Krông Pa: Cựu chiến binh tiên phong trong các phong trào thi đua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, hầu hết hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế và chung tay xây dựng nông thôn mới.
Đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế
Trước đây, gia đình CCB Nguyễn Hữu Tự (thôn Hưng Hà, xã Phú Cần) thuộc diện hộ nghèo và khó khăn về nhà ở. Từ khi được Hội CCB cho vay vốn để phát triển kinh tế và hỗ trợ 28 triệu đồng từ Quỹ “Nghĩa tình đồng đội” để sửa nhà, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo. Ông Tự vui vẻ nói: “Vợ chồng tôi cố gắng làm ăn nhưng vẫn cứ thiếu trước hụt sau, nhà cửa lại hư hỏng mà không có điều kiện sửa chữa. Được sự giúp đỡ của các cấp Hội, tôi đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố. Hiện kinh tế gia đình cũng tạm ổn. Tôi cảm ơn đồng chí, đồng đội đã giúp đỡ vượt qua những lúc khó khăn”.
Ông Hoàng Sơn La-Chủ tịch Hội CCB xã Phú Cần-cho hay: Hội CCB xã xác định muốn giảm được nghèo thì phải đẩy lùi tình trạng đói giáp hạt. Do đó, Hội đã xây dựng quỹ nội bộ của các chi hội để giúp nhau phát triển kinh tế, tạo việc làm cho gia đình và con em hội viên. Hiện quỹ có hơn 200 triệu đồng để xoay vòng cho hội viên khó khăn vay với lãi suất thấp. Ngoài ra, các chi hội còn giúp đỡ hội viên khó khăn ngày công lao động và kiến thức chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, Hội thành lập được 5 tổ đổi công để hỗ trợ nhau. Hội cũng đứng ra nhận ủy thác với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giải quyết cho 251 hộ hội viên vay hơn 8,5 tỷ đồng. “Nếu như năm 2017, toàn xã có 16 hộ hội viên nghèo (chiếm 16,1%) thì đến nay chỉ còn 8 hộ cận nghèo. Hội phấn đấu đến năm 2023 sẽ không còn hộ hội viên cận nghèo”-ông La chia sẻ.
Cựu chiến binh Vũ Ngọc Hòa (ở giữa) trao đổi kinh nghiệm trồng nhãn với các hội viên ở thôn Mới (xã Chư Rcăm). Ảnh: Lê Nam
Cựu chiến binh Vũ Ngọc Hòa (ở giữa) trao đổi kinh nghiệm trồng nhãn với các hội viên ở thôn Mới (xã Chư Rcăm). Ảnh: Lê Nam
Theo Chủ tịch Hội CCB huyện Phạm Văn Bằng: Toàn huyện có 1.552 hội viên đang sinh hoạt tại 77 chi hội. Để giúp đỡ các hội viên khó khăn, từ năm 2017 đến nay, Hội đã vận động mỗi hội viên đóng góp ít nhất 50 ngàn đồng/năm vào Quỹ “Nghĩa tình đồng đội”. Đến nay, Quỹ “Nghĩa tình đồng đội” đã huy động được hơn 400 triệu đồng. Cùng với sự hỗ trợ của Hội CCB tỉnh, Hội đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa được 23 nhà “Nghĩa tình đồng đội”, mua 6 con bò cho hội viên nghèo nuôi xoay vòng. Ngoài ra, Hội CCB huyện và các hội cơ sở quản lý sử dụng có hiệu quả vốn vay ủy thác của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với tổng dư nợ hơn 91,5 tỷ đồng; huy động nguồn vốn nội bộ tại các hội cơ sở được hơn 2 tỷ đồng cho hội viên nghèo vay với lãi suất thấp để phát triển kinh tế. Nhờ đó, số hội viên CCB nghèo giảm từ 208 hộ (năm 2016) xuống còn 82 hộ (cuối năm 2021); tỷ lệ hội viên khá, giàu tăng từ 26,8% (năm 2016) lên 39,9% (cuối năm 2021).
Chung tay xây dựng nông thôn mới
Trong những năm qua, Hội CCB xã Ia Rmok rất tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, trong đó điển hình là phong trào hiến đất, ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn. Ông Nay Sanh (buôn Blăk) cho hay: Để có con đường bê tông rộng 4 m, nhiều hộ dân trong làng đã tự nguyện dời hàng rào và hiến đất làm đường. “Trước đây, con đường này rộng chừng 1 m, mùa mưa thì lầy lội khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Khi Nhà nước triển khai làm đường, tôi đã hiến 180 m2 đất. Giờ có đường mới rộng rãi, người dân đi lại thuận tiện là nhờ sự vận động của Hội CCB xã”-ông Sanh vui vẻ nói.
Ông Nay Mó-Chủ tịch Hội CCB xã Ia Rmok-cho biết: Hội CCB xã có 69 hội viên. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng khi xã triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới thì các hội viên tham gia rất tích cực. Những năm qua, toàn xã có 57 hội viên hiến hơn 2.850 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, các hội viên đã tham gia tích cực các phong trào của địa phương như: đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Nghĩa tình đồng đội”, phong trào “2 xóa, 3 giúp, 3 mô hình”, “CCB sản xuất kinh doanh giỏi”, “CCB gương mẫu”…
Ông Nay Sanh-buôn Blăk (xã Ia Rmok) nuôi bò để phát triển kinh tế. Ảnh: Lê Nam
Ông Nay Sanh (buôn Blăk, xã Ia Rmok) nuôi bò để phát triển kinh tế. Ảnh: Lê Nam
Nhằm tạo điều kiện thuận cho người dân đi lại, đầu năm 2021, xã Chư Rcăm có chủ trương mở rộng tuyến đường từ buôn Blang đi thôn Mới với chiều dài hơn 500 m. Tuyến đường này đi qua phần đất trồng cây ăn quả của nhiều hộ dân thôn Mới. Thấy chủ trương mở đường giúp người dân và gia đình đi lại thuận tiện nên ông Vũ Ngọc Hòa đã hiến khoảng 600 m2 đất và chặt bỏ hơn 20 cây nhãn để làm đường. “Là CCB nên tôi phải gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của Hội và địa phương. Khi chính quyền địa phương có chủ trương mở đường, tôi rất đồng tình ủng hộ. Con đường hoàn thành đã giúp mọi người đi lại thuận lợi, tôi cũng cảm thấy vui”-ông Hòa vui vẻ nói.   
Trao đổi với P.V, Chủ tịch Hội CCB huyện Krông Pa cho biết thêm: Trong nhiệm kỳ 2017-2022, cán bộ, hội viên CCB các cấp luôn phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, đóng góp tích cực vào các phong trào, góp phần giảm nghèo bền vững, hoạt động tình nghĩa, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. “Nhiệm kỳ tới, Hội sẽ tiếp tục gương mẫu đi đầu trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, tích cực tham gia các cuộc vận động, chương trình phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh tại địa phương. Đặc biệt, phấn đấu mỗi năm giảm 3-5 hộ hội viên nghèo, xóa 2 nhà dột nát, tạm bợ cho hội viên”-ông Bằng nhấn mạnh.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).