Israel mở cửa khẩu viện trợ mới trước nỗi lo về hàng cứu trợ ở Dải Gaza

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quân đội Israel cho biết, với sự phối hợp của Mỹ, Cửa khẩu Tây Erez đã được mở ở khu vực giữa Israel và phía Bắc Dải Gaza để chuyển hàng viện trợ nhân đạo.

Cửa khẩu này nằm ở phía Tây Cửa khẩu Erez và gần bờ biển hơn, theo nguồn tin từ TTXVN, NLĐO và TNO.

Cụ thể, tuyên bố nêu rõ, Cửa khẩu Tây Erez được quân đội Israel xây dựng nhằm mục đích “tăng cường các tuyến đường viện trợ tới Gaza, đặc biệt là ở phía Bắc”.

Trước đó, đầu tháng 4, Chính phủ Israel đã cho phép tạm thời chuyển hàng viện trợ qua biên giới với phía Bắc Dải Gaza, đánh dấu lần đầu tiên Israel mở lại Cửa khẩu Erez kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 10-2023.

Người dân chờ nhận thức ăn cứu trợ tại TP. Rafah ở Dải Gaza ngày 8-5. Ảnh: REUTERS

Người dân chờ nhận thức ăn cứu trợ tại TP. Rafah ở Dải Gaza ngày 8-5. Ảnh: REUTERS

Bên cạnh đó, trước nỗi lo về hàng cứu trợ cho Dải Gaza có thể gia tăng trong trường hợp Israel mở chiến dịch quân sự trên bộ quy mô lớn vào TP. Rafah ở phía Nam vùng đất này, ông Georgios Petropoulos-người đứng đầu Cơ quan Nhân đạo Liên hợp quốc tại Dải Gaza-cho biết: Việc các cửa khẩu Rafah và Kerem Shalom bị đóng đã cắt đứt khả năng tiếp cận nhiên liệu, vật tư và hoạt động đi lại của nhân viên nhân đạo. Trong khi đó, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho rằng đã “tạo điều kiện thuận lợi” cho 200.000 lít nhiên liệu đi qua Cửa khẩu Kerem Shalom những ngày qua.

Liên quan đến tình hình nhân đạo ở Dải Gaza, theo một nguồn tin chính thức ở tỉnh Bắc Sinai của Ai Cập, kể từ khi cuộc xung đột hiện nay bùng phát, Ai Cập đã tiếp nhận tổng cộng 623 máy bay chở hàng viện trợ quốc tế dành cho dải đất này.

Tại diễn biến khác, Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine, tổ chức cung cấp viện trợ chính ở Gaza, cho biết 300.000 người đã rời khỏi Rafah kể từ khi chiến dịch của Israel bắt đầu tại đây. Hầu hết trong số đó đang hướng tới TP. Khan Younis hoặc khu vực al-Mawasi gần đó, nơi có khoảng 450.000 người đang sống trong điều kiện tồi tàn. Một số gia đình đã phải di tản tới 5 lần.

Có thể bạn quan tâm