Khám phá 7 Di sản Văn hóa Phi Vật thể cấp Quốc gia ở Quảng Ninh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bảy Di sản Văn hóa Phi Vật thể gồm Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Hát Nhà Tơ, Lễ hội Đền Cửa Ông, Lễ hội Tiên Công, Lễ hội Đình Trà Cổ, Lễ hội Đình Quan Lạn, Lễ hội Bạch Đằng.
Nghi lễ rước Đức Ông và Thánh mẫu hoàn cung tại Lễ hội đền Cửa Ông tháng Hai năm Quý Mão. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Nghi lễ rước Đức Ông và Thánh mẫu hoàn cung tại Lễ hội đền Cửa Ông tháng Hai năm Quý Mão. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Sở hữu một hệ thống di sản văn hóa phong phú và độc đáo, toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 632 Di tích Lịch sử Văn hóa và Danh lam Thắng cảnh.

Trong số đó, tỉnh có 7 di sản nằm trong danh mục Di sản Văn hóa Phi Vật thể cấp Quốc gia gồm Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Hát Nhà Tơ (Hát Cửa Đình), Lễ hội Đền Cửa Ông, Lễ hội Tiên Công, Lễ hội Đình Trà Cổ, Lễ hội Đình Quan Lạn, Lễ hội Bạch Đằng.

Riêng Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam mà Quảng Ninh có đại diện là Then của người Tày ở Bình Liêu đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi Vật thể đại diện của nhân loại.

Đây chính là nguồn tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ thu hút ngày càng nhiều khách tham quan trong và ngoài nước đến Quảng Ninh.

Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái

Thực hành Then là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía bắc của Tổ quốc như Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang; ở vùng Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và một số địa phương khác ở Việt Nam.

Các nghệ nhân Then nghi lễ ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Nguồn: Trung tâm Thể thao-Văn hóa huyện Bình Liêu

Các nghệ nhân Then nghi lễ ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Nguồn: Trung tâm Thể thao-Văn hóa huyện Bình Liêu

Một trong những điểm đặc sắc của Then là ngôn ngữ ẩn chứa chiều sâu văn hóa.

Nội dung các khúc hát then - một loại hình diễn xướng dân gian, tích hợp nhiều loại hình nghệ thuật đều toát lên tư tưởng nhân văn sâu sắc, chứa đựng tình yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa, nghĩa vợ chồng, răn dạy đạo lý làm người, ca ngợi làng bản, quê hương.

Giai điệu Then sâu lắng, có sức truyền cảm, lay động lòng người, âm thanh đàn Tính - nhạc cụ chính được sử dụng trong hát Then mượt mà, rạo rực, tạo nên hồn dân ca, dân vũ đặc sắc.

Với những giá trị nghệ thuật độc đáo của mình, Then đã góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí, khát vọng vươn lên, xây đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Di sản Then của các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Quảng Ninh được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia kể từ năm 2012.

Năm 2019, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam mà Quảng Ninh có đại diện là Then của người Tày ở Bình Liêu đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi Vật thể đại diện của nhân loại.

Hát Nhà Tơ (Hát Cửa Đình)

Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát Nhà Tơ (Hát Cửa Đình) đã tồn tại hàng nghìn năm, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của cư dân các làng xã ven biển, hải đảo Quảng Ninh.

Hát Nhà Tơ tại đình Vạn Ninh, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử Móng Cái

Hát Nhà Tơ tại đình Vạn Ninh, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử Móng Cái

Đây là một thể loại được coi là một biến thể, một “mảnh vỡ đáng quý ” (theo cách nói của Giáo sư Tô Ngọc Thanh) trong số 46 làn điệu của ca trù Việt Nam.

Không gian tồn tại của Hát Nhà Tơ kéo dài dọc theo các làng xã từ huyện Vân Đồn đến các vùng dân cư ven biển như Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái; thậm chí còn sang tận bên kia biên giới ở 3 làng người Việt ở Giang Bình, Vạn Vỹ, Sơn Tâm (thuộc huyện Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc).

Đây là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian cộng đồng được lớp người cao tuổi nắm giữ và lưu truyền trong dân. Loại hình này có phong cách hát, múa nhẹ nhàng, uyển chuyển, thường là trong gia đình có bố mẹ đi hát, hoặc nghe hát rồi truyền lại cho con cháu.

Tuy nhiên, khác với ca trù, Hát Nhà Tơ ngoài lời hát, còn rất coi trọng múa. Gần như khi trình diễn, tất cả các làn điệu hát đều có múa đi kèm. Đội hát múa là các ca nương trẻ, ít nhất là 3 người, nhiều nhất là 9 người.

Vì coi trọng múa nên trong Hát Nhà Tơ - Hát, múa cửa đình, ca nương chủ yếu là đứng hát (ngược lại ca trù ca nương chỉ ngồi hát).

Cũng vì có múa nên không gian diễn xướng của Hát Nhà Tơ - Hát, múa cửa đình rộng mở hơn ca trù. Ca trù hát ở trên chiếu, sập còn với Hát Nhà Tơ đó là cả sân đình, cả một không gian lễ hội. Thậm chí đó là cả một cánh đồng, dòng sông khi người Hát Nhà Tơ vừa hát vừa lao động sản xuất.

Hát Nhà Tơ được công nhận là Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia năm 2015.

Lễ hội Đền Cửa Ông

Đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) là một trong những di tích lịch sử văn hóa thời nhà Trần, có lịch sử lâu đời gắn liền thần tích về Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, người đã gắn bó cả cuộc đời với những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm tại miền đất biên ải Tổ quốc.

Nghi lễ khai hội đền Cửa Ông ở thành phố Cẩm Phả. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Nghi lễ khai hội đền Cửa Ông ở thành phố Cẩm Phả. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Ông là con thứ 3 của Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, là dũng tướng có công với dân, với nước, 2 lần được cử ra Cửa Suốt, một vị trí chiến lược của vùng Đông Bắc để trấn giữ. Để ghi nhớ công đức của Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, nhân dân lập đền thờ tại Cửa Ông.

Đền Cửa Ông được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt năm 2017.

Lễ hội đền Cửa Ông được mở hàng năm vào ngày 3-4/2 và 3-4/8 (âm lịch), mang biểu tượng của tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước, biểu tượng đó được thể hiện bằng sự tôn vinh nhân vật lịch sử, người anh hùng dân tộc thời nhà Trần - Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng.

Lễ hội đền Cửa Ông nhằm tái hiện lịch sử, công lao to lớn của các bậc "khai quốc công thần," những người có công với dân, với nước; là dịp để mỗi người dân thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn," cầu mong cho dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, gia đình hạnh phúc, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lòng nhân ái và trách nhiệm người dân với quê hương, đất nước.

Lễ hội đền Cửa Ông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi Vật thể cấp Quốc gia vào cuối năm 2016.

Lễ hội Tiên Công

Lễ hội Tiên Công bắt đầu được tổ chức từ thế kỷ XVII, gắn với lịch sử hình thành vùng đảo Hà Nam và mang đậm bản sắc văn hóa cư dân vùng cửa biển Bạch Đằng.

Miếu Tiên Công - nơi diễn ra lễ hội Tiên Công. Nguồn: Báo Quảng Ninh

Miếu Tiên Công - nơi diễn ra lễ hội Tiên Công. Nguồn: Báo Quảng Ninh

Lễ hội Tiên Công được người dân vùng đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, gìn giữ nhằm tưởng nhớ 17 vị Tiên công, những người đầu tiên quai đê, lấn biển lập làng ở vùng này.

Diễn ra từ mùng 5 tới mùng 7 Tết Nguyên đán hằng năm, Lễ hội là nét đẹp văn hóa truyền thống uống nước nhớ nguồn của người dân vùng cửa biển Bạch Đằng.

Lễ hội với nhiều nét văn hóa đặc sắc, độc đáo trong cả nước, được biểu hiện ở các nghi lễ, nghi thức và biểu trưng như: Nghi lễ mừng thọ tại gia đình; hội nghị mừng thọ của chính quyền địa phương; nghi lễ mừng thọ của dòng tộc đối với các cụ ông, cụ bà thọ tròn 80, 90, 100 tuổi; nghi thức dẫn thọ, đặc biệt là nghi thức “rước người sống;” nghi lễ quán trạm con rể đón cụ thượng; nghi lễ tế Tiên Công tứ xã; nghi thức cụ thượng đắp đê, đánh vật tượng trưng trong lễ hội...

Ngày 8/5/2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định công bố, vinh danh Lễ hội Tiên Công là Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia.

Lễ hội Đình Trà Cổ

Đình Trà Cổ và Lễ hội Đình Trà Cổ có bề dày lịch sử về văn hóa và kiến trúc độc đáo. Đình được xây dựng từ thời Hậu Lê, tọa lạc tại khu Nam Thọ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái.

Nghi thức rước kiệu tại hội Lễ hội Đình Trà Cổ năm 2023. Ảnh: TTXVN phát

Nghi thức rước kiệu tại hội Lễ hội Đình Trà Cổ năm 2023. Ảnh: TTXVN phát

Đình Trà Cổ thờ 6 vị tiên công người Đồ Sơn (Hải Phòng) và thờ Quận He Nguyễn Hữu Cầu - một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa thời Lê-Trịnh cũng quê ở Đồ Sơn.

Tương truyền, vào đầu thế kỷ XVI, có 12 hộ dân chài từ Đồ Sơn đi đánh cá bị giông tố mà dạt đến đất này. Cơn bạo nạn đi qua, 6 gia đình không chịu được khó khăn nơi đây nên đã quay về, còn 6 gia đình ở lại lập nghiệp.

Tên gọi Trà Cổ được giải thích là tên ghép của hai làng Trà Phương và Cổ Trai (nay thuộc huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) là đất phát tích của nhà Mạc vào đầu thế kỷ XVI. Người Trà Cổ có câu “Người Trà Cổ tổ Đồ Sơn” lưu truyền qua các thế hệ chính là răn dạy con cháu nhớ đến gốc gác tổ tiên của mình.

Lễ hội Đình Trà Cổ được tổ chức hàng năm vào ngày 30/5 và 1/6 âm lịch., với hai phần gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm các lễ mục dục, lễ rước cây đèn thần và thi Ông Voi. Đến ngày 1/6 là thực hiện các nghi lễ: lễ thỉnh sinh, lễ rước kiệu ngênh thần. Phần hội gồm các chương trình văn nghệ Hát Nhà Tơ và tổ chức một số trò chơi như cướp cờ, kéo co, đi cà kheo.....

Đình Trà Cổ và lễ hội Đình Trà Cổ với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo từ lâu đã trở thành “ Cột mốc văn hóa” nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ Quốc.

Năm 2019, Lễ hội Đình Trà Cổ đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia.

Lễ hội Đình Quan Lạn

Lễ hội Đình Quan Lạn (Lễ hội truyền thống Vân Đồn) nhằm tưởng nhớ quân dân nhà Trần dưới sự chỉ huy của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư đã đánh tan đoàn thuyền lương của tướng Nguyên Mông là Trương Văn Hổ trên dòng sông Mang lịch sử tại khu vực xã Quan Lạn.

Toàn cảnh Đình Quan Lạn từ trên cao. Ảnh: Lâm Phan/Vietnam+

Toàn cảnh Đình Quan Lạn từ trên cao. Ảnh: Lâm Phan/Vietnam+

Lễ hội được tổ chức tại bến Đình, nơi có Đình Quan Lạn và một số ngôi đình cổ ở xã. Theo truyền thống, Lễ hội diễn ra trong 10 ngày, từ ngày 10 đến hết 19/6 âm lịch hàng năm.

Lễ hội Đình Quan Lạn thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc chống giặc ngoại xâm bảo vệ chủ quyền đất nước của những người dân vùng biển. Du khách du lịch Quan Lạn dịp lễ hội sẽ có cơ hội tìm hiểu về truyền thống chống giặc ngoại xâm của ông cha ta đã bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời khám phá thêm những nét văn hóa địa phương vô cùng độc đáo của người dân đảo Vân Đồn.

Vào Ngày 10/6: khóa làng (một tục lệ trong lễ hội của người Việt), dân trong làng không được đi bất cứ đâu nhưng những người làm ăn ở xa và khách thập phương lại có thể về làng dự hội.

Lễ hội Quan Lạn có tục đua thuyền khác với bơi trải. Dân làng chia làm hai phe Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ lập doanh trại riêng từ ngày 13 để luyện quân, chuẩn bị thuyền đua. Thuyền đua thường là thuyền đi biển trọng tải 5 đến 6 tấn, rộng và sâu lòng, được hạ buồm, trang trí đầu rồng ở mũi thuyền.

Ngày 16/6 làm lễ nghinh thần. Dâng lễ rước bài vị của Trần Khánh Dư từ nghè (cách đình 1,5 km) về đình. Dưới bến, đôi thuyền đua tập luyện tạo một không khí tưng bừng náo nhiệt.

Lễ hội Đình Quan Lạn được công nhận là Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia năm 2019.

Lễ hội Bạch Đằng

Lễ hội Bạch Đằng được tổ chức từ ngày mùng 6-8/3 (âm lịch) hằng năm (được gọi là ngày giỗ trận Bạch Đằng), nhằm tri ân các vị anh hùng trên dòng Bạch Đằng Giang lịch sử trong những năm 938 và năm 1288.

Nghi thức rước kiệu trong Lễ hội truyền thống Bạch Đằng. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Nghi thức rước kiệu trong Lễ hội truyền thống Bạch Đằng. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Không gian lễ hội diễn ra tại quần thể Khu Di tích Lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng với các điểm chính là Đền Trần Hưng Đạo, Miếu Vua Bà, Đình Yên Giang.

Mọi hoạt động của lễ hội đều gắn liền với Bạch Đằng Giang, con sông huyền thoại đã ba lần chứng kiến những trận đại chiến chống quân xâm lược phương Bắc.

Với ý nghĩa và giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Bạch Đằng trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, Lễ hội Bạch Đằng được công nhận là Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia năm 2021.

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.