Kỳ bí nơi rừng thẳm suối nước trong vắt, cá kéo đến đen kịt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dòng nước trong vắt, nhìn rõ sỏi đá, bỗng nhiên cá ở đâu kéo đến đen kịt dòng nước, tranh cướp mồi xôn xao cả dòng nước bạc.
Từ huyện Vân Hồ (Sơn La), xuyên qua những dải rừng già ngút tầm mắt, những thửa ruộng bậc thang hùng tráng, những nếp nhà sàn người Thái ẩn hiện trong sương mù, đến tận cùng rừng già, chẳng còn đường nữa, thì con suối Chiềng Yên hiện ra, với xa xa là tiếng thác Tát Nàng ào ào, tung bọt trắng.
Dọc con suối Chiềng Yên, là những tấm biển “cấm bắt cá”, nhưng nhìn mãi dòng suối nước trong vắt chảy ào ào chẳng thấy con cá nào. Anh chàng Tráng A Tu, ông chủ homestay ở Vân Hồ khẳng định chắc nịch “chính em nghe dân kể có con suối giữa rừng ở Chiềng Yên cá thần nhiều lắm, dân không dám ăn”.
Dò hỏi mãi, rồi người Thái sinh cư bên con suối Chiềng Yên mới ồ lên: “Vậy thì là suối cá bản Bướt rồi. Suối ấy đúng là giữa rừng già, nhiều cá lắm”.
Cuốc bộ hơn giờ đồng hồ, thì Bản Bướt (xã Chiềng Yên) hiện ra. Bản Bướt chỉ có vài chục nóc nhà, nằm lọt thỏm giữa một thung lũng, với những dãy núi đá răng cưa nhấp nhô, rừng già ngút ngát. Chẳng phải bản làng xa xôi, hiểm trở bậc nhất nước Việt, nhưng bản Bướt vẫn chưa có điện thì thật lạ lùng.
 
Suối Bướt nhung nhúc cá.
Con suối nhỏ, nước chảy hiền hòa, uốn lượn quanh bản nước trong vắt tinh khiết. Nhìn từ vệ tinh, bản Bướt nằm đúng ranh giới với tỉnh Hòa Bình. Con suối Bướt bắt nguồn từ núi Xà Lạc sừng sững trước mắt. Đây là dãy núi thú vị, nơi khởi nguồn của những mạch nước khoáng nóng. Phía bên kia núi, là bản Phụ Mẫu, có những mạch nước khoáng nóng sủi lên. Bên này, ở bản Bướt, nước nóng cũng chui ra từ chân núi, chảy tràn trên mặt ruộng, rồi nhập vào suối Bướt trong lành.
Chúng tôi đứng bên suối Bướt, đang loay hoay, không biết cá mú tụ họp ở đâu, thì một bà cụ đi ngang qua. Bà bảo, cá dưới suối nhiều lắm, nhưng bọn nó rúc vào hang đá rồi, giờ phải có thứ gì ăn thì chúng mới chịu ngoi ra.
Một người phụ nữ Thái sống ở cách suối Bướt không xa, thấy khách lạ loay hoay tìm kiếm đồ ăn cho cá, thì chạy về nhà, lấy chiếc bánh mì. Chị véo từng miếng, rồi ném xuống suối. Kỳ lạ thay, dòng nước trong vắt, nhìn rõ sỏi đá, bỗng nhiên cá ở đâu kéo đến đen kịt dòng nước, tranh cướp mồi xôn xao cả dòng nước bạc.
Nhiều nhất là đàn cá suối bằng ngón tay, cổ tay, rồi đến những con cá có dải ánh đỏ, bằng bàn tay người lớn đớp mồi ủng oảng. Loài cá có dải ánh đỏ ở gần sống lưng, chính là cá bỗng theo cách gọi của người Hà Giang, còn cư dân miền tây Thanh Hóa gọi là cá dốc. Chúng chính là loài cá thần ở suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy) và Văn Nho (Bá Thước) nổi tiếng Việt Nam, khiến hàng vạn người đến chiêm ngưỡng mỗi năm.
Anh Ngần Văn Tươm, người Thái,  chỉ tay về phía hạ nguồn bảo: “Suối có nhiều cá to lắm, là loài cá thần ở Thanh Hóa, nhưng chỉ thi thoảng chúng mới chui ra thôi, còn toàn trốn trong hang”.
Theo lời anh Tươm, cái hang này rất kỳ lạ, nằm dưới tảng đá giữa suối. Hang chỉ rộng độ 2 gang tay, vừa một người chui xuống, nhưng chưa ai dám chui vào đó.
Mùa mưa, nước lũ cuồn cuộn, suối chảy ầm ầm, nước ngập cả cánh đồng, con suối hiền hòa biến mất, những khúc gỗ còn bị thổi bay, đá lăn ùng ục, nhưng loài cá ở suối Bướt thì vẫn không bị dòng nước cuốn đi, bởi có cái hang kỳ lạ giữa suối. Cứ đến mùa lũ, chúng lại rồng rắn, kéo nhau trốn tiệt vào hang.
Anh Tươm kể: “Sống ở bản Bướt 50 năm rồi, nhưng tôi cũng không biết cái hang ấy sâu thế nào cả. Ngày xưa, đám thanh niên chúng tôi đặt bẫy ở cửa hang, bắt cả tạ cá, chia cho cả bản ăn, nhưng mãi không hết cả. Chúng tôi cũng dùng cây sào chọc vào, nhưng cây sào dài cả chục mét cũng mất hút. Chắc là hang ngầm ở dưới lòng suối lớn và sâu lắm”.
 
Người dân ở bản Bướt không bao giờ bắt cá.
Tôi hỏi vì sao không bắt cá ăn, anh Tươm lắc đầu bảo: “Ngày xưa cũng bắt cá ăn suốt, mà không hết cá, nhưng có mấy vụ người bị điên, người bị chết, người bị cấm khẩu do bắt cá ăn, nên giờ mọi người sợ, không ai dám bắt cá ăn nữa. Với lại, dưới suối có nhiều cá nhìn cũng thích mắt, nên không ai nỡ bắt cá ăn nữa đâu”.
Ông Ngần Văn Tình dẫn tôi về phía cuối nguồn, nơi có đập tràn. Tại đây, mặt suối rộng và nông, nước chảy hiền hòa. Những con cá to bằng bàn tay bơi lững lờ. Ông Tình cầm hòn sỏi ném xuống mặt nước, chúng xúm lại tưởng mồi ăn. Khung cảnh bản Bướt với cá mú bơi lội thanh bình, đẹp đẽ.
Ngay con đập tràn, là cái hang đá. Ông Tình dẫn tôi vào, chỉ hai tảng đá giống hình con chó đang phủ phục cửa hang và phía trong là tảng đá hình con voi lõm đầu.
Truyền thuyết kể rằng, hơn 100 năm trước, người Thái di cư đến vùng đất này, thấy có thung lũng đẹp đẽ, con suối trong mát, nhiều cá, nên lập làng định cư. Rừng nhiều thú, ruộng nhiều thóc, suối nhiều cá, nên cuộc sống rất no ấm.
 
Anh Tươm chỉ khu vực có hang ngầm rất sâu. 
Một hôm, có nhóm người Lào đi qua, ghé lại dựng nhà ở cùng. Người Lào mang bẫy xuống suối bắt cá, nhưng người Thái không cho, bảo là tài sản riêng của người Thái. Người Lào không được cho cá, bực mình, đã trả thù. Họ đã đục đầu con voi lấy mất não, nên người Thái ở bản cứ mãi nghèo dốt. Người Lào cũng làm bùa yểm, rồi lấp cửa hang, nên hang mới hẹp như bây giờ và cá cũng không còn dồi dào như xưa nữa. Để bảo vệ được đàn cá, người Thái không được ăn cá dưới suối nữa.
Không rõ truyền thuyết các cụ kể lại có thật hay không, nhưng đó là bài học nhắc nhở người Thái về tính rộng rãi với xóm giềng, khách lạ.
Người Thái tin vào câu chuyện truyền thuyết đó, bởi sự ứng nghiệm. Đến bây giờ, bản Bướt vẫn còn đói nghèo, bởi sự cách trở giao thông, điện đường trường trạm vẫn chưa có. Nhưng, với mạch nước khoáng nóng tuôn chảy quanh năm và con suối nên thơ đầy cá, hy vọng, nó sẽ sớm được chú ý, và trở thành điểm đến của du khách.
Dân Việt/Theo Phạm Dương Ngọc (VTC News)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.