Huyện Chư Sê: Trồng bơ Booth xen canh cho kinh tế cao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với đặc điểm dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, năng suất cao mà chi phí đầu tư lại ít, cây bơ Booth đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Chư Sê.
 

 Cây bơ Booth cho thu hoạch với năng suất cao, giá ổn định. Ảnh: Ngọc Thu
Cây bơ Booth cho thu hoạch với năng suất cao, giá ổn định. Ảnh: Ngọc Thu

Gia đình nhà anh Đào Vĩnh Dũng (thôn Ia Ring, xã Ia Tiêm) có 60 gốc bơ Booth cho thu nhập đều mỗi năm gần 300 triệu đồng. Trước đây, gia đình anh chỉ trồng tiêu và cà phê. Vì giá cả bấp bênh, cây bệnh chết nhiều, anh Dũng đã trồng xen canh bơ Booth để thử nghiệm. Sau 7 năm triển khai trồng bơ Booth, gia đình anh đã có thu nhập ổn định. Ngoài ra, gia đình anh còn ghép bơ giống thuần chủng để cung cấp cho các hộ dân có nhu cầu với giá 40.000 đồng/cây. “Giống bơ này cho thu hoạch trái vụ vào tháng 10 đến tháng 12. Loại bơ này là quả to và đều, trung bình khoảng 3 quả/kg, ruột vàng, giá trị dinh dưỡng cao và năng suất của bơ Booth không thua kém bơ chính vụ. Trung bình mỗi cây bơ cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình có thêm vốn đầu tư vào trồng cà phê, tiêu”-anh Dũng vui vẻ nói.

Tương tự, gia đình ông Phạm Văn Triển (thôn 6, xã Ia Blang) cũng rất hài lòng khi đến mùa thua hoạch này, bơ cho năng suất ổn định, giá thành cao. Gia đình ông đã tiến hành trồng bơ Booth xen canh với tiêu được 5 năm. 25/50 gốc bơ nhà ông Triển đã cho thu hoạch khoảng 4,5 tấn. Ông Triển chia sẻ: “Trồng bơ Booth cho năng suất cao, ít bệnh và phải bỏ công chăm sóc như cây hồ tiêu. Đến kỳ thu hoạch, không phải lo cho đầu ra sản phẩm. Luôn có thương lái đến hỏi mua hoặc có thể gia đình tự mang ra chợ bán. Nhiều khi người dân hỏi cũng không có mà bán”.

Được đi tham quan, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc tại các nhà vườn ở tỉnh Đak Lak, ông Nguyễn Văn Đoàn (Làng Yon, xã Ia Glai) đã nắm bắt được lợi thế về đất đai, khí hậu thuận lợi cho việc trồng bơ Booth nên ông Triển tiến hành trồng loại cây này trên diện tích cây hồ tiêu đã già cỗi. Sau 3 năm, 150 cây bơ Booth của gia đình ông Đoàn đã phát triển nhanh và cho năng suất cao. Ông Đoàn cho biết: “ Giống bơ Booth không kén đất và dễ trồng, ít bị sâu bệnh, vốn đầu tư không cao, lại phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở địa phương thế nên tôi quyết định trồng xen canh vườn tiêu, đầu tư trồng cây bơ. Từ năm thứ 2 đến năm thứ 3 đã cho thu hoạch cho trái to và đều”.

Hiện nay, giá bơ Booth khoảng 120.000 đồng-130.000 đồng/kg, thương lái đến tận nhà thu mua. Những trái bơ được mang đi các tỉnh thành trong cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng... Ngoài ra, chủ vườn còn mang ra chợ bán cho người mua có nhu cầu. Năm nay do chịu đợt hạn hán vừa qua nên năng suất giảm gần một nửa, nhưng bù lại, giá bơ cao và ổn định nên người dân rất ưa chuộng trồng cây này.

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê cho biết: “Mô hình trồng bơ Booth đang phát triển khá mạnh, chủ yếu là trồng xen trong cà phê, tiêu và vườn tạp. Đến nay, trên địa bàn huyện có trên 30 ha bơ Booth. Hiện người dân đang đi mua bơ giống về trồng mở rộng diện tích trồng xen canh. Với mô hình này, trên 1 đơn vị diện tích người trồng có thể thu được nhiều sản phẩm, tăng thu nhập. Cây bơ đang mở ra triển vọng làm giàu mới cho người nông dân trên địa bàn”.

Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.