(GLO)- Cấp ủy, chính quyền xã Krong (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng. Đặc biệt, xã tập trung vận động già làng, người có uy tín tích cực truyền dạy kỹ năng diễn tấu cồng chiêng cho thế hệ trẻ.
Được cán bộ văn hóa xã Krong giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Đinh Bơl (làng Tăng Lăng). Nghe chúng tôi hỏi về cồng chiêng, ông bảo gia đình có 6 bộ, toàn xã có khoảng 37 bộ. Thông thường cồng chiêng được sử dụng trong các lễ hội và tham gia các hoạt động văn hóa-văn nghệ do các cấp tổ chức. “Cách đây gần 10 năm, gia đình cũng có chiếc chiêng lạc điệu, tôi mày mò chỉnh sửa. Sau này, tôi tham gia lớp chỉnh chiêng do huyện tổ chức nên kỹ thuật chỉnh chiêng ngày càng tốt hơn. Hiện trên địa bàn xã có tôi và 1 người nữa biết chỉnh chiêng”-ông Bơl cho hay.
Nói về niềm đam mê với cồng chiêng, ông Bơl cho biết: Từ nhỏ, thấy người lớn đánh cồng chiêng tại các lễ hội, ông rất thích nên theo học và được cha truyền dạy thêm. Đến năm 16 tuổi, ông đã đánh thành thạo nhiều bài chiêng khó. Bằng niềm đam mê cộng với tinh thần trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc, ông đã truyền dạy kỹ thuật trình diễn cồng chiêng cho các con và dân làng. “Tôi có 3 người con gái đều biết múa xoang, chồng chúng biết đánh cồng chiêng. Trước cha tôi dạy sao giờ tôi truyền lại cho mọi người và các con y vậy”-ông Bơl bày tỏ.
Nhiều năm nay, nhà rông làng Vir không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà còn là điểm tập trung của những thanh-thiếu niên học đánh cồng chiêng. Trước mùa lễ hội hay ngày cuối tuần, già làng Đinh Châm lại tận tình hướng dẫn lớp trẻ cách biểu diễn cồng chiêng. Ông tâm sự: “Phần lớn bọn trẻ thích nhạc hiện đại. Rất may, trong số đó có một số cháu có năng khiếu, yêu thích cồng chiêng. Do đó, cứ rảnh lúc nào là tôi tập hợp chúng lại để truyền dạy, rồi báo cho Đoàn thanh niên tham gia”.
|
Ông Đinh Bơl (thứ 2 từ trái sang; làng Tăng Lăng, xã Krong, huyện Kbang) biết chỉnh chiêng và truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho thanh niên. Ảnh: Ngọc Minh |
Còn anh Đinh Teo (làng Vir) thì vui vẻ cho hay: “Nhờ sự chỉ bảo của cha và già làng mà tôi cũng như nhiều thanh niên hiểu hơn về nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống. Mỗi lần được đi giao lưu cồng chiêng hoặc tham gia các sự kiện văn hóa-văn nghệ do xã, huyện tổ chức, tôi thấy rất tự hào vì đã góp phần nhỏ bé trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”.
Ông Nguyễn Công Hòa-Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Kbang: Krong là một trong những xã còn lưu giữ nhiều cồng chiêng. Mỗi làng đều có đội cồng chiêng phục vụ các lễ hội của cộng đồng. Hàng năm, địa phương đều xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, liên hoan cồng chiêng và cử đoàn tham gia trình diễn cồng chiêng, quảng bá bản sắc văn hóa tới du khách về thăm Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong. Ngoài ra, xã thường xuyên cử đoàn cồng chiêng tham gia liên hoan cồng chiêng toàn huyện 2 năm/lần, Ngày hội du lịch do huyện tổ chức và giới thiệu các nghệ nhân tham gia các lớp hướng dẫn, tập huấn cồng chiêng do huyện tổ chức. |
Nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích và giúp các em học sinh thêm trân quý bản sắc văn hóa dân tộc mình, từ năm 2017 đến nay, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Krong luôn duy trì đội cồng chiêng “nhí”. Thầy Lương Quang Trung-Tổng phụ trách Đội-cho biết: “Hơn 90% học sinh nhà trường là người Bahnar. Hàng năm, nhà trường mời nghệ nhân về hướng dẫn kỹ năng, kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng, múa xoang cho các em; đồng thời, tổ chức giao lưu cồng chiêng giữa nhà trường với những đội cồng chiêng khác ở các làng. 2 năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và hạn chế về kinh phí, nhưng nhà trường vẫn duy trì và thường xuyên rà soát các em học sinh có năng khiếu để bổ sung vào đội cồng chiêng”.
Trao đổi với P.V, ông Đinh Văn Ble-Phó Chủ tịch UBND xã Krong-cho hay: Toàn xã có 10 làng, hơn 85% là người Bahnar. Thời gian qua, được sự quan tâm của huyện cũng như các ngành, xã phối hợp mở một số lớp dạy chỉnh chiêng, kỹ thuật diễn tấu, múa xoang cho người dân. Thông qua tuyên truyền, vận động, nhiều già làng, người có uy tín đã không ngại khó mà miệt mài hướng dẫn kỹ năng trình diễn cồng chiêng cho thanh-thiếu niên. Trong quá trình truyền dạy đã phát huy được tài năng, trí tuệ của nghệ nhân cũng như khơi dậy niềm đam mê nhạc cụ truyền thống của giới trẻ. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong bảo tồn, phục hồi và giữ gìn các sinh hoạt văn hóa, các lễ hội truyền thống để tạo môi trường diễn xướng cho cồng chiêng, thúc đẩy sinh hoạt văn hóa cộng đồng và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng.
NGỌC MINH