huy ra lệnh: Chờ mục tiên đến thật gần hãy nổ súng! Ông đã nhìn thấy khẩu đội ĐKZ và Bazooca thuộc Đại đội 265 của đơn vị bạn cách xe tăng địch khoảng 60 mét, nhưng do sương mù dày đặc nên không nhìn rõ, chỉ nghe tiếng máy nổ và tiếng súng bắn ra. Đợi cho chiếc xe thứ nhất vào khoảng 40 mét thì khẩu đội ĐKZ nổ súng, một quầng lửa trùm lên, tiếng gầm rú của xe tăng im bặt, chiếc thứ 2 không dám mò lên nữa. Đợt phản kích của địch bị quân ta bẻ gãy…

Ông nhớ nhất kỷ niệm ngày chiến thắng mà chính ông và tiểu đội của mình được chứng kiến. Lúc đó là khoảng 17 giờ ngày 7-5-1954, bên chiếc máy hữu tuyến điện TA-57 của Liên Xô, ông nghe rõ tiếng Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật hạ lệnh cho các chiến sĩ ta áp sát hầm tướng Đờ Cát; chiến sĩ Hoàng Minh Chiến, Hoàng Đăng Vinh (đơn vị E165 của Đại đoàn 312) xông vào sát vách hầm bắt sống tướng giặc. “Chiều hôm ấy, chúng tôi không kìm được sự sung sướng, ôm nhau nhảy múa reo mừng hô vang: Hồ Chủ tịch muôn năm! Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên Giáp!”-ông nhớ lại. Và cũng chính trong giờ phút lịch sử đó, ông đã bật khóc khi nhớ đến những đồng đội đã anh dũng hy sinh trước đó ít giờ đồng hồ, vĩnh viễn nằm lại lòng chảo Mường Thanh này.

Kết thúc chiến dịch Điên Biên Phủ, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng ba, Huân chương Chiến công hạng nhất, 2 bằng khen của Bộ Tư lệnh chiến dịch và được bầu là “Chiến sĩ thi đua” của Đại đoàn 351. Sau chiến dịch, ông còn được gặp Bác Hồ. Ông nhớ như in hình ảnh Bác từ dáng điệu nhanh nhẹn, hiền từ đến những lời căn dặn ấm áp chân tình như cha dặn con. Trước hàng quân, Bác nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ những điều cần thiết trước khi vào tiếp quản thủ đô Hà Nội: “Các chú phải thận trọng với những “viên đạn bọc đường”. Muốn vậy, phải tránh thiếu ý thức, thiếu kỷ luật trong ăn ở, đi lại, mua bán, tránh xa xỉ, ăn diện, bắt chước lối sống không tốt sẽ dễ sinh ra tham ô, hư hỏng”. Lời dặn dò này không những đã giúp cán bộ, chiến sĩ ta hoàn thành tốt nhiệm vụ lúc bấy giờ, mà chúng còn theo suốt cuộc đời, sự nghiệp của ông, giúp ông vững vàng trong công tác, là tấm gương sáng cho lớp con cháu noi theo ngay cả khi đã nghỉ hưu, về với đời thường vào năm 1976.

Mặc dù đã ở tuổi 92, với 67 năm tuổi Đảng nhưng Đại úy Đinh Hỗ vẫn sinh hoạt ở chi hội Cựu chiến binh tổ dân phố 2 (phường Ia Kring, TP. Pleiku). Qua câu chuyện của mình ông muốn nhắn nhủ thế hệ trẻ hôm nay rằng: Hãy phát huy tinh thần hào khí Điện Biên Phủ, dám nghĩ dám làm, năng động, sáng tạo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu đẹp, văn minh.

Hà Quân
(Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Pleiku)

Có thể bạn quan tâm

Thanh âm báu vật nghìn năm

Thanh âm báu vật nghìn năm

Già làng cầm viên đá nhỏ bằng nắm tay gõ vào các thanh đá bỗng phát ra âm thanh trong trẻo như tiếng suối chảy, trầm hùng của núi rừng. Bà con người dân tộc M’nông vẫn thường dừng chân bên suối và kể cho con cháu nghe về huyền thoại của dòng suối cũng như sự xuất hiện của những bộ đàn đá cổ.

Khi người già đi học công nghệ

Khi người già đi học công nghệ

Đều đặn mỗi tháng một lần, nhiều cụ ông, cụ bà từ 60 đến 90 tuổi lại mang tập bút đến lớp học về sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội nhằm bắt kịp được với thời đại 4.0 cũng như biết cách phòng tránh lừa đảo qua mạng.

Bừng thức gốm cổ M'nông

Bừng thức gốm cổ M'nông

Có thời điểm nghề làm gốm cổ của người M’nông R’lăm ở Đắk Lắk đứng trước nguy cơ lụi tàn, nhưng nơi ấy vẫn còn một vài nghệ nhân cố sức giữ nghề để giữ lấy nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình.

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.