Biểu tượng Apple tại một cửa hàng ở Washington, DC, Mỹ. Nguồn: AFP/TTXVN |
Giấc mơ về một chiếc xe điện mang thương hiệu Apple đã tan biến, các kế hoạch về trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh đột nhiên trở nên quan trọng hơn rất nhiều đối với tương lai của hãng “Táo khuyết” này.
Apple “khai tử” dự án xe điện?
Hãng tin Reuters trích một nguồn tin thân cận cho biết hãng Apple đã hủy mảng sản xuất xe điện, một thập kỷ sau khi nhà sản xuất iPhone khởi động dự án.
Thực tế, quyết định từ bỏ dự án ôtô điện này là một điều bất ngờ, vì Apple đã thực hiện dự án này trong nhiều năm. Hãng đã thử nghiệm công nghệ lái xe tự động trên đường công cộng. Thậm chí, chỉ mới gần đây, hãng tin Bloomberg còn đưa tin rằng, Apple đã trì hoãn việc ra mắt ôtô đến năm 2028.
Việc Apple "khai tử" dự án xe điện không chỉ cho thấy những thách thức lớn về mặt kỹ thuật và công nghệ mà còn cho thấy sự khắc nghiệt của thị trường xe điện. Apple nhận ra sản xuất xe điện không phải là thế mạnh của hãng trước sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu công nghệ khác.
Project Titan là một trong những nỗ lực đầy tham vọng nhất của Apple, nhằm mục đích xác định lại bối cảnh ôtô bằng một chiếc xe điện hoàn toàn tự động. Ra mắt lần đầu vào khoảng năm 2014, dự án đã tìm cách kết hợp sức mạnh công nghệ của Apple với tiềm năng phát triển của phương tiện di chuyển bằng điện.
Về lý thuyết, tầm nhìn của Apple là rất lớn: một chiếc ôtô có nội thất giống xe limousine, điều hướng bằng giọng nói và khả năng tự lái tiên tiến. Tuy nhiên, hành trình đã không hề suôn sẻ.
Trong khi dự án xe điện của Apple bị "khai tử" khi vẫn còn nằm trên giấy, nhiều "ông lớn" khác trong làng sản xuất ô tô đã phải thu hẹp tham vọng xe điện khi thị trường hạ nhiệt và mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn.
Một số nhà sản xuất xe điện hàng đầu như Tesla, công ty đang dẫn đầu thị trường, đã thông báo huỷ những khoản đầu tư, chuyển đổi kinh phí sang tập trung phát triển xe hybrid thay vì xe thuần điện.
Tại Triển lãm Di động thế giới 2024 tại Barcelone (Tây Ban Nha), nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc Xiaomi cũng đã trình làng chiếc xe điện đầu tiên của hãng trên toàn cầu - Xiaomi SU7. Xiaomi SU7 mang kiểu dáng độc đáo đậm chất tương lai, xe có tầm hoạt động 500km, tốc độ tối đa ở mức 265km/h và mức giá ước tính khoảng 35.000 USD. Xiaomi tuyên bố rằng chiếc xe sẽ có mặt tại thị trường Trung Quốc vào cuối năm 2024.
Trong khi đó, Sony, "gã khổng lồ" điện tử Nhật Bản, cũng hé lộ ý tưởng chiếc xe điện của hãng được một thời gian với tên gọi AFEELA hoặc Vision S. Chiếc xe được phát triển với sự hợp tác của Honda, xe có thiết kế đẹp mắt, cảm biến tiên tiến và nội thất rộng rãi. Sony cho biết, họ sẽ bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho mẫu xe này vào năm 2025.
Đặc biệt là Tesla, nhà tiên phong về xe điện, cũng không "ngủ quên" trên chiến thắng. Được tỷ phú Elon Musk dẫn dắt, hãng đã và đang mở rộng dòng sản phẩm của mình, chẳng hạn như Tesla Cybertruck, cải tiến công nghệ pin và tung ra phần mềm tự lái hoàn chỉnh.
Đồng thời, mẫu Model S Plaid của Tesla, có giá khởi điểm khoảng 80.000 USD, được nhiều người coi là chuẩn mực cho xe điện cao cấp. Xe có phạm vi hoạt động hơn 560 km và có thể tăng tốc từ 0-100 km/h chỉ trong 1,99 giây.
Các chuyên gia công nghệ nhận định, Apple cuối cùng có thể đã nhận ra rằng, việc sản xuất ôtô không phải là sở trường của họ. Thông qua đó, hãng có thể tập trung vào lĩnh vực mà họ làm tốt nhất: tạo ra các thiết bị công nghệ và dịch vụ làm hài lòng khách hàng.
Bằng cách chuyển các nguồn lực của mình sang AI tạo sinh, Apple hy vọng sẽ bắt kịp các đối thủ của mình, bởi các đối thủ như Microsoft, Google và Meta đều đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực mới nổi này.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Trong báo cáo ban đầu về quyết định ngừng các nỗ lực sản xuất ôtô của Apple, Bloomberg News đưa tin nhiều người trong đội ngũ ô tô điện thuộc dự án Project Titan, gồm 2.000 người sẽ được phân công sang các lĩnh vực khác, chẳng hạn như AI tạo sinh.
Khách hàng trải nghiệm các sản phẩm của Apple tại cửa hàng ở Cupertino, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tin tức này đã giúp cổ phiếu Apple tăng giá trong thời gian ngắn, đưa chúng lên mức cao nhất trong ngày 27/2 là 183,92 USD/cổ phiếu trước khi kết thúc với mức 182,63 USD/cổ phiếu.
Apple là công ty giàu thứ hai trên thế giới theo định giá thị trường, chỉ sau Microsoft, với vốn hóa thị trường vào khoảng 2.770 tỷ USD. Tuy nhiên, nhà sản xuất iPhone cũng đang phải đối mặt với một thị trường điện thoại thông minh đầy biến động khiến các nhà đầu tư tự hỏi chặng đường tăng trưởng tiếp theo của hãng sẽ đến từ đâu. Và ngoài một chiếc iPhone được thiết kế lại hoàn toàn, có vẻ như AI tạo sinh là sản phẩm mới duy nhất có thể giúp tăng doanh số bán thiết bị và dịch vụ.
Tuy nhiên, Apple rất kín tiếng về những nỗ lực liên quan đến AI tạo sinh. Giám đốc điều hành Tim Cook chưa đưa ra bất kỳ thông tin chi tiết nào về khả năng mà hãng đang có những nghiên cứu liên quan đến công nghệ này hay liệu chúng có được tung ra thị trường trong năm nay hay không.
Trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất của Apple, ông Cook đã nói rằng AI tạo sinh là một cơ hội lớn cho Apple. Apple đang đầu tư đáng kể vào AI và sẽ tạo ra bước đột phá mới trong lĩnh vực AI tạo sinh vào cuối năm nay. Điều đó có nghĩa là thị trường có thể sẽ được biết thêm về các kế hoạch AI tạo sinh của Apple trong hội nghị WWDC sắp tới, thường diễn ra vào tháng Sáu.
Nhà phân tích Erik Woodring của Morgan Stanley bày tỏ tin tưởng rằng Apple chuẩn bị ra mắt một loạt tính năng phần mềm Gen AI mới tại WWDC vào đầu tháng Sáu, mà ông coi đây là một sự kiện quan trọng giúp thúc đẩy chu kỳ nâng cấp iPhone.
Trong khi đó nhà phân tích Dan Ives của Wedbush bày tỏ ông tin rằng “Apple sẽ kết hợp AI tạo sinh vào iPhone 16 và điều này sẽ đánh dấu sự khởi đầu của một người tiên phong mới. Ông Dan Ives cho biết thêm việc bổ sung các kỹ sư và nhà phát triển xe từ Project Titan có thể đẩy nhanh các sáng kiến AI của Apple trong 12-18 tháng tới.
Cơn sốt AI tạo sinh đã thúc đẩy cổ phiếu của các đối thủ của Apple tăng cao hơn bao giờ hết, bao gồm cả Microsoft, công ty đã vượt qua Apple để trở thành công ty có giá trị nhất nhờ các khoản đầu tư vào nhà phát triển ChatGPT OpenAI. Tương tự, Meta, Amazon, Google và các công ty khác cũng đã tham gia làn sóng AI tạo sinh với các thông báo và ra mắt sản phẩm của riêng mình.
Điều đó tạo thêm áp lực cho Apple trong việc không chỉ tung ra thị trường một cách thành công mà còn đảm bảo những gì hãng tung ra có khả năng chống chịu tốt nhất có thể.
Cho đến nay, "cú hích" lớn nhất của Apple vào ngành ôtô là phần mềm CarPlay, cho phép người lái xe truy cập các tính năng của iPhone như bản đồ và Siri. Nó đang được thiết kế lại để tích hợp sâu hơn với hệ thống điều khiển xe và giải trí. Bằng cách không cạnh tranh với các nhà sản xuất ôtô, Apple có thể thúc đẩy phần mềm đó, giúp phổ biến nó sang nhiều mẫu xe hơn.
Các nhà phân tích Anurag Rana và Andrew Girard của Bloomberg Intelligence nhận định tập trung vào AI có thể là lựa chọn tốt hơn.