Ia Grai: Bài học gần dân không bao giờ cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước kia, trụ sở Huyện ủy Ia Grai (huyện Chư Pah cũ, tỉnh Gia Lai) ở gần làng Yam (thị trấn Ia Kha ngày nay). Có lẽ, khu vực này từng là nơi cư trú của bà con làng Yam, vì nơi đây còn giọt nước và rất nhiều cây gạo (hay còn gọi là pơ lang).

Loại hoa này rực đỏ vào mùa xuân, khi quả chín vỏ tự tách ra và bung lên trời những sợi tơ trắng muốt như bông. Mặc dù Huyện ủy đã làm việc ở đấy mấy năm rồi nhưng cơ sở vật chất vẫn là nhà tôn, vách ván, nền láng xi măng. Hầu hết cán bộ, nhân viên làm việc trong các ban của Huyện ủy đều ở tập thể. Đó là những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước.

Là trung tâm huyện lỵ nhưng nhà cửa ở khu vực thị trấn lưa thưa, chủ yếu chỉ có các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể và các cửa hàng thương nghiệp, y tế, lương thực; trường học, bệnh viện... Người thưa thớt, ra đường gặp nhau không mấy ai xa lạ. Đêm xuống đường không điện, ngọn đèn dầu leo lét trong những căn nhà tôn vách ván gợi nên nỗi buồn khôn tả cho những ai xa nhà, xa quê...

Chỉ cách Pleiku chưa đầy 20 cây số, nhưng từ trung tâm huyện về Phố núi là một chặng đường gian truân bất tận. Mùa mưa, con đường nhão nhoét, bùn đỏ quạch, có đoạn ngập đến đầu gối. Còn nếu đi xe đạp, xe máy, ô tô thì vận tốc cũng chỉ nhỉnh hơn đi bộ chút đỉnh, không khéo phương tiện trục trặc hoặc rơi xuống những hố bùn thì chỉ còn cách dùng máy cày để kéo, tệ hơn thì phải “bỏ của chạy lấy người”.

Mùa nắng cũng lầy nhưng là lầy… bụi. Mỗi cơn gió quét qua, bụi bốc lên đỏ cả một vùng trời, người và phương tiện vô phúc rơi vào đúng vùng bụi từ không trung ập xuống thì mặt mũi tối tăm, nhìn không khác gì... người da đỏ, da nâu.

Còn nhớ, trên con đường bùn/bụi ấy, đoạn từ cây da dù về phố (cây này có hình dáng như chiếc dù, che nắng, che mưa cho người bộ hành khi dừng chân) nên gọi cây da dù. Cây da dù còn là điểm “tập kết” của bọn phản động FULRO một thời giữa các xã phía Đông với vùng Tây Ia Grai.

Tác giả (thứ nhất, hàng đầu từ phải sang) chụp ảnh chung với Đoàn đại biểu xã B13 (xã Ia Krái ngày nay) tại Đại hội Đảng bộ huyện Ia Grai lần thứ 10-năm 1986. Ảnh: Đ.M.P

Tác giả (thứ nhất, hàng đầu từ phải sang) chụp ảnh chung với Đoàn đại biểu xã B13 (xã Ia Krái ngày nay) tại Đại hội Đảng bộ huyện Ia Grai lần thứ 10-năm 1986. Ảnh: Đ.M.P

Thế nhưng, khi hứng lên, những chàng trai trẻ, khỏe mạnh như chúng tôi ngày ấy vẫn gồng mình đạp xe về phố. Tôi chưa sắm nổi xe đạp dù chỉ là loại cà tàng. Do đó khi thì ké anh Lâm Thế Tổng (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh), lúc ngồi nhờ anh Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh). Thỉnh thoảng, anh Hoàng Lạc-khi ấy là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy bảo đi cùng vì anh có chiếc xe máy hiệu BS, hình như chạy xăng pha nhớt, máy hai thì và cũ kỹ, tiếng nổ của nó nghe cứ bành bạch bành bạch cũng vui tai. Nhưng thực ra anh bảo tôi theo anh chủ yếu là để khi xe hỏng hoặc dính lầy thì đẩy cùng anh. Có hôm đi đến dốc 37 pháo binh (gần nghĩa địa TP. Pleiku ngày nay) thì xe chết máy, hai anh em cùng nhau đẩy chiếc BS trong đêm đen mù mịt không bóng người lại qua, cả chục cây số cho đến phố mới có nơi sửa chữa.

Ấy là những năm 1985-1986, thực hiện Nghị quyết 5/85 của Tỉnh ủy về chống FULRO, ổn định tình hình an ninh chính trị ở cơ sở, riêng huyện Chư Pah (Ia Grai ngày nay), tỉnh điều động trên 30 cán bộ từ các cơ quan, ban ngành của tỉnh về cùng huyện thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ cho các xã, làng trọng điểm về an ninh chính trị. Chúng tôi, những người nói trên, được huyện chọn để lại làm việc ở huyện, trong số chúng tôi còn có anh Lê Việt Hường (sau này là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh), Nguyễn Hoàng Huy (sau này là Phó Giám đốc sở Lao động, Thương binh và Xã hội).

Tết năm 1986, lãnh đạo huyện quy định chúng tôi không được về thị xã, phải thay nhau trực cơ quan, bởi tình hình an ninh không được ổn. Đêm xuống, trong dãy nhà tập thể gần làng Yam mái tôn, vách ván, gió lùa vào từng cơn khiến tôi thấy lạnh thấu xương, người run lên bần bật, hai hàm răng va vào nhau cầm cập cứ như những đêm đông giữa rừng già thuở còn trong hậu cứ.

Tôi biết Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tấn Đức (được tỉnh điều động xuống thay Bí thư Hoàng Lê về tỉnh nhận nhiệm vụ khác) không thể chịu nổi cái lạnh vì ông đã có tuổi. Tôi liều đốt lên một đống lửa giữa nhà, hơi ấm tỏa ra, da thịt, xương cốt, răng lợi của hai chú cháu cũng bắt đầu ấm dần. Và, những câu chuyện đời xưa của chú Nguyễn Tấn Đức kể đã theo tôi vào đêm sâu tự khi nào.

Trong những câu chuyện xưa ấy, có một “trường đoạn” làm tôi chẳng bao giờ quên. Tôi biết Bí thư Nguyễn Tấn Đức mới chỉ sau ngày sáp nhập 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum vào tháng 11-1975. Ở Kon Tum, từ thời trước 30-4-1975, ông đã là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy. Khi sáp nhập 2 tỉnh thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum, ông tiếp tục được chỉ định vào Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ tỉnh. Và liên tục nhiều khóa tiếp theo, ông là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Đang là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhưng khi Ban Thường vụ phân công đi làm Bí thư Huyện ủy Chư Pah, ông vẫn nghiêm túc chấp hành, vui vẻ lên đường nhận nhiệm vụ. Cùng sống và giúp việc cho ông với cương vị Chánh Văn phòng Huyện ủy, tôi học ở ông rất nhiều điều bổ ích. “Thì việc gì, khi tập thể lãnh đạo phân công, đảng viên phải vui vẻ chấp hành và cố gắng hoàn thành. Đó là niềm hạnh phúc của cán bộ, đảng viên chứ sao lại so sánh hơn thiệt về chức vụ, địa vị”-ông chia sẻ cùng tôi như vậy.

Khi ấy, các bộ phận phòng ban ở cách nhau khá xa, ngoài giờ làm việc hoặc những ngày không đi cơ sở, ông bảo tôi “lên lịch” cho ông đi thăm mọi người. Nói là “thăm” nhưng đấy cũng chính là làm việc, kiểm tra cụ thể công việc chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, từng cán bộ, nhân viên. Chưa hiểu thì mọi người bảo ông nghiêm khắc và khó gần. Nhưng kỳ thực không phải thế, ông luôn gần gũi mọi người và sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình trong từng lĩnh vực. Mà ông lại là người rất thông minh, nhạy cảm, biết cách động viên cấp dưới, phê bình, góp ý chân thành mà sâu sắc. Ông lại còn... là một cây hài hước, tiếu lâm; tiếu lâm mà mang nhiều hàm ý giáo dục, nhắc nhở...

Đêm đông năm ấy, bên đống lửa trong căn nhà tạm, ông chợt im lặng một lúc, rồi bảo: “Ngày còn trong rừng, có lão kia tham ăn lắm. Trong một chuyến công tác, lão và người bạn đồng hành phát hiện có một tổ ong mật treo trên cành cây thấp, to như chiếc võng vắt ngang. Đang trong lúc vừa đói, vừa khát, vừa thèm ngọt, họ đã nghĩ kế lấy mật mà không phải leo cây”-Bí thư Đức chậm rãi vào câu chuyện cũ.

Tôi nóng ruột đợi cái kết nhưng ông thì cứ nhẩn nha xoa xoa 2 bàn tay trên đống lửa rồi mới kể tiếp: “Cái lão tham ăn kia giành phần việc ngồi giữ tấm ni lông hứng dưới tổ ong, chờ mật rơi xuống sau cú ném khúc cây lên “cái võng” nọ. Và ôi thôi rồi, khi một phần ba tổ ong rơi xuống, lũ ong xông đến bu gần như kín người lão tham. Lão được anh bạn đồng hành cõng về cơ quan, người sưng vù như một... bị thịt, 3 ngày sau mới lóp ngóp bò dậy được. Lũ ong hôm trước được một bữa thả ga châm chích mà cả 2 chẳng được tý mật nào”.

Thì ra, câu chuyện chẳng lấy gì hấp dẫn, nhưng lại có ý tứ nhắc nhở người nghe đừng vì lòng tham mà bất chấp. “Nhưng lão tham ấy là ai vậy chú?”-tôi tò mò hỏi. Ông cười xòa, rằng: “Lão ấy đang ngồi trước mặt cậu đấy, còn ai nữa!”.

Quang cảnh huyện Ia Grai. Ảnh: Internet

Quang cảnh huyện Ia Grai. Ảnh: Internet

Chú Nguyễn Tấn Đức trước khi được tỉnh điều về làm Bí thư Huyện ủy Chư Pah là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kế thừa công việc của chú Bí thư Hoàng Lê, ông luôn quan tâm đến cơ sở, đặc biệt là những xã biên giới, những làng bà con Jrai vốn tình hình an ninh chính trị bất ổn, bọn FULRO hoạt động, khống chế cán bộ, đảng viên; sản xuất đình trệ, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn, các tổ chức Đảng, đoàn thể không hoạt động, không nắm được dân, dù gần mà không sâu, dân thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng và chính quyền địa phương.

Với cương vị Chánh Văn phòng Huyện ủy, tôi luôn theo Bí thư về những nơi nói trên, gặp gỡ, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân, chỉ đạo cán bộ thôn, xã bám làng, bám dân, động viên bà con lo sản xuất, chống đói, phòng dịch, xóa mù chữ, ổn định tình hình an chính chính trị; truy quét, bóc gỡ cơ sở của bọn phản động FULRO.

Nhiều ngày đêm ăn, ngủ cùng bà con ở làng, chúng tôi mới thêm một lần nữa hiểu sự xa dân, xa rời cơ sở nó tác hại đến lòng tin và sự “quay lưng” của người dân với cách mạng đến nhường nào, khi mà trong kháng chiến họ đã vì cách mạng, vì Đảng không quản ngại hy sinh, gian khổ hết lòng tin và theo, và che chở, nuôi giấu, ủng hộ cho cách mạng, cho Đảng hết mình, đến những cân lúa, cân ngô cuối cùng của gia đình. Bài học về gần dân, hiểu dân, lo cho dân bằng hành động thực tế chẳng bao giờ cũ!

Ngày nay, đất nước hòa bình, cuộc sống của đại đa số người dân được cải thiện, nâng cao, Ia Grai vững vàng sánh vai cùng các “anh chị” trong tỉnh vươn mình đi lên với tâm thế mới bằng những tiềm năng sẵn có và sự đầu tư rất đáng kể của tỉnh, cơ sở vật chất, hạ tầng sản xuất và xã hội của huyện như khoác lên chiếc áo mới, điều mơ ước bao đời, nay đã thành hiện thực!

Có thể bạn quan tâm

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên kết luận phiên thảo luận chung tại hội trường. Ảnh: Đức Thụy

Ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai: Bàn giải pháp khơi thông “điểm nghẽn” để phát triển kinh tế-xã hội

(GLO)- Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 10-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII tập trung thảo luận tổ, thảo luận chung tại hội trường. Cũng tại kỳ họp, lãnh đạo các sở, ngành trả lời một số vấn đề cử tri quan tâm nhằm khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội.

Khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội

Khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội

(GLO)- Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 10-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII tiến hành thảo luận tổ. Các đại biểu đã chia thành 5 tổ, tập trung phân tích, thảo luận những những tồn tại, hạn chế nhằm khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Ayun Pa tổ chức bàn giao nhà Đại đoàn kết cho gia đình chị Nay H'Nỡi (thứ 7 từ trái sang, buôn Hiao, xã Chư Băh). Ảnh: Vũ Chi

Ayun Pa lan tỏa tinh thần tương thân tương ái từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”

(GLO)- Phát huy truyền thống tương thân tương ái, thị xã Ayun Pa, Gia Lai đã vận động người dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp Quỹ “Vì người nghèo”. Nhiều ngôi nhà “Đại đoàn kết” được xây dựng, hàng trăm gia đình được giúp đỡ, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

(GLO)- Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh, số lượng binh sĩ Nga chết và bị thương trung bình hàng ngày trong tháng 11-2024 đã đạt mức cao kỷ lục. Trong khi đó, Ukraine vừa giới thiệu mẫu UAV lai tên lửa có tốc độ lên đến 700 km/giờ và tầm bay 700 km, vượt xa tên lửa do phương Tây cung cấp.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Tỉnh ủy. Ảnh: Đăng Vũ

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đại hội Đảng các cấp

(GLO)- Đó là chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại hội nghị giao ban trực tuyến các cơ quan khối Đảng tỉnh và các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy diễn ra vào chiều 4-12.