Kỳ 2-Quyết tâm đưa học sinh đến trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tâm huyết của thầy-cô giáo nơi vùng khó là điều đáng trân quý, song dường như vẫn chưa đủ sức “níu chân” nhiều học sinh ở lại với trường, với lớp. Xuất phát từ thực tế đó, nhiều cơ sở giáo dục đứng chân tại vùng khó khăn đã chủ động, sáng tạo triển khai những mô hình hay và ý nghĩa, quyết tâm đưa bằng được học sinh đến trường.
Tiếp sức cho trò nghèo
Tiếng trống trường báo hiệu kết thúc giờ học buổi sáng cũng là lúc 62 học sinh lớp 1 của Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) chạy ùa xuống nhà ăn. Những khay cơm nóng hổi, đầy đủ dinh dưỡng được các em hồ hởi đón nhận và ăn rất ngon miệng.
Đây là năm học thứ 3 nhà trường duy trì bữa cơm trưa bán trú từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Quỹ trò nghèo vùng cao và sự chung tay ủng hộ của các nhà hảo tâm, giáo viên cùng đông đảo phụ huynh. Cũng nhờ mô hình này, việc huy động học sinh đến lớp, duy trì sĩ số và nâng cao tỷ lệ chuyên cần đã có những biến chuyển đáng khích lệ.
Thầy Lê Công Tấn-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Mô hình bếp ăn bán trú được trường triển khai cho học sinh khối lớp 1. Năm đầu tiên là 51 em, năm thứ 2 được 59 em và năm nay là 62 em. Quỹ trò nghèo vùng cao hỗ trợ suất ăn hàng tháng cho mỗi em với mức 9.000 đồng/ngày.
Để cải thiện chất lượng bữa ăn, nhà trường kêu gọi thêm sự hỗ trợ từ nhiều nguồn; vận động phụ huynh học sinh góp gạo và giúp giáo viên trồng rau xanh trong khuôn viên trường. Riêng các thầy-cô giáo tình nguyện cắt cử nhau ở lại buổi trưa để chăm sóc học sinh ăn, ngủ bán trú tại trường.
“Năm học 2020-2021, toàn trường có hơn 360 học sinh, gần 100% là dân tộc Bahnar. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhiều em ở bậc THCS thường một buổi đi học, một buổi phải đi làm phụ giúp bố mẹ. Còn học sinh tiểu học thì lại phải theo cha mẹ lên rẫy vào ngày mùa nên ảnh hưởng rất lớn đến việc học. Nếu không duy trì được chế độ cơm trưa bán trú, chắc chắn tỷ lệ học sinh lớp 1 đến trường sẽ khó đạt như hiện tại”-thầy Tấn khẳng định.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) dùng cơm trưa bán trú tại trường. Ảnh: Hồng Thi
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) dùng cơm trưa bán trú tại trường. Ảnh: Hồng Thi
Ngoài duy trì bếp ăn bán trú, nhà trường còn có nhiều cách làm hay, sáng tạo khác để học sinh yên tâm đến trường. Thầy Nguyễn Duy Ry-giáo viên Tổng phụ trách Đội-thông tin thêm: Hai năm qua, Liên đội trường còn phối hợp với các nhà hảo tâm thực hiện chương trình tặng bò giống và “Điểm tựa nhân ái” để tiếp sức cho học sinh nghèo. Năm học 2019-2020, từ nguồn xã hội hóa, chúng tôi đã tặng 1 con bò và 1 thửa đất làm nhà ở có diện tích 150 m2 cho 2 học sinh mồ côi. Tháng 8 vừa qua, Liên đội tiếp tục tặng 2 con bò giống cho 2 học sinh mồ côi khác.
Riêng chương trình “Điểm tựa nhân ái”, vào đầu mỗi năm học, nhà trường sẽ khảo sát tổng thể để lựa chọn “đỡ đầu” những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cả năm học. Theo đó, định kỳ hàng tháng, các em được hỗ trợ gạo, mì tôm, nhu yếu phẩm…, mỗi suất trị giá 400-500 ngàn đồng. Năm nay, toàn trường có 9 em được giúp đỡ theo mô hình này. Qua đó, tinh thần học tập của các em được nâng lên rõ rệt, không bị chi phối giữa thời gian học và đi làm thuê, càng tránh được tình trạng học sinh bỏ học rồi bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội.
Là học sinh mồ côi được giúp đỡ, em Đinh Tuyền (lớp 8) bày tỏ: “Nhà em ở làng Bi Gia. Cha mất sớm, mẹ bỏ đi nên 4 chị em ở với dì từ nhỏ. Năm ngoái, em được Liên đội trường phối hợp với nhà hảo tâm tặng 1 con bò giống. Năm nay, nó đã đẻ được 1 con bê. Sau giờ học, mấy chị em thay nhau chăm sóc bò. Em cảm ơn thầy cô rất nhiều và mong rằng trường sẽ có nhiều hơn nữa những chương trình ý nghĩa để hỗ trợ học sinh nghèo”.
Ngoài giờ học chính khóa, Trường Mẫu giáo Hoa Mai (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) còn giúp trẻ DTTS tăng cường Tiếng Việt thông qua các gian hàng học tập ngoài trời. Ảnh Hồng Thi
Ngoài giờ học chính khóa, Trường Mẫu giáo Hoa Mai (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) còn giúp trẻ DTTS tăng cường Tiếng Việt thông qua các gian hàng học tập ngoài trời. Ảnh: Hồng Thi
Nằm ở địa bàn vùng khó của huyện Mang Yang, Trường THCS Kon Chiêng có trên 90% học sinh là người dân tộc thiểu số. Theo thầy Trần Dân-Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2020-2021, trường có 89 em ở bán trú, chủ yếu là con em Bahnar ở 3 làng: Ktu, Deng và Klăh. Trước đây, khi chưa có chính sách hỗ trợ của Nhà nước về chế độ ăn, ở cho học sinh, nhà trường cũng đã tổ chức thực hiện thành công mô hình bán trú dân nuôi để duy trì sĩ số học sinh.
Theo đó, phụ huynh có con em ở lại trường sẽ đóng góp gạo, củi; vận động bà con các làng trong xã đóng góp mỗi nhà một ít để mua thức ăn cho các em. Các thầy-cô giáo chia nhau nấu ăn và quản lý học sinh trong quá trình ăn, ở tại trường.
Giờ đây, mặc dù đã có phần thuận lợi hơn, song tỷ lệ chuyên cần của học sinh toàn trường chỉ đạt 87-90%, số học sinh vắng học vào những dịp ma chay, lễ hội hay ngày mùa vẫn còn nhiều. Vì vậy, trường vẫn phải triển khai nhiều giải pháp để huy động học sinh đến lớp.
Thầy Dân cho hay: Tất cả cán bộ, giáo viên của trường đã tích cực tìm hiểu phong tục, tập quán, học tiếng địa phương để tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ huynh, dần hạn chế việc học sinh trốn học để tham gia các lễ hội. Ngoài ra, trường còn phân công giáo viên phụ trách học sinh ở từng làng và phối hợp chặt chẽ với Ban Nhân dân thôn để vận động các em đến lớp.
Nhà trường cũng tranh thủ các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, sửa sang các phòng ở bán trú, xây dựng giếng nước, hệ thống điện sinh hoạt… phục vụ học sinh ở bán trú tại trường. Trường cố gắng duy trì sĩ số, để cải thiện chất lượng giáo dục mũi nhọn lẫn đại trà. Những năm gần đây, số lượng học sinh giỏi cấp huyện của trường gần như cao nhất trong các trường vùng khó khăn, tỷ lệ học sinh yếu chỉ còn dưới 15%.
“Tôi có con gái đang học lớp 7 tại Trường THCS Kon Chiêng. Thấy con học về khá vui vẻ, năng động, kể nhiều điều hay ở lớp nên gia đình rất yên tâm. Tôi luôn động viên các con phải chăm chỉ học hành, có cái chữ thì sau này mới thoát được đói nghèo”-ông Nhơi (làng Bờ Chắc, xã Kon Chiêng) nói.
Tăng cường hoạt động ngoại khóa
“Học mà chơi, chơi mà học” có lẽ là phương pháp giáo dục hiệu quả nhất đối với học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Vì vậy, bên cạnh thời gian học chính, nhiều trường còn tổ chức đa dạng, phong phú hoạt động ngoại khóa để mỗi ngày đến trường với học sinh thực sự là một ngày vui.
Nắm bắt tâm lý của học sinh là thích tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, năm 2018, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Ia O, huyện Ia Grai) tích cực vận động, kêu gọi xã hội hóa được 53 triệu đồng và hàng chục ngày công lao động để đầu tư xây dựng sân bóng đá mi ni cỏ nhân tạo. Đây là ngôi trường đầu tiên ở vùng biên giới của huyện Ia Grai làm được công trình này.
“Từ ngày có sân bóng, chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa ngoài trời, chương trình văn nghệ và tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng giải bóng đá truyền thống của trường. Giờ học thể dục cũng diễn ra tại đó. Học sinh rất phấn khởi và hào hứng tham gia, tỷ lệ đi học chuyên cần cũng nâng lên đáng kể. Sắp tới, trường dự định thành lập các câu lạc bộ sở thích để níu chân học sinh đến lớp như bóng đá, aerobic...”-thầy Bùi Công Năm-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Ia O, huyện Ia Grai) đá bóng trên sân mini cỏ nhân tạo do nhà trường đầu tư xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Ảnh Hồng Thi
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Ia O, huyện Ia Grai) đá bóng trên sân mi ni cỏ nhân tạo do nhà trường đầu tư xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: Hồng Thi
Cùng với đó, xác định tăng cường tiếng Việt là chìa khóa nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc đã nỗ lực thực hiện nội dung này bằng nhiều giải pháp. Ngoài môn học chính khóa, Ban Giám hiệu nhà trường còn chỉ đạo giáo viên chú trọng lồng ghép, tích hợp tăng cường tiếng Việt thông qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh như: đố vui để học; giao lưu tiếng Việt; chương trình văn nghệ với chủ đề ca ngợi đất nước, Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại; thi bảo vệ môi trường; an toàn giao thông...
Đặc biệt, nhiều năm qua, các giáo viên trong trường đã tự nguyện dạy phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu, kém và tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Các giải pháp trên đã giúp học sinh lĩnh hội được tiếng Việt một cách tốt nhất, từ đó trở nên mạnh dạn, tự tin đến trường hơn.
Em Rơ Mah Huyết (lớp 5A) bộc bạch: “Từ ngày thông thạo tiếng Việt, em không còn ngại và sợ đi học nữa. Em thích đến lớp để cùng học, cùng vui chơi, múa hát với bạn bè”.
Dạy trẻ làm quen với bảng chữ cái tại Trường Mẫu giáo Hoa Mai (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh). Ảnh: Hồng Thi
Dạy trẻ làm quen với bảng chữ cái tại Trường Mẫu giáo Hoa Mai (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh). Ảnh: Hồng Thi
Tương tự, tăng cường tiếng Việt cho trẻ cũng được Trường Mẫu giáo Hoa Mai (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) đặc biệt quan tâm khi có hơn 71% học sinh là người dân tộc thiểu số. Theo Hiệu trưởng Trần Thị Hồng Ánh, để trẻ quen với mặt chữ, nhà trường đã kết hợp song ngữ Việt-Jrai ở tên các bảng biểu, góc học tập, vui chơi trong lớp; tạo “Góc địa phương” sinh động, gần gũi nhằm giúp trẻ dễ dàng tiếp cận và tăng cường tiếng Việt. Ngoài ra, trong mỗi bài giảng, giáo viên sẽ chọn ra 3 từ tiếng Việt cho trẻ làm quen và dạy trẻ phát âm chuẩn. Các cô cũng thường xuyên trò chuyện, trao đổi cùng trẻ bằng tiếng Việt; khuyến khích, động viên trẻ sử dụng tiếng Việt khi đến trường cũng như ở nhà.
Nằm ở xã vùng III, điều kiện giảng dạy và học tập còn lắm khó khăn nhưng nhà trường cũng đã cố gắng thực hiện xã hội hóa để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, sân chơi cho trẻ; triển khai tốt các hoạt động trải nghiệm sáng tạo ngoài giờ lên lớp. Nhờ đó, việc huy động trẻ đến trường không còn gặp nhiều khó khăn như trước. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%; tỷ lệ chuyên cần được duy trì ở mức 97-98%.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.