Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh: Vướng mắc kéo dài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 22 năm trước, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Lệ Thanh được thành lập với kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện biên giới Đức Cơ nói riêng và cả tỉnh Gia Lai nói chung. Song, một số vướng mắc kéo dài trong quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng khiến khu kinh tế này chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.

Nhiều vướng mắc

Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) được thành lập theo Quyết định số 139/2001/QĐ-TTg ngày 21-9-2001 của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích 415,15 km2, nằm trên địa bàn các xã: Ia Kla, Ia Pnôn, Ia Nan, Ia Dom và thị trấn Chư Ty. Hiện tại, Khu Kinh tế mới chỉ quy hoạch chi tiết 2 khu chức năng đặc thù là khu trung tâm với diện tích 155,12 ha và khu công nghiệp với diện tích 210,1 ha. Việc kêu gọi đầu tư cũng còn rất hạn chế với 36 nhà đầu tư triển khai thực hiện 40 dự án (chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ, kinh doanh kho bãi) với tổng vốn đăng ký 556,6 tỷ đồng, vốn thực hiện gần 243 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Như Trình-Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh-cho biết: “Có khá nhiều nguyên nhân khiến công tác kêu gọi, thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng. Đầu tiên, khu trung tâm Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh có địa hình đồi núi khá phức tạp nên khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư hạ tầng. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông của tỉnh kết nối với các tỉnh duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ cũng chưa thuận lợi khiến các nhà đầu tư e ngại”.

Khu vực bị thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) để thực hiện quy hoạch khu trung tâm Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Hà Duy

Khu vực bị thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) để thực hiện quy hoạch khu trung tâm Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Hà Duy

Để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tăng hiệu quả thu hút đầu tư, năm 2021, tỉnh đã có chủ trương đầu tư 18 tuyến giao thông để hoàn thiện hạ tầng khu trung tâm Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh. Tuy nhiên, đến nay, dự án này vẫn chưa triển khai do địa hình tại khu trung tâm Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh tương đối phức tạp, nhiều khe sâu, độ dốc lớn. Vì vậy, cần điều chỉnh dự án, san lấp cục bộ để đảm bảo mặt bằng, sau đó mới có thể triển khai xây dựng các đường giao thông.

Một vấn đề khác cũng ảnh hưởng đến thu hút đầu tư là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khu trung tâm Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh. Qua rà soát, hiện nay, tại khu trung tâm Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh còn 54,6 ha cần thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch phục vụ kêu gọi đầu tư. Tại khu công nghiệp của Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh hiện cũng chỉ mới bồi thường giải phóng mặt bằng 37 ha/210,1 ha. Hơn nữa, quy hoạch khu công nghiệp không còn phù hợp nên rất khó thu hút, kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng.

Một góc Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Hà Duy

Một góc Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Hà Duy

Bên cạnh đó, diện tích đất này nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng, nhưng hiện có một số hộ dân lấn chiếm để trồng điều, cao su, mì... Các hộ dân yêu cầu có sự hỗ trợ để ổn định cuộc sống nếu thu hồi đất. Ông Trình chia sẻ: “Việc giải phóng mặt bằng khu vực này được triển khai từ lâu, nhưng cho tới thời điểm này vẫn đang vướng vấn đề hỗ trợ, bồi thường cho người dân”.

Là một trong những hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất, ông Nguyễn Văn Tân (làng Bi, xã Ia Dom) bày tỏ: “Chúng tôi sống ở đây đã lâu. Kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào 6 ha điều. Khi được thông báo toàn bộ diện tích cây trồng của gia đình bị Nhà nước thu hồi, chúng tôi rất hoang mang. Quy định của Nhà nước thì người dân phải chấp hành nhưng chúng tôi muốn có được sự hỗ trợ để ổn định cuộc sống”.

Cần sự chung tay vào cuộc

Ông Trình cho hay: “Hiện tại, Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh đang trong giai đoạn trình xin ý kiến cấp có thẩm quyền địa phương để sau đó trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để triển khai Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) về “Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực”, trên cơ sở quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt và hoàn chỉnh, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đang đề nghị UBND, HĐND tỉnh cho phép điều chỉnh Dự án hạ tầng khu trung tâm Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh, bổ sung triển khai san lấp cục bộ, đảm bảo mặt bằng để triển khai dự án xây dựng các tuyến giao thông. Việc san lấp cục bộ này không tạo sự thay đổi hay ảnh hưởng nào đến quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh đang trình xin ý kiến nên vẫn đảm bảo phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt”.

Khu Liên hợp Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Hà Duy

Khu Liên hợp Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: Hà Duy

Còn đối với việc bồi thường, giải phóng mặt bằng tại khu trung tâm, Điều 25 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất có quy định: “Trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại Điều 75 của Luật Đất đai thì UBND cấp tỉnh xem xét hỗ trợ cho phù hợp với thực tế địa phương; trường hợp đặc biệt thì trình Thủ tướng Chính phủ quyết định”.

“Việc hỗ trợ cho các trường hợp nêu trên thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh. Vì vậy, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đang đề xuất UBND tỉnh xem xét cho chủ trương về cơ chế hỗ trợ tài sản trên đất cho các trường hợp không đủ điều kiện bồi thường trong diện tích 54,6 ha tại khu trung tâm Khu Kinh tế CKQT Lệ Thanh. Việc này giao cho UBND huyện Đức Cơ chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh rà soát cụ thể báo cáo các sở, ngành liên quan thẩm định trình UBND tỉnh xem xét quyết định”-ông Trình cho biết.

Có thể bạn quan tâm

Chủ động phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng

Chủ động phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng

(GLO)- Thời tiết diễn biến thất thường những ngày qua tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh, gây hại cây trồng. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Môi trường Gia Lai) hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng.

Rong ruổi theo cánh ong bay

Rong ruổi theo cánh ong bay

(GLO)- Cuộc sống của những người nuôi ong mật ở phía Tây tỉnh Gia Lai quanh năm rong ruổi theo cánh ong bay. Họ di chuyển đàn ong khắp núi rừng theo mùa hoa từ Tây Nguyên ra tận miền Bắc để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho ong làm mật.

Lợi ích kép từ cơ chế một cửa của ngành thuế

Lợi ích kép từ cơ chế một cửa của ngành thuế

(GLO)- Cơ chế một cửa là bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính thuế, hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, mang lại lợi ích kép cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế. Cơ chế nói trên phát huy tốt khi hình thành tỉnh Gia Lai mới.

Cảng Quy Nhơn xưa, nay & mai này

Cảng Quy Nhơn giữ vai trò cầu nối quan trọng

(GLO)- Với việc hợp nhất 2 tỉnh Gia Lai (cũ) với Bình Định thành tỉnh Gia Lai, kinh tế biển sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển và là ngành mũi nhọn của địa phương. Và, cảng Quy Nhơn giữ vai trò cầu nối quan trọng trong khu vực.

Đồng chí Lâm Hải Giang đã tặng phần quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho UBND và các đơn vị của xã Ia Hrung. Ảnh: Hà Duy

Xã Ia Hrung tiếp tục khai thác dư địa để thu hút đầu tư

(GLO)- Tiếp tục khai thác dư địa để thu hút đầu tư, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đang triển khai trên địa bàn xã là một trong những chỉ đạo quan trọng của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Lâm Hải Giang tại buổi làm việc với Đảng uỷ, chính quyền xã Ia Hrung vào chiều 11-7.

Công ty cổ phần Phát triển Yến Xuân Cao Nguyên hiện có khoảng 20 dòng sản phẩm yến sào. Ảnh: H.T

Nâng tầm sản phẩm yến sào Gia Lai

(GLO)-Với điều kiện khí hậu mát mẻ, nguồn thức ăn dồi dào, khu vực phía Tây tỉnh Gia Lai đang trở thành một trong những vùng trọng điểm phát triển nghề nuôi yến. Để yến sào Gia Lai vươn xa, các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng, quảng bá thương hiệu.

Sâm khỏe Kbang cần được bảo tồn và khai thác có hiệu quả

Sâm khỏe Kbang

(GLO)- Mới đây, một bạn từ Kbang gửi cho ít sâm khỏe đã được sơ chế. Bạn còn nhắn tin nhắc nếu ngâm rượu thì hãy ngâm sớm, còn nếu để dành nấu nước uống dần thì hãy phơi lại dưới nắng nhẹ.

null