Khi ý Đảng hợp lòng Dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đại hội XIII của Đảng có nhiều nội dung mới, được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, dân chủ, nhất là công tác chuẩn bị nhân sự.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13, khóa XII.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13, khóa XII.


Nhiều nội dung mới, được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu

Đại hội XIII của Đảng sẽ diễn ra vào quý I năm 2021 trong bối cảnh thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường; đất nước ta vừa có những thời cơ, thuận lợi vừa có những khó khăn, thách thức đan xen.

Chủ đề Đại hội XIII cũng là Tiêu đề của Báo cáo chính trị được xác định là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Như vậy, Chủ đề của Đại hội XIII có năm thành tố, vừa kế thừa Chủ đề Đại hội XII, vừa bổ sung những nội dung mới để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Đại hội XIII có nhiều nội dung mới so với Đại hội XII là: Báo cáo chính trị sẽ đánh giá khái quát tình hình đất nước sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh, trong đó đi sâu tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045; tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và đề ra Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; tổng kết công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII và xác định phương hướng, nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Thông qua tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Đại hội sẽ rút ra những vấn đề mang tính quy luật và bài học kinh nghiệm thực tiễn, tiếp tục làm rõ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tạo thống nhất nhận thức, hành động trong Đảng và đồng thuận xã hội. Trên cơ sở đó, Đại hội sẽ nhìn về phía trước xa hơn, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược hơn, trước mắt là đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Nước.

Để chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã quyết định thành lập Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Nhân sự, Tiểu ban Kinh tế-xã hội, Tiểu ban Điều lệ Đảng, Tiểu ban Tổ chức và phục vụ Đại hội, trong đó Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trực tiếp làm Trưởng Tiểu ban.

Ngay sau khi được thành lập, các tiểu ban đã làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao; vừa coi trọng tổng kết thực tiễn, nhất là tổng kết những mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả trên các lĩnh vực; vừa đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển lý luận, làm rõ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Quá trình chuẩn bị các văn kiện, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các tiểu ban đã phát huy dân chủ, tổ chức nhiều cuộc hội thảo với các cấp ủy, tổ chức đảng; lấy ý kiến các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và lắng nghe ý kiến của nhân dân; không định kiến với những ý kiến trái chiều, nhằm phát huy dân chủ, tập hợp được trí tuệ của toàn Đảng, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và xu thế phát triển của thời đại. Các dự thảo văn kiện đã được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các Tiểu ban bổ sung, hoàn thiện nhiều lần, trước khi trình Đại hội.

Công tác chuẩn bị nhân sự được chỉ đạo chặt chẽ, dân chủ, khách quan

Công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định vận mệnh của Đảng và sự phát triển của đất nước trong những năm tới. Vì vậy, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết chỉ đạo quan trọng “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”.

Về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào thời điểm rất quan trọng, là dấu mốc có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, liên quan đến sự sống còn của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Đồng chí nhắc nhở chúng ta phải nhận thức sâu sắc rằng, sự thành công của đại hội đảng bộ các cấp là tiền đề, cơ sở vững chắc bảo đảm cho sự thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bởi “dưới có chắc thì trên mới vững bền được”.

Mặt khác, đại hội đảng bộ các cấp không chỉ có trách nhiệm chuẩn bị tốt văn kiện và nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ tới, mà còn phải chuẩn bị và tổ chức thật tốt việc lựa chọn, bầu cử đại biểu đi dự đại hội đảng bộ cấp trên, bởi chất lượng đại biểu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng và kết quả của đại hội.

Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 23/4/2020 và Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (5/2020) bàn về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có bài viết chỉ đạo quan trọng: “Một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”. Đồng chí đã đề cập toàn diện và phân tích sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng, yêu cầu, nội dung, phương pháp, quy trình, cách thức tiến hành công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng. Thực tiễn cho thấy, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng được chỉ đạo rất chặt chẽ, bài bản, khoa học và có một số điểm mới so với công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XII.

Một là, sau khi Trung ương quyết định thành lập Tiểu ban nhân sự Đại hội XIII, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. Việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được chỉ đạo chặt chẽ, tiến hành từng bước, từng việc thận trọng, kỹ lưỡng, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch. Trên cơ sở giới thiệu của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, thẩm định kỹ lưỡng, chặt chẽ từng trường hợp trước khi trình Tiểu ban nhân sự, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.

Hai là, qua nhiều lần thẩm định, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định danh sách quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII và tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho số cán bộ này được đổi mới; nội dung, chương trình vẫn bảo đảm nhưng chỉ trong 7,5 tháng đã hoàn thành, trong khi nhiệm kỳ trước phải mất 24 tháng, tiết kiệm được nhiều thời gian, kinh phí so với nhiệm kỳ trước.

Ba là, việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, nhiệm kỳ 2021-2026 được đặc biệt coi trọng về chất lượng và gắn với nhân sự lãnh đạo Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026. Việc chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII, tiến hành quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương trước; quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư sau; cuối cùng là quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.

Bốn là, yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải thật sự là một tập thể đoàn kết thống nhất, trong sạch, vững mạnh; có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược; tiêu biểu cho toàn Đảng về trí tuệ, tính chiến đấu, tính kỷ luật, gắn bó mật thiết với nhân dân và bảo đảm tỷ lệ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số cao hơn nhiệm kỳ Đại hội XII. Đồng thời, kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người không xứng đáng và không bỏ sót những cán bộ thực sự có đức, có tài, có triển vọng phát triển và có tín nhiệm cao trong Đảng, trong nhân dân.

Năm là, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII tiến hành theo quy trình năm bước và theo trình tự: Chuẩn bị nhân sự tái cử trước, nhân sự mới tham gia sau và cuối cùng là trường hợp “đặc biệt”.

Những trường hợp “đặc biệt” cần tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, Bộ Chính trị sẽ xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, nhiều mặt và thông qua một quy trình chặt chẽ, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch trước khi trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định giới thiệu với Đại hội và Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Sáu là, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII, Ban Chấp hành Trung ương xác định rõ trách nhiệm của tập thể và từng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan tham mưu; đồng thời, quy định cụ thể tiêu chuẩn của đại biểu dự Đại hội và xác định rõ trách nhiệm của từng đại biểu trong việc ứng cử, đề cử và bầu cử tại Đại hội.

Với quyết tâm chính trị cao và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, khoa học của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, tin tưởng rằng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ thành công rất tốt đẹp, đáp ứng niềm tin và lòng mong đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Theo Hải Liên-Đức Hà (baochinhphu)

Có thể bạn quan tâm