Khan hiếm nhân công thu hoạch nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Còn nửa tháng nữa là niên vụ thu hoạch cà phê, hồ tiêu 2016 bước vào thời kỳ cao điểm. Thế nhưng hiện nay, nhiều chủ vườn cà phê ở các huyện: Chư Sê, Chư Prông, Đak Đoa, Ia Grai, Chư Pah... vẫn đang tất tả tìm thuê nhân công để chuẩn bị cho vụ thu hoạch.

Nâng giá tiền công vẫn khó tìm người

Bà Nguyễn Thị Duyên (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) cho biết: Gia đình tôi có 10 ha cà phê. Vụ thu hoạch trước, cà phê để chín đỏ mà vẫn chưa tìm được nhân công. Rút kinh nghiệm, vụ này, dù còn nửa tháng nữa mới bắt đầu thu hoạch, tôi đã tìm người nhưng cũng mới chỉ được 2 người. Vườn nhà tôi cần ít nhất 15 nhân công, bây giờ vẫn còn thiếu 13 người, chưa biết tìm ở đâu?

 

 Nhiều chủ vườn phải tăng tiền công mới thuê và giữ được chân nhân công. Ảnh. Đ.Y
Nhiều chủ vườn phải tăng tiền công mới thuê và giữ được chân nhân công. Ảnh. Đ.Y

Cùng chung tâm trạng, ông Nguyễn Văn Đạo (đường Nơ Trang Long,  TP. Pleiku) có 7 ha cà phê và hồ tiêu ở xã Ia Băng (huyện Đak Đoa) nói: Cứ mỗi vụ thu hoạch là tôi lại đỏ mắt tìm nhân công hái cà phê, hồ tiêu. Thời điểm này, gia đình tôi đang hái cà phê chín bói và mới thuê được 1 người.

May mắn hơn nhiều chủ rẫy khác, gia đình anh Nguyễn Văn Tùng (xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) đã thuê đủ nhân công hái cà phê. Tuy nhiên, giá công hái cà phê phải trả cao hơn niên vụ trước 30.000-50.000 đồng/người/ngày. Nếu năm ngoái, anh Tùng chỉ phải trả 150.000 đồng/người/ngày thì nay phải trả 180.000 đồng-200.000 đồng/người/ngày. Anh Tùng cho biết: “Thà trả cao mà có nhân công hái cho nhanh xong chứ để cà phê ngoài vườn cứ nơm nớp nỗi lo mất trộm”.  

Tình trạng thiếu nhân công phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhất là vào dịp cuối năm diễn ra thường xuyên trên địa bàn tỉnh, làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thu hoạch của bà con. Nhiều nông dân thuê được người vào thời kỳ cao điểm thì phải trả tiền công cao hơn mới giữ chân được lao động. Bên cạnh việc tăng tiền công, nhiều chủ còn phải lo cho nhân công thêm ăn sáng, trưa... nên sau khi trừ mọi chi phí không còn lãi bao nhiêu.

Ông Phạm Văn Hào (xã Ia Sao, huyện Ia Grai) than thở: Vụ thu hoạch trước, ngoài việc trả công cao, tôi còn cho người làm ứng tiền trước, thế mà cũng chỉ thuê được 3 người hái cà phê. Vào những ngày cà phê chín rộ, thu hoạch không xuể nên quả bị rụng. Hơn nữa, cà phê thu hoạch tới đâu phải phơi và trông coi cẩn thận, nhưng do thiếu người nên việc phơi phóng không bảo đảm dẫn tới chất lượng bị sụt giảm.

Phụ thuộc vào “cò” lao động

 

Ông Lê Hạnh-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh, cho biết: Thời gian qua, nhu cầu lao động thời vụ trên địa bàn tỉnh rất lớn, song những lao động thời vụ lại ngại đến Trung tâm. Chủ vườn nào có nhu cầu thuê nhân công thì tìm đến “chợ lao động” ở huyện Mang Yang, Chư Prông và ngã ba La Sơn (gần dốc Hàm Rồng, TP. Pleiku). Nhưng “chợ lao động” chỉ thuê được ít người vì vào thời điểm chính vụ họ cũng ở nhà đi làm. Nhiều chủ vườn đành chấp nhận trả phần trăm cho “cò” tìm kiếm lao động để có người thu hoạch cà phê và hồ tiêu. Hơn nữa, do lao động phổ thông chỉ làm thời vụ nên chủ vườn không ký hợp đồng với họ. Vì thế, tình trạng khan hiếm nhân công sẽ vẫn còn tiếp diễn trong những năm tới nếu các chủ vườn không chủ động được nguồn cung lao động.

Theo tìm hiểu của P.V, cứ mỗi vụ thu hoạch cà phê và hồ tiêu, nhiều chủ vườn phải tìm kiếm nhân công qua “cò” lao động. Thỏa thuận giữa chủ vườn và “cò” lao động là nếu tìm được một người về hái cà phê và hồ tiêu thì chủ vườn trả cho “cò” 50.000 đồng. Có cầu ắt có cung, từ đó, lực lượng “cò” lao động mỗi vụ thu hoạch khá đông đảo. Họ đi săn lùng nhân công rồi giới thiệu cho chủ vườn để hưởng phần trăm.

Ông Nguyễn Văn Kỳ (làng Khối Yố, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) cho biết: “Thuê nhân công hái cà phê và hồ tiêu thời điểm chính vụ cũng phải là chỗ quen biết “cò” mới giúp, nếu không quen thì cũng khó tìm được, bởi lúc này, chủ vườn nào cũng cần thuê nhân công để thu hoạch cho kịp thời vụ. Nếu không trả phí cho “cò”, tôi cũng không có thời gian tìm kiếm nhân công để thu hoạch”.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.