Kỳ 2: Bất cập trong duy tu, bảo dưỡng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bất cứ công trình giao thông nào cũng đều phải được giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng và kịp thời duy tu, bảo dưỡng nếu có dấu hiệu hư hỏng. Tuy nhiên, việc phân cấp quản lý và đầu tư duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông ở tỉnh ta hiện còn hạn chế, bất cập.

Đường nhanh xuống cấp

Công tác quản lý chất lượng thi công công trình giao thông được tỉnh quan tâm, chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị thực hiện dự án nghiêm túc chấp hành; thường xuyên tổ chức sửa chữa, duy tu các tuyến đường hư hỏng. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế một số tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh vẫn có nhiều đoạn đường bị hư hỏng nặng, xuất hiện ổ gà, ổ voi, lề đường bị xói lở…

 
Tỉnh lộ 665 đoạn từ ngã ba Phú Mỹ đi xã Ia Tôr (huyện Chư Prông) xuống cấp trầm trọng. Ảnh: H.D
Tỉnh lộ 665 đoạn từ ngã ba Phú Mỹ đi xã Ia Tôr (huyện Chư Prông) xuống cấp trầm trọng. Ảnh: H.D

Nhiều năm lưu thông trên tỉnh lộ 665 (đoạn từ xã Ia Tôr đi ngã ba Phú Mỹ, xã Ia Băng, huyện Chư Prông), ông Nguyễn Văn Quang (thôn 2, xã Ia Tôr) bức xúc: “Tình trạng hư hỏng này kéo dài 4-5 năm rồi. Năm ngoái, chúng tôi “kêu” mãi thì họ đến đổ đất lên mặt đường. Nhưng khi mưa xuống càng nguy hiểm hơn vì đường trơn trượt khiến không ít trường hợp bị ngã. Trong khi  đây là tuyến đường huyết mạch, đi qua các xã như Ia Pia, Ia Tôr, Ia Ga… nên lưu lượng xe cộ khá đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong khu vực”.

Tỉnh lộ 663 sau khi được nâng cấp, sửa chữa đã tạo thuận lợi cho người dân các xã của huyện Chư Prông trong việc đi lại. Tuy vậy, nhiều người vẫn còn lo ngại vì một số đoạn có dấu hiệu xuống cấp trở lại. Ông Rơ Chăm Chunl (làng La, xã Ia O, huyện Chư Prông) cho biết: “So với năm ngoái, đường đi tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, sau mùa mưa vừa rồi, một số đoạn lại xuất hiện thêm ổ gà. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời thì tuyến đường sẽ nhanh chóng xuống cấp”.

Điều dễ thấy là hệ thống thoát nước dọc các tuyến tỉnh lộ ở huyện Chư Prông hầu hết chưa đảm bảo, nhiều đoạn không có kênh, rãnh thoát nước, mưa xuống làm ứ đọng càng gây hư hỏng nền đường nặng hơn. Trong khi mặt đường khá hẹp thì độ chênh lệch giữa mặt đường và lề đường quá cao, khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Chán nản vì mỗi khi mưa xuống lại phải nạo vét vườn và dọn sân, ông Trần Văn Quyết (làng Sung Quen, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) nói: “Do không có cống thoát nước nên mùa mưa nước tràn vào tận sân nhà gây khó khăn trong sinh hoạt và ảnh hưởng đến vườn cây của gia đình”.

Thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng

Qua đợt giám sát chất lượng đầu tư xây dựng các công trình giao thông giai đoạn 2013-2017 của HĐND tỉnh tại một số địa phương trong tỉnh cho thấy, đa số công trình chưa đồng bộ, “thiếu hệ thống thoát nước, đường không thoát được nước chỉ qua một mùa mưa là xuống cấp, nước thấm vào ban đầu là ổ gà, sau là ổ voi, chưa đầu tư vỉa hè, chất lượng nhiều công trình nhanh chóng xuống cấp do không được duy tu, bảo dưỡng kịp thời. Chi phí duy tu, bảo dưỡng cho các tuyến đường cấp huyện hầu như không có, chủ yếu dựa vào nguồn vốn cân đối ngân sách của địa phương nên công trình làm ra khó đồng bộ”-ông Vũ Tiến Anh-Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh, Ủy viên Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, nhận định.

Ông Trần Cao Nguyên-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kông Chro, Ủy viên Ban Dân tộc HĐND tỉnh, nêu ý kiến: “Trong xây dựng giao thông, kinh phí bình quân là 2,7 tỷ đồng/km đường, nhưng ở cấp huyện thì có công trình chỉ trên dưới 1 tỷ đồng, vậy thì sao đồng bộ được? Có tuyến đường chỉ làm được mặt đường, còn lại hệ thống cống, rãnh thoát nước đều không có. Nếu hoàn chỉnh thì vốn phải tăng lên gấp rưỡi. Trong khi 1 đồng duy tu bằng 3 đồng xây dựng. Nhưng công trình nào cũng bàn giao xong là không có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng nên nhanh xuống cấp. Thông thường, công trình sau 4-5 năm phải bố trí kinh phí để duy tu, bảo dưỡng nhằm tăng tuổi thọ nhưng ở đây hầu như không có”.

 

Ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải: “Đối với công tác duy tu, bảo dưỡng, vốn từ trung ương cấp về chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu. Sau khi công trình được đưa vào sử dụng, nhiều địa phương không có nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng. Đề nghị các huyện phân bổ vốn hợp lý cho công tác này”.

Việc phân cấp quản lý cấp xã cũng bộc lộ những hạn chế nhất định. Các công trình giao thông cấp xã hầu hết đều được lồng ghép thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới. Theo đó, xã được giao làm chủ đầu tư, giám sát cộng đồng những công trình dưới 5 tỷ đồng.  Qua thực tế, khó khăn đã nảy sinh khi ban xây dựng xã không có, địa bàn xã lại không có nhóm thợ nên càng khó triển khai, một số hạng mục công trình có thiết kế mẫu không phù hợp với điều kiện sinh hoạt của người dân địa phương, giám sát cũng không có tay nghề… khiến chất lượng chưa đạt yêu cầu. Ông Huỳnh Quang Thái-Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ia Grai, Ủy viên Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, cho rằng: “Sự phân cấp chưa hợp lý, năng lực, trình độ chuyên môn một số cán bộ tuyến huyện và xã chưa đáp ứng yêu cầu. Xã không có trình độ về xây dựng làm sao giám sát quản lý dự án 5 tỷ đồng?”.

Nhóm phóng viên kinh tế

Có thể bạn quan tâm

“Khoác áo mới” cho đô thị vào xuân

“Khoác áo mới” cho đô thị vào xuân

(GLO)- Tại khắp các địa phương trong tỉnh Gia Lai, công tác chỉnh trang đô thị đang được khẩn trương thực hiện, bảo đảm sáng-xanh-sạch-đẹp phục vụ Nhân dân vui xuân, đón Tết Nguyên đán 2025 và chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.

Kbang: Làm đẹp không gian đô thị chào đón Xuân mới. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang làm đẹp không gian đô thị chào đón Xuân mới

(GLO)- Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đang đến gần, cơ quan chức năng và người dân huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đang khẩn trương chỉnh trang đô thị, làm đẹp các tuyến đường góp phần tạo diện mạo phố xá sáng-xanh-sạch-đẹp đón mừng Xuân mới.

Tại Quyết định này, UBND tỉnh công bố 15 thủ tục hành chính mới và 22 thủ tục bãi bỏ trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh.

Công bố 15 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực hoạt động xây dựng

(GLO)- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung vừa ký ban hành Quyết định số 40/QĐ-UBND công bố 15 thủ tục hành chính mới và bãi bỏ 22 thủ tục trong lĩnh vực hoạt động xây dựng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng, Sở Giao thông-Vận tải, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.

Nhiều bạn trẻ đã đặt lịch chụp ảnh từ sớm để đón Tết Nguyên đán 2025 (ảnh nhân vật cung cấp).

Dịp Tết, nhiều dịch vụ “ăn nên làm ra”

(GLO)- Ngay từ đầu tháng Chạp, nhu cầu đăng ký, sử dụng các dịch vụ trong dịp Tết như chụp ảnh, dọn nhà, giặt ủi... của người dân tăng cao. Đây cũng là khoảng thời gian các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này “ăn nên làm ra”.