Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông-Kỳ 1: Những con đường vui

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh không ngừng được hoàn  thiện, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội các địa phương phát triển. Tuy nhiên, công tác quản lý, đầu tư duy tu, bảo dưỡng hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Xóa bỏ “ốc đảo”

Tỉnh ta có 222 xã, phường, thị trấn thì đã có đến gần 70 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn bởi vị trí địa lý không thuận lợi, thuộc vùng sâu, vùng xa, giao thông cách trở. Trong số đó, không thể không nhắc tới xã Kon Pne (huyện Kbang), là xã xa nhất của tỉnh. Trước kia, muốn vào xã Kon Pne chỉ có cách duy nhất là đi bộ trên con đường mòn vừa hẹp vừa quanh co men theo vách núi, bên kia là vực sâu. Nếu không cẩn thận sẽ bị trượt chân, rớt ngay xuống vực.

 

Tuyến đường từ Đak Sơ Mei đi Hà Đông được đầu tư kỹ những đoạn xung yếu. Ảnh: Hà Duy
Tuyến đường từ Đak Sơ Mei đi Hà Đông được đầu tư kỹ những đoạn xung yếu. Ảnh: Hà Duy

Những người dân Bahnar nơi đây gần như sống biệt lập với bên ngoài bởi giao thông cách trở. Năm 2004, xã được Chính phủ đầu tư 30 tỷ đồng để mở đường. Nhờ vậy, việc đi lại của bà con đã bớt khó khăn hơn nhiều.  Hiện nay, Kon Pne còn 12 km đường đất. Sắp tới, tỉnh sẽ phân bổ 15 tỷ đồng để đổ bê tông xi măng hơn 7 km, đoạn còn lại xã sẽ tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành. Dự kiến đến năm 2019, con đường bê tông xi măng vào Kon Pne sẽ được liên thông hoàn toàn.

Chỉ cách trung tâm thị trấn Đak Đoa khoảng 50 km nhưng hơn chục năm trước, xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) được ví như một “ốc đảo” đặc biệt khó khăn.  Ngày ấy, đoạn đường từ xã Đak Sơ Mei vào trung tâm xã Hà Đông còn chằng chịt ổ voi, ổ gà. Mùa mưa, Hà Đông gần như bị cô lập hoàn toàn khi có đoạn một bên là núi, một bên là vực thẳm, mấy chục cây số toàn bùn lầy, trơn trượt, thậm chí thường xuyên bị sạt lở… Từ năm 2004, tuyến đường vào xã bắt đầu được tỉnh quan tâm đầu tư thảm nhựa ở những đoạn xung yếu và bê tông hóa trong những năm tiếp theo nhằm giảm bớt khó khăn trong đi lại cho bà con. Đến năm 2014, tuyến đường đã cơ bản hoàn thành. Từ đó, Hà Đông đã xóa bỏ thế “ốc đảo”.

Đầu tư hạ tầng giao thông tốt nhất khu vực

Bây giờ, các địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh đã thay đổi rất nhiều nhờ vào sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước về hạ tầng giao thông, góp phần ổn định, nâng cao đời sống của người dân. Là một huyện biên giới, từ nhiều nguồn vốn, huyện Chư Prông đã và đang triển khai 276 dự án, công trình hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư trên 290 tỷ đồng. Trong đó, 84 công trình thuộc vốn ngân sách trung ương, 4 công trình từ ngân sách tỉnh, 35 công trình thuộc nguồn vốn của huyện…

Đặc biệt, huyện có đến 153 công trình giao thông nông thôn theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm với tổng số vốn đóng góp lên đến gần 65 tỷ đồng (chiếm trên 22% tổng số vốn đầu tư cả giai đoạn 2013-2017). Theo ông Dương Văn Tuấn-Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh, đây là sự đóng góp lớn của người dân trên địa bàn huyện Chư Prông và cần được ghi nhận.

Bằng cách chủ động lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình 135), Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn, nguồn ngân sách tỉnh phân cấp cho UBND huyện quyết định đầu tư, nguồn ngân sách huyện..., từ năm 2013 đến nay, huyện Phú Thiện cũng đã đầu tư xây dựng được 121 công trình giao thông lớn nhỏ với tổng chiều dài 14,95 km, tổng dự toán được duyệt là hơn 42 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

 

Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 2013 tới nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 2.028 công trình giao thông với tổng chiều dài 1.387 km, tổng vốn đầu tư 3.775,5 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương 1.780 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 1.257 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện gần 740 tỷ đồng.

Trên địa bàn tỉnh có 5 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 722 km và 12 tuyến tỉnh lộ có chiều dài 431 km, đường đô thị 1.258 km, đường huyện 1.650 km, đường chuyên dùng 1.035 km và đường liên thôn, liên xã dài 5.956 km.

Chư Prông và Phú Thiện là 2 trong rất nhiều địa phương của tỉnh đã làm rất tốt công tác đầu tư, xây dựng và quản lý chất lượng công trình giao thông trên địa bàn. Việc đầu tư hạ tầng giao thông đã từng bước làm thay đổi bộ mặt các địa phương, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản của nhân dân trên địa bàn. Hệ thống đường nông thôn, đường nội thị được đầu tư kết nối với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ... đã hình thành nên mạng lưới giao thông thông suốt, kết nối khu vực, liên khu vực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tại buổi làm việc gần đây với đoàn giám sát của HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng khẳng định: “Việc đầu tư hạ tầng giao thông của Gia Lai tốt nhất khu vực”.

Nhóm phóng viên kinh tế

Có thể bạn quan tâm

Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

Đưa thiên nhiên vào không gian công sở

(GLO)- Sự hiện diện của màu xanh thiên nhiên như xương rồng mini, chậu kiểng lá nhỏ xinh nơi góc bàn làm việc cá nhân, nơi không gian giao dịch không chỉ mang lại cảm giác dễ chịu, thư giãn cho mọi người mà góp phần lan tỏa hình ảnh công sở xanh, thân thiện với môi trường.