Kết nạp đảng viên trong lao tù - Chuyện bây giờ mới kể

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức được thành lập, chèo lái con thuyền cách mạng, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong quá trình đấu tranh ấy, vô số đảng viên đã bị địch bắt, giam cầm nơi ngục tối.
Nhưng, cũng chính giữa những nơi được mệnh danh là "địa ngục trần gian" như nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, Phú Quốc…, sức mạnh của tổ chức Đảng đã biến ngục tù thành nơi mài giũa ý chí đấu tranh, thành trường học cách mạng đặc biệt của những chiến sỹ kiên trung. 
Tại đây, không ít "hạt giống đỏ" đã trưởng thành, vinh dự được kết nạp vào Đảng. Cho đến hôm nay, dù nhiều chục năm đã trôi qua, đây vẫn là khoảng ký ức thiêng liêng nhất của những người đảng viên trưởng thành từ các nhà lao ấy.
 
Những người cộng sản kiên trung cùng ôn lại kỷ niệm cũ tại nhà tù Hỏa Lò (Cuộc hội ngộ đầu năm 2020).
Trong những ngày cuối năm, khi các hoạt động mừng Đảng, mừng xuân đồng loạt diễn ra tại khắp các địa phương trên cả nước, chúng tôi may mắn gặp lại ông Nguyễn Thế Nghĩa, người dùng máu nhuộm cờ và vẽ chân dung Bác Hồ tại Trại giam tù binh Phú Quốc năm 1970. 
Ông Nghĩa hiện đang sinh sống tại phường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang nhưng quê gốc lại ở Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh - nơi có phong trào cách mạng sôi nổi, từng là an toàn khu của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ trong tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám. 
Như nhiều người dân Đình Bảng yêu nước khác, bố ông Nghĩa tham gia cách mạng từ rất sớm, hy sinh trong một trận đánh Pháp tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Mồ côi cha từ nhỏ, ông Nghĩa chỉ biết về bố qua lời kể của mẹ. Ít năm sau đó, bà cũng bị bệnh nặng qua đời. Di ngôn để lại cho người con trai độc nhất là lớn lên phải đánh giặc, đền nợ nước, trả thù nhà.
 
Lá cờ làm bằng máu của những người tù cộng sản trong nhà tù Phú Quốc.
Lớn lên nhờ vòng tay của một người bá, giữa thời điểm thanh niên cả nước sôi sục tòng quân, vào chiến trường miền Nam, ông Nghĩa xin đi bộ đội. Vì là con của gia đình chính sách, lại là con một, nguyện vọng của ông không được chấp nhận. Vì không được tuyển nên khi chỉ huy tỉnh đội Bắc Giang đọc danh sách, ông không có tên, không được phát ba lô, tư trang như những người khác, bị đuổi cũng nhất quyết không quay về. Đơn vị báo cáo lên cấp trên, ông mới được đặc cách nhận bổ sung vào Tỉnh đội. 
Thuộc dạng "nhỏ con" nhưng tương đối nhanh nhẹn nên chỉ ít lâu sau vào chiến trường miền Nam, ông Nghĩa lần lượt chuyển qua trinh sát quân báo rồi lực lượng đặc công. Trong một trận đánh ở Long An, đồng đội hy sinh, ông bị địch bắt. 
Vì bị thương, gẫy chân, ông được địch tạm giam tại địa phương, xích vào chân giường sắt. Du kích tại Long An tổ chức đột nhập nhưng không phá được dây xích. Người du kích ấy chỉ bắt tay đồng đội, nói: "Tôi là Sáu Hưởng, đồng chí hãy giữ vững khí tiết cách mạng, Đảng luôn bên cạnh đồng chí". Ông cũng chỉ kịp nói nhanh: "Đảng cứ tin tưởng vào tôi. Tôi có chết cũng không khai báo".
 
Ông Nguyễn Thế Nghĩa, người dùng máu làm cờ và vẽ chân dung Bác Hồ trong nhà tù Phú Quốc.
Giữ đúng lời hứa nên sau đó, mặc dù ông phải chịu nhiều cực hình tra tấn, địch vẫn không khai thác được thông tin nào quý giá. Sau khi luân chuyển nhiều nhà lao, ông bị giam cầm tại Trại giam tù binh Phú Quốc. Vào tù, ông tập hợp được một số đồng chí trong đơn vị cũ, thành lập Chi bộ, tiếp tục hoạt động.
"Phải là những người ở trong hoàn cảnh ấy mới thấy vai trò quan trọng của  Đảng trong lao tù quý giá đến như thế nào. Các hoạt động tập trung đấu tranh, đòi yêu sách đều từ Đảng mà ra. Ngay trong nhà lao nhưng chúng tôi vẫn có tổ chức Đảng, có Bí thư chi bộ, tổ chức Đoàn. Chúng tôi có nhiều tổ chức trá hình như tổ chức của những người đồng hương, nhưng thực ra bên trong là để sinh hoạt Đảng" - Ông Nguyễn Thế Nghĩa nhớ lại.
Tổ chức Đảng hoạt động độc lập, riêng biệt trong các phân khu tại Trại giam tù binh Phú Quốc. Ngày 22-12-1969, đồng chí Nguyễn Văn Ni, Bí thư Đảng ủy phân khu A2 hy sinh sau khi bị địch đục xương bánh chè và bị dùi sắt nung đỏ đâm xuyên qua bắp chân. Các tù chính trị tại Trại giam đã thề với lòng mình: "Máu ta quý giá hơn vàng, nhưng khi Tổ quốc cần, sẵn sàng ta dâng hiến". 
Cũng trong khoảng thời gian này, tổ chức Đảng chuẩn bị cho lễ kết nạp Đảng cho đoàn viên ưu tú Lê Đức Thiện. Ông Nguyễn Thế Nghĩa và các đồng đội nảy sáng kiến dùng chính máu của mình làm lá cờ Đảng. Để chuẩn bị làm cờ, một đồng chí mạo hiểm giấu một mảnh vải nhỏ trong miệng. Bị địch phát hiện. Đồng chí này giải thích là lấy về để thêu nhưng chúng không tin, tịch thu tấm vải và đưa đồng chí ấy đi biệt tích.
Quyết tâm có lá cờ cho ngày kết nạp Đảng viên mới, ông Nghĩa quẹt cổ tay  vào tấm tôn cánh cửa, cố tình vuốt cho máu chảy ra thật nhiều. Lính gác thấy vậy, cho băng bó vết thương. Ông lấy gạc quấn tay, dự định làm cờ, nhưng máu trên gạc không đều, chỗ đậm, chỗ nhạt. Ngay lúc đó, đồng đội đề nghị ông cho... góp máu. 
Mỗi người một cách, góp một chút máu, tạo thành nền đỏ của lá cờ. Để có hình búa liềm, một đồng chí đưa cho ông Nghĩa viên thuốc chống phù nề màu vàng để tán bột, rắc lên. Số máu còn lại, ông cắn dập đầu que tăm, chấm vào để vẽ chân dung Bác. Khi lá cờ Đảng và ảnh Bác hoàn thành, nhiều người không cầm được nước mắt đã thốt lên: "Bác của chúng ta đây rồi!". Buổi lễ kết nạp Đảng của Đảng viên Lê Đức Thiện cũng trở lên linh thiêng hơn, đặc biệt hơn.
 
Ông Nguyễn Tài Triệu, người được kết nạp Đảng năm 1970 tại nhà tù Hố Nai, Biên Hòa.
Để giữ được lá cờ, Đảng viên Nguyễn Văn Dư cuốn nhỏ vào túi nylon. Mỗi lần địch lục soát, ông Dư dùng chỉ buộc túi nylon và buộc vào răng, nuốt vào trong cổ họng. Lúc "an toàn", lá cờ lại được kéo ra. Hai "báu vật" ấy lần lượt được đưa đi nhiều trại giam, củng cố niềm tin, sự quyết tâm cho các chiến sĩ, cho đến ngày được trao trả.
Vì Đảng viên Lê Đức Thiện và nhiều đồng chí khác đã hy sinh trong tù, ông Nguyễn Thế Nghĩa mang theo lá cờ và bức vẽ Bác Hồ, tìm về huyện Ý Yên, Nam Định, dự định trao lại cho gia đình ông Thiện, như một vật kỷ vật thiêng liêng cuối cùng cho gia đình. Nhưng, chiến tranh thất lạc, thông tin trong tù có khi bị thay đổi để đảm bảo bí mật nên ông không tìm được gia đình đồng đội. 
Nhiều năm sau, ông Nguyễn Văn Dư đột ngột gặp lại ông, đề nghị mang lá cờ và bức huyết họa bổ sung tư liệu cho Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Phú Xuyên, Hà Nội. Sau nhiều năm tháng bị lãng quên trong chiếc xà cột quân đội đã phủ lớp bụi dày trên nóc tủ, hai "báu vật" của những người tù cộng sản kiên trung trong trại giam Phú Quốc năm nào đã tập trung trở về bên nhiều tư liệu khác về các chiến sĩ bị tù đày trong kháng chiến. 
Với ông Nguyễn Tài Triệu, người tù cộng sản kiên trung tại nhà giam Hố Nai, Biên Hòa, lễ kết nạp Đảng tại trại giam này mãi là kỷ niệm mà ông không bao giờ quên được. 
Ông Triệu sinh năm 1949, ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội năm nay đã 70 tuổi đời, 50 tuổi Đảng. Ông không phải là tù chính trị, mà bị địch bắt trong một trận đánh tại Phú Yên. Vì không khai thác được thông tin, chúng không chữa trị vết thương, chân ông phải cưa 3 lần vì hoại thư. Sau khi luân chuyển qua một số trại giam, địch đưa ông về nhà tù tại Hố Nai, Biên Hòa.
"Ở thời điểm đó, hoàn cảnh đó, trở thành người bộ đội được ra chiến trường đã là vinh dự, nhưng được trở thành một người Đảng viên lại càng là một vinh dự lớn hơn nữa. Khi được kết nạp, sự tự hào đi theo mãi cuộc đời của mỗi Đảng viên. Riêng tôi, phải sau 3 năm được tổ chức Đảng trong nhà tù thử thách trong quá trình đấu tranh, sinh hoạt, giúp đỡ đồng đội đồng chí, cuối năm 1967, tôi mới được vào Đảng. Việc kết nạp Đảng trong tù là việc cực kỳ hãn hữu vì tổ chức Đảng lúc đó không làm được đủ các thủ tục theo quy định như thẩm tra lý lịch, gia đình, bố mẹ anh chị em như thế nào, ở đơn vị chiến đấu ra sao, khi bị bắt có vi phạm gì không? Vì vậy, chỉ có những trường hợp đặc biệt có tác động trực tiếp đến phong trào thì mới được kết nạp".
"Sống, sinh hoạt giữa hàng rào dây thép gai, xung quanh có chòi lính canh, quân cảnh, giám thị thường xuyên kiểm tra và những kẻ chiêu hồi được cài cắm ngay trong tù nhằm theo dõi tổ chức Đảng và những bạn tù khác. Vì vậy, nhất cử nhất động của các Đảng viên đều rất cẩn trọng. Lễ kết nạp thường đơn sơ, dù vẫn phải giữ được nguyên tắc tối thiểu theo quy định. Lễ kết nạp cho tôi được tổ chức năm 1970, dưới gầm sạp, vào xẩm tối. Vì trong trại có 2 dãy sạp cho tù nằm. Sạp cao khoảng 45 đến 50 phân. Khi vào làm lễ, chúng tôi  phải nằm ngửa, trườn vào. Trên sạp vẽ một lá quốc kỳ bằng than. Đồng chí Quách Thông đại diện cho lãnh đạo và một đồng chí giới thiệu tôi vào Đảng nằm hai bên, tôi nằm giữa. Tôi đọc đơn, lời hứa trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, được cấp trên giao nhiệm vụ… Tất cả chỉ đều nói bằng miệng, không có giấy bút gì…". Ông Nguyễn Tài Triệu kể với chúng tôi.
Thực tế, ngoài chuyện kể của ông Nguyễn Thế Nghĩa và ông Nguyễn Tài Triệu, hiện nay, tại nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội còn có khá nhiều tư liệu, kỷ vật khác của các chi bộ Đảng trong các nhà tù cũng như nhiều Đảng viên kiên trung tại các nhà tù này. 
Theo các tư liệu này, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, hàng loạt các Chi bộ Đảng cũng lần lượt ra đời tại các trại tù khét tiếng như Hỏa Lò, Sơn La, Phú Quốc, Côn Đảo. Tại "địa ngục" Sơn La đầy lam sơn chướng khí, nơi sốt rét thâm môi rụng tóc, Chi bộ Đảng lâm thời đầu tiên vẫn được bí mật thành lập cuối tháng 12-1939 và nối được đường dây liên lạc với tổ chức cách mạng bên ngoài. 
Nhà tù Sơn La vẫn còn khắc sâu bóng hình đồng chí Tô Hiệu, khi trút hơi thở cuối cùng vẫn không quên dặn dò anh em đồng chí hãy tiếp tục đấu tranh. Tại nhà tù Côn Đảo, sự hi sinh của nhiều đồng chí Bí thư Chi bộ càng làm cho uy tín của tổ chức Đảng ở đây thêm củng cố. Giây phút thiêng liêng được kết nạp Đảng mãi là niềm tự hào của những người tù cộng sản nơi này. 
Trong đó, ông Nguyễn Văn Hậu là một điển hình. Ông Hậu cũng từng chia sẻ rằng, thời điểm đứng trước lá cờ Đảng được vẽ đơn sơ trên vách đá, ông đã tự hứa với trái tim mình, sẽ một lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Đến nay, lời hứa đó vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim người cựu tù gan đồng, chí thép, dù ông đã 91 năm tuổi đời, gần 70 năm tuổi Đảng.
Minh Hà (An ninh thế giới Online)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.