63 năm đã trôi qua, nhưng những ngày tháng “sống trên lưng pháo, chết trên lưng pháo” để tiêu diệt máy bay địch, bảo vệ bộ binh tiến vào giải phóng Điện Biên vẫn còn vẹn nguyên trong kí ức của những người lính pháo cao xạ năm xưa.
“Bén duyên” với Tiểu đoàn Pháo cao xạ
Một chiều cuối tháng tư, trong căn nhà nằm khuất nẻo ở ở bản Ten B, đội 4, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, chúng tôi được cụ Phạm Đức Cư kể cho nghe về thời binh lửa của mình. Mặc dù ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng cụ Cư vẫn còn minh mẫn, những ký ức về thời binh lửa trong cụ không hề phai nhạt.
Cụ Phạm Đức Cư. |
Cụ Cư sinh ra và lớn lên tại thị trấn Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Năm 1949, nghe theo lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ, cụ Cư lên đường tòng quân. Những ngày đầu tiên trong quân ngũ, cụ Cư thuộc biên chế của một đại đội bộ binh. Bằng những thành tích xuất sắc đã đạt được, năm 1952, cụ được chọn đi học lớp pháo cao xạ ở Trung Quốc. Với tầm quan trọng của khóa học, trước khi đi, đoàn học viên quyết tâm, hứa với Đảng, Nhà nước và tự hứa với lòng mình sẽ đoàn kết, khắc phục khó khăn, phấn đấu học tập tốt để về nước, phục vụ nước nhà, phục vụ nhân dân.
Suốt cả khóa học, cụ Cư đã làm đúng những gì đã hứa với Đảng, Nhà nước, vượt qua biết bao khó khăn để trở thành chiến sỹ làm công tác tham mưu trong một tiểu đoàn pháo cao xạ. Sau hơn 1 năm miệt mài học tập, rèn luyện ở Trung Quốc, 2 tiểu đoàn pháo cao xạ suất sắc nhất đã về nước sẵn sàng nhận lệnh lên đường. Và cụ Phạm Đức Cư là một trong số những thành viên suất sắc đó. Về nước, cụ Cư thuộc biên chế của Tiểu đoàn 394, Tiểu đoàn pháo cao xạ 37 ly, đất đối không.
Ngày 24/12/1953, hai tiểu đoàn pháo cao xạ nhận được lệnh kéo pháo lên Tây Bắc, phục vụ chiến dịch “Trần Đình” (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ lúc bấy giờ). Nhâm nhi chén trà nóng, cụ Cư nói: “2 tiểu đoàn pháo cao xạ có 2 nhiệm vụ chính. Thứ nhất là tiếp cận, bảo vệ cho các sư đoàn bộ binh để tấn công vào các cứ điểm của địch. Nhiệm vụ thứ hai và cũng là nhiệm vụ quan trọng nhất đó là làm sao bắn hạ được nhiều máy bay của địch (máy bay chiến đấu và máy bay tiếp tế cho địch)”.
Xuất phát từ Tuyên Quang và phải mất 17 ngày đêm, tiểu đoàn cụ Cư mới lên đến xã Nà Nhạn, cách cứ điểm của địch 13 – 15km. Tại đây, 2 tiểu đoàn pháo cao xạ được lệnh tháo rời xe pháo và kéo pháo bằng sức người vào trong lòng chảo Điện Biên. Lúc bấy giờ, để vào được lòng chảo Điện Biên chỉ có con đường độc đạo là Quốc lộ 6 nhưng đã bị địch chiếm đóng ở hai vị trí: Him Lam và đồi Độc Lập. Để kéo hết mấy chục khẩu pháo cao xạ lọt qua vòng vây địch là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Lúc đó, tiểu đoàn 394 của cụ Cư gồm 4 đại đội, được trang bị 16 khẩu pháo cao xạ, mỗi khẩu pháo nặng 2,4 tấn.
Tượng đài kéo pháo ở Nà Nhạn. |
Gian nan đường kéo pháo
Xác định không thể kéo pháo vào bằng con đường “chính ngạch” nên chỉ huy tiểu đoàn đã quyết định kéo pháo băng qua rừng để tiến vào lòng chảo Điện Biên. Từ xã Nà Nhạn, các tiểu đoàn phải kéo pháo đi đường vòng qua nhiều đồi núi quanh co, vượt qua nhiều suối sâu, dốc cao để vào bản Tâu (xã Thanh Nưa), cách đồi độc lập 400m, nơi Sở Chỉ huy chiến dịch chọn để thiết lập trận địa pháo cao xạ.
Điện Biên lúc đấy vào mùa mưa, mưa tầm tã suốt mấy ngày liền. Một con đường đất nhỏ được lực lượng công binh gạt ra từ chân núi được chọn làm đường kéo pháo. Bùn lầy nhão nhoẹt, pháo thì nặng nề, cồng kềnh, nhiều lúc pháo mắc lầy, ko qua được, càng kéo nó càng chìm sâu. Cứ mỗi khẩu pháo mắc kẹt trong bùn lầy là cả tiểu đoàn phải dừng lại, cùng nhau đi vác đá kè bánh pháo, chặt cây rừng làm đòn bẩy để kéo. Mất 9 ngày đêm, tiểu đoàn cụ Cư mới kéo được khẩu pháo vào tới khu vực lòng chảo Điện Biên.
Cụ Cư kể: “Khi gần vào đến bản Tâu, lúc đấy đã gần địch lắm rồi. Đồi Độc Lập lúc bấy giờ còn yên tĩnh lắm. Để đảm bảo bí mật, anh em phải kéo vào ban đêm và không được phép soi đèn. Để nhìn thấy đường để kéo pháo, đơn vị đã cử ra 2 người khoác 2 mảnh vải trắng đi trước để làm “hoa tiêu”, cả đội cứ theo hai cái bóng sáng nhờ nhờ ấy mà kéo và đẩy pháo theo sau. Khoảnh khắc ấy, tất cả cán bộ chiến sỹ đều phải tập trung, bởi vì nếu người dẫn đường hoặc người kéo pháo chỉ cần sai khoảng 5 – 7 phân cũng có thể khiến cho cả người và pháo đều rơi xuống vực thẳm...”.
Khi kéo được pháo vào tới lòng chảo Điện Biên, không một chút nghỉ ngơi, cả tiêu đoàn tiến hành thiết lập xong thế trận pháo ngay trong ngày hôm đó. Nhưng ngay ngày hôm sau, tiểu đoàn cụ Cư nhận được lệnh hỏa tốc từ Sở Chỉ huy chiến dịch với nội dung là tất cả các đơn vị pháo phải kéo pháo quay ra vị trí cũ tập kết. “Khi nhận được lệnh này thì không chỉ riêng bác mà tất cả các anh em, đồng chí, đồng đội đều bàng hoàng, chân tay bủn rủn. Dường như, tất cả đều tự đặt ra cho mình một câu hỏi: Tại sao cấp trên lệnh kéo pháo vào để chiếm lĩnh trận địa, nhưng khi mọi việc vừa xong xuôi lại hạ lệnh kéo pháo ra vị trí cũ? Cả tiểu đoàn lúc đấy xôn xao những lời bàn tán về quyết định của Sở Chỉ huy chiến dịch”, cụ Cư nhớ lại.
Giữa lúc toàn bộ chiến sỹ đang bàng hoàng và bàn tán về quyết định đấy của Sở Chỉ huy thì đồng chí Phạm Đăng Thi, Chính trị viên tiểu đoàn nói: Chiến dịch Điện Biên Phủ không có gì thay đổi, toàn quân vẫn quyết tâm tiêu diệt địch để giải phóng Điên Biên, nhưng hiện nay về chiến lược, chiến thuật và phương châm tác chiến đã có thay đổi. Thời gian vừa qua, quân địch có nhiều động thái tăng cường lực lượng, cũng cố hệ thống phòng ngự... cho nên thực hiện phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” rất khó giành thắng lợi. Vì vậy, Sở Chỉ huy chiến dịch đã thay đổi phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc”, chia cắt địch thành từng mảng, chia cắt nguồn sinh lực địch rồi dần dần thắt chặt vòng vây, tiêu diệt từng cứ điểm của địch. Để bảo toàn lực lượng và vũ khí, chúng ta phải kéo pháo ra điểm tập kết để chờ thời cơ.
Xứng danh anh bộ đội Cụ Hồ
Vừa mới trải qua 9 ngày đêm gian khổ, ăn đói, mặc rét, chân tay đẫm máu, quần áo bê bết bùn đất để kéo pháo vào, chưa có thời gian nghỉ ngơi nên ai ai cũng mệt mỏi, mặt mày hốc hác. Song vì độc lập tự do của dân tộc, cụ Cư cùng tất cả chiến sỹ khác vẫn tràn đầy quyết tâm để kéo pháo quay lại 2 điểm tập kết cũ.
Trời Điện Biên vẫn mưa, con đường đất đã bị cày nát trong lần kéo pháo vào và trở nên khó đi gấp bội. Nhưng quyết không lùi bước, cụ Cư và đồng đội lại ngày đêm kéo hàng chục khẩu pháo từ lòng chảo Điện Biên ra vị trí tập kết. Tuy nhiên, không phải lúc nào hành trình kéo pháo cũng gặp thuận lợi. Nói đến đây, cặp mắt cụ Cư rưng rưng, nhìn xa xăm, giọng nói nghẹn lại. Cụ kể: “Khi kéo pháo ra gần đến điểm tập kết, còn khẩu pháo cuối cùng do đồng chí Tô Vĩnh Diện cầm càng điều khiển đột nhiên bị đứt dây tời. Khẩu pháo mất thăng bằng, chao đảo, nghiêng xuống vực. Lúc đó, đồng chí Tô Vĩnh Diện đã vật xuống với khẩu pháo đó. Một con người bình thường với trọng lượng 60kg vật lộn với khẩu pháo nặng 2,4 tấn, anh ấy hô hào, gào thét rằng “cứu lấy khẩu pháo, không để pháo xuống vực”. Nói xong, anh Diện lấy thân mình chèn pháo không cho lăn xuống vực. Pháo được cứu, nhưng anh Diện hy sinh, đó là vào đêm 1/2/1954. Sự hy sinh của anh Tô Vĩnh Diện đã tiếp thêm động lực, lòng căm thù giặc của chúng tôi, chúng tôi đã hứa trước phần mộ của anh rằng sẽ tiêu diệt hết quân thù để trả thù cho anh, đưa lại cuộc sống bình yên cho nhân dân để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của anh...”.
Sau khoảng 1 tháng ở chỗ tập kết Nà Nhạn, các tiểu đoàn lại nhận được lệnh của Sở Chỉ huy kéo pháo vào lần 2 để tổng lực đánh chiếm Điện Biên Phủ. Chiều tối ngày 13/3/1954, các tiểu đoàn pháo cao xạ đồng loạt khai hảo vào cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập. Với tinh thần chiến đấu anh dũng, ngày 16/3/1954, quân ta đã chiếm được phân khu 1 ở phía Bắc của địch, gồm: Him Lam, đồi Độc Lập và bản Kéo. Những ngày sau đó, Tiểu đoàn pháo cao xạ 383 ở phía đông dần tràn xuống phía nam bảo vệ cho bộ binh. Tiểu đoàn của cụ Cư ở phía Tây cũng thực hiện nhiệm vụ tương tự. Thế trận pháo cao xạ hình thành từ Bắc xuống đến Nam trở thành thế gọng kìm ôm lấy lòng chảo Điện Biên tạo thành lưới lửa phòng không. Đến ngày 7/5/1954, quân đội ta đã giải phóng Điện Biên, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Cụ Phạm Đức Cư phục viên năm 1981. Sau khi phục viên, cụ tích cực tham gia vào lao động sản xuất, xây dựng vùng kinh tế mới ở Điện Biên. Cụ cũng tích cực tham gia vào các hoạt động đoàn thể ở địa phương như: Ban chấp hành Hội cựu chiến binh, Hội người cao tuổi xã Thanh Xương, hội viên Hội văn học nghệ thuật tỉnh Điện Biên. Cụ đã có hơn 300 bài thơ, truyện ngắn... Sắp tới đây, cụ dự định sẽ xuất bản tập truyện ngắn “Kí ức Điện Biên” do chính mình viết. Dù ở vai trò nào, cụ luôn là người cựu chiến binh gương mẫu, xứng danh với truyền thống anh bộ đội Cụ Hồ.
Theo congly