Khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống trong thế hệ trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh thiếu nhi toàn tỉnh lần thứ VI vừa được Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Gia Lai tổ chức vào ngày 19-11 tại Quảng trường 30-3 (thị trấn Phú Thiện). Liên hoan không chỉ mang đến những màn trình diễn ấn tượng mà còn tạo cơ hội giao lưu, khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.

Hội tụ thanh âm

Tối 19-11, Quảng trường 30-3 trở nên sôi động bởi sự có mặt của hơn 200 thanh thiếu nhi đến từ các huyện: Ia Pa, Krông Pa, Phú Thiện, Chư Sê, Chư Pưh và thị xã Ayun Pa. Tại liên hoan, mỗi đội trình diễn 3 nội dung: hòa tấu nhạc cụ dân tộc, hát dân ca và trình diễn cồng chiêng.

Đội thi huyện Krông Pa biểu diễn cồng chiêng tại Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh thiếu nhi toàn tỉnh lần thứ VI. Ảnh: P.L

Đội thi huyện Krông Pa biểu diễn cồng chiêng tại Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh thiếu nhi toàn tỉnh lần thứ VI. Ảnh: P.L

Các thành viên đến từ huyện Phú Thiện đã khẳng định thế mạnh khi đạt giải A nội dung hát dân ca và trình diễn cồng chiêng. Phần trình diễn cồng chiêng đã tái hiện lễ pơ thi, dẫn đầu đoàn biểu diễn là các bram được hóa trang với mặt nạ bằng gỗ, áo bằng lá chuối khô, trét bùn lên cơ thể rồi thực hiện những hành động hài hước, ngộ nghĩnh. Một số thành viên di chuyển trên đôi cà kheo thành thạo đã nhận được sự cổ vũ của khán giả. Các thành viên nam trình diễn trống, cồng chiêng, còn thành viên nữ nắm tay di chuyển theo vòng tròn để biểu diễn vòng xoang nhịp nhàng.

Ở nội dung hát dân ca, anh Rmah Mich-Phó Bí thư Đoàn xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) thể hiện bài “Ring kông Alơng Lyem” (Vang vọng núi rừng), ca ngợi vẻ đẹp của vùng đất, con người Tây Nguyên. Anh Mich chia sẻ: “Mỗi địa phương, mỗi dân tộc có những nét văn hóa riêng. Liên hoan thực sự ý nghĩa khi tạo cơ hội cho các đội học hỏi, giao lưu và tạo động lực để các bạn trẻ chăm chỉ tập luyện nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc”.

Góp phần vào thành công của liên hoan, đội đến từ huyện Chư Sê mang đến màn hòa tấu nhạc cụ dân tộc với chủ đề “Anh em lên rẫy”, bài dân ca “Nhớ”. Đặc biệt, phần trình diễn cồng chiêng đã tái hiện khung cảnh buổi lễ “Mừng lúa mới”. Đội đã chú trọng bố trí đạo cụ như: kho chứa thóc, bó lúa, rượu cần... Một thành viên nữ đứng giã gạo, luôn nở nụ cười hạnh phúc vì có một vụ mùa bội thu. 18 thành viên khác say sưa biểu diễn cồng chiêng, chia sẻ niềm vui và mong muốn có một cuộc sống yên bình, no ấm.

Em Rơ Mah HVệ cho biết: “Để có những tiết mục biểu diễn đẹp mắt, em và các bạn đã tập luyện tích cực dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân. Em rất tự hào về văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Càng về khuya, tiết trời chuyển lạnh nhưng các đội thi vẫn phấn khởi, say sưa với phần trình diễn của mình. Sau mỗi phần thi, các đội đều nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Bà Nguyễn Thị Phương (tổ 4, thị trấn Phú Thiện) nhận xét: “Tôi thấy mỗi địa phương có những nét riêng trong cách trình diễn. Nhiều em còn nhỏ nhưng rất mạnh dạn, tự tin. Liên hoan là cơ hội để mọi người hiểu hơn về nét văn hóa truyền thống của dân tộc Jrai, Bahnar”.

“Tiếp lửa” văn hóa truyền thống

Suốt thời gian diễn ra liên hoan, Quảng trường 30-3 rộn ràng với các bài chiêng phản ánh đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số như: “Mừng lúa mới”, “Pơ thi”, “Mừng chiến thắng”… hay những bài dân ca ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi như: “Ngày vui được mùa”, “Bài ca thống nhất”, “Giao duyên”, “Đất nước đứng lên”… mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem. Thanh âm của các nhạc cụ dân tộc như: trống, chiêng, t'rưng, đinh dek, lục lạc… được dịp hội tụ và ngân vang.

Sự hóa trang của các em nhỏ tạo thích thú, tò mò cho du khách. Ảnh: Phan Lài

Sự hóa trang của các em nhỏ tạo thích thú, tò mò cho du khách. Ảnh: Phan Lài

Kết thúc liên hoan, Ban tổ chức đã trao 3 giải A, 3 giải B, 3 giải C cho các đội (chia đều cho các nội dung thi: hát dân ca, diễn tấu nhạc cụ dân tộc, trình diễn cồng chiêng). Trong đó, giải A phần diễn tấu nhạc cụ dân tộc thuộc về đội thi huyện Chư Sê; giải A phần hát dân ca và trình diễn cồng chiêng thuộc về đội thi huyện Phú Thiện. Giải phụ thí sinh nhỏ tuổi nhất được trao cho em Ksor H'Thương-đội thi thị xã Ayun Pa. Về giải tập thể, Ban tổ chức đã trao giải nhất toàn đoàn cho đội thi huyện Phú Thiện, giải nhì đội thi huyện Chư Sê, giải ba đội thi thị xã Ayun Pa; đội thi các huyện: Ia Pa, Krông Pa, Chư Pưh giành giải khuyến khích.

Mỗi đội có tối đa 30 thành viên, ở nhiều độ tuổi khác nhau nhưng nhờ tập luyện thường xuyên nên các thành viên trình diễn rất nhịp nhàng, thuần thục. Là thành viên nhỏ tuổi nhất của huyện Chư Pưh, em Rcom Y Tư (10 tuổi) được hóa trang thành bram trong phần trình diễn cồng chiêng.

“Em tham gia đội cồng chiêng thanh-thiếu niên Plei Djriêk từ lúc 5 tuổi. Được các nghệ nhân hướng dẫn tận tình nên em thuộc rất nhiều bài chiêng của dân tộc Jrai. Em mong liên hoan được tổ chức thường xuyên hơn để đội cồng chiêng có cơ hội biểu diễn”-Y Tư bày tỏ.

Dưới sự hướng dẫn của già Hlưm, đội cồng chiêng của buôn Blăc (xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) có phần trình diễn khá ấn tượng. Khi đến phần thi của đội, già Hlưm tận tình hướng dẫn các thành viên bố trí đạo cụ, vị trí đứng phù hợp. Sau đó, già Hlưm đứng bên ngoài theo dõi, cổ vũ đội thi. Ông chia sẻ: “Mình lớn tuổi rồi, lo sợ văn hóa truyền thống ngày càng mai một. Nhưng thấy thanh thiếu nhi trong làng tích cực tập luyện, biểu diễn hăng say tại liên hoan, mình vui lắm”.

Về phần trình diễn của các đội thi, nhạc sĩ Thảo Nam Giang-Trưởng ban giám khảo liên hoan-đánh giá: “Các đội thi đã chuẩn bị chu đáo trong nội dung cũng như hình thức biểu diễn, tái hiện được nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc của các dân tộc. Một số thành viên còn nhỏ tuổi nhưng biểu diễn rất tự tin. Nhạc cụ Tây Nguyên rất phong phú, tuy nhiên, các đơn vị chưa sử dụng hoặc ít đưa vào biểu diễn như: kní, đàn goong… Một số đội còn nhầm lẫn trong việc trình diễn thể loại, chưa đúng thể lệ của Ban tổ chức”.

Trao đổi với P.V, anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh, Trưởng ban tổ chức liên hoan-cho biết: Liên hoan được tổ chức định kỳ 2 năm/lần. Năm 2023, liên hoan được tổ chức tại 3 địa điểm: huyện Phú Thiện, thị xã An Khê, huyện Đak Đoa. Thông qua liên hoan, Ban tổ chức mong muốn tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho thanh thiếu nhi; phát huy vai trò của tổ chức Đoàn-Hội các cấp trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc, góp phần bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Đây cũng là cơ hội để các câu lạc bộ, đội, nhóm cồng chiêng của các địa phương được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nhằm thực hiện tốt công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên.

Có thể bạn quan tâm

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

Trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống tạo ra các sản phẩm lưu niệm phục vụ du khách

(GLO)- Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya, chiều 9-11, tại khu vực sân nhà rông làng Gri, xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức trao giải Cuộc thi đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.

Các nghệ nhân làng Chuet 2 (phường Thắng Lợi) phục dựng lễ báo hiếu cha mẹ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Thu

Lễ báo hiếu của người Jrai

(GLO)- Lễ báo hiếu cha mẹ là tập tục văn hóa truyền thống đã có từ xa xưa trong đời sống của cộng đồng người Jrai. Đây là dịp để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục và cầu mong thần linh ban sức khỏe cho cha mẹ.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

(GLO)- Không chỉ dệt thổ cẩm giỏi, chị Rah Lan H’Nghí (SN 1988, buôn Toát, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn nhiệt tình chỉ dạy cho chị em trong buôn để góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

(GLO)- Chính quyền TP. Pleiku đã dành nguồn lực đầu tư để Plei Ốp thành điểm đến của du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc Jrai thông qua phục dựng một số lễ hội cộng đồng như: cúng giọt nước, pơ thi…

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

(GLO)-Nhiều năm qua, người dân làng Kte (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) luôn dành sự yêu mến và kính trọng đối với bà Rơ Châm Nguyên bởi bà biết hát và lưu giữ nhiều bài dân ca của dân tộc Jrai.