Krông Pa: Sốt xuất huyết chưa "hạ nhiệt"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Krông Pa (Gia Lai) đang là “điểm nóng” của tỉnh về sốt xuất huyết (SXH) khi mà số bệnh nhân gia tăng rất nhanh. Dù ngành chức năng đã nỗ lực khống chế các ổ dịch nhưng đến nay SXH vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Theo thống kê của Ban Y tế Dự phòng (Trung tâm Y tế huyện Krông Pa), từ đầu năm đến nay, toàn huyện ghi nhận 625 trường hợp mắc SXH tại 66/132 thôn, làng với 126 ổ dịch; 12/14 xã, thị trấn ghi nhận có người mắc SXH. Chỉ có 2 xã chưa ghi nhận SXH là Krông Năng và Ia Hdreh. Bệnh nhân mắc SXH tập trung nhiều nhất tại thị trấn Phú Túc với 237 trường hợp, tiếp đến là xã Phú Cần (105 trường hợp) và Ia Rsươm (69 trường hợp). Sốt xuất huyết thuộc 2 chủng DEN-1 và DEN-2. 
 Bệnh nhân điều trị SXH tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pa. Ảnh: Hoành Sơn
Bệnh nhân điều trị SXH tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pa. Ảnh: Hoành Sơn
Cũng theo Ban Y tế Dự phòng, bệnh nhân mắc SXH gia tăng mạnh ở các tháng 6, 7 và 8. Nếu tháng 6, Krông Pa ghi nhận 100 trường hợp mắc thì đến tháng 7 tăng lên 232 trường hợp và đến tháng 9 tăng lên gần gấp 3 với 625 trường hợp. Đến ngày 12-9, huyện Krông Pa vẫn còn 16 ổ dịch SXH, trong đó buôn Bluk và buôn Thim (xã Phú Cần) đang là điểm nóng SXH. Trưởng thôn Bluk-ôngKsor Linh-chia sẻ: “Người mắc SXH ở buôn nhiều lắm. Có nhà sốt cả gia đình, từ bố mẹ đến con cái. Chúng tôi lo lắm! Thôn đang hướng dẫn người dân thu gom rác thải và đào mương thoát nước không cho nước đọng để muỗi hết chỗ đẻ trứng”.
Bác sĩ Đinh Viết Bửu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện-cho biết: Nguyên nhân SXH ở Krông Pa gia tăng nhanh và có nguy cơ lây lan diện rộng là do thời tiết diễn biến phức tạp, nắng mưa bất thường tạo điều kiện cho muỗi sinh trưởng nhanh. Bên cạnh đó, công tác vệ sinh môi trường chưa kịp thời và quyết liệt; ý thức tự phòng tránh của người dân chưa cao.
Trước tình trạng SXH gia tăng nhanh, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cử lực lượng xuống hỗ trợ huyện Krông Pa dập dịch. Từ cuối tháng 7 đến nay, Trung tâm Y tế huyện đã phun và đổ gần 70 lít hóa chất diệt muỗi, xử lý lăng quăng/bọ gậy. Huyện Krông Pa cũng đã chỉ đạo các xã, các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc ngăn chặn SXH; vận động hơn 10.000 người dân cùng tham gia xử lý môi trường. Hiện 110/126 ổ dịch SXH trên địa bàn huyện đã được xử lý và khống chế.
Bác sĩ Bửu cho biết thêm: “Chúng tôi đang cùng với Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, các cấp chính quyền, đoàn thể của huyện phối hợp chống dịch SXH với người dân. Ngoài phun hóa chất diện rộng, chúng tôi còn giúp dân thu gom rác thải và phát dọn vệ sinh môi trường, đào cống rãnh thoát nước. Trung tâm đang tập trung dập dịch tại 2 ổ dịch ở buôn Bluk và buôn Thim, cố gắng khống chế không để lây lan trên diện rộng”.
Hoành Sơn

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.