Hướng đến loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam vào năm 2030

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nguyên nhân khiến bệnh sốt rét vẫn còn diễn tiến ở nước ta là do sốt rét kháng thuốc; sốt rét biên giới, di biến động dân; muỗi kháng hóa chất; nguồn kinh phí đầu tư cho phòng, chống sốt rét còn thấp.
Nguồn: blogs.biomedcentral.com

Nguồn: blogs.biomedcentral.com

Ngày 22/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức PATH tổ chức Hội nghị đánh giá công tác phòng, chống sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng năm 2022; triển khai kế hoạch năm 2023 khu vực miền Bắc; thúc đẩy loại trừ sốt rét tại Việt Nam.

Đây là hoạt động hướng đến mục tiêu thông qua truyền thông, vận động chính sách, đảm bảo tài chính bền vững cho việc loại trừ sốt rét, phòng, chống sốt rét quay trở lại và cập nhật biện pháp mới, hiệu quả điều trị sốt rét.

Theo số liệu của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, hơn 30 năm qua, Chương trình Quốc gia phòng, chống sốt rét đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

Năm 1991, bệnh sốt rét lan rộng, trở nên nghiêm trọng trên cả nước với hơn một triệu bệnh nhân, 4.646 người tử vong, 144 vụ dịch.

Đến năm 2022, Việt Nam có 455 bệnh nhân sốt rét, 1 người tử vong và không có dịch sốt rét. 42 tỉnh, thành phố được công nhận loại trừ bệnh sốt rét.

Tuy nhiên, bệnh sốt rét vẫn còn diễn biến phức tạp với hơn 6,8 triệu người sống trong vùng sốt rét lưu hành, tập trung chủ yếu ở Lai Châu, Bình Phước và một số tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên.

Nguyên nhân khiến bệnh sốt rét vẫn còn diễn tiến ở nước ta là do sốt rét kháng thuốc; sốt rét biên giới, di biến động dân; muỗi kháng hóa chất; nguồn kinh phí đầu tư cho phòng, chống và loại trừ sốt rét còn hạn hẹp...

Cũng trong năm 2022, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương thu thập được muỗi truyền bệnh sốt rét chính là An. minimus, An. dirus tại các điểm điều tra.

Muỗi An. minimus, An. aconitus, An. maculatus còn nhạy cảm với các hóa chất diệt muỗi như alpha-cypermethrin, lambda-cyhalothrin và deltamethrin. Muỗi An. sinensis và An. vagus đã kháng với các hóa chất diệt muỗi alpha-cypermethrin, lambda-cyhalothrin và deltamethrin.

Số liệu của Bộ Y tế năm 2022 cho thấy toàn quốc có trên 360.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và hơn 100 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương đã thực hiện giám sát muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại 57 điểm thuộc 12 tỉnh, trong đó muỗi Ae. aegypti phát hiện tại 5 tỉnh, muỗi Ae. albopictus phát hiện tại 12 tỉnh.

Muỗi Ae. aegypti ở hầu hết các điểm điều tra đã có thể kháng và kháng với deltamethrin, permethrin. Muỗi Ae. albopictus ở hầu hết các điểm điều tra còn nhạy với deltamethrin, permethrin.

Kết quả giám sát cho thấy có sự thay đổi tập tính của muỗi truyền bệnh sốt rét; muỗi truyền bệnh sốt rét và sốt xuất huyết có hiện tượng kháng với hóa chất diệt côn trùng...

Đối với công tác phòng, chống các bệnh ký sinh trùng tại Việt Nam, trong năm 2022, hơn 12,8 triệu lượt trẻ 24-60 tháng tuổi, học sinh tiểu học và phụ nữ tuổi sinh sản đã được tẩy giun. Các chiến dịch tẩy giun do các tỉnh tiến hành diễn ra an toàn, đạt được độ bao phủ từ 95-98%.

Bệnh giun, sán phân bố không đồng đều, phụ thuộc vào điều kiện khí hậu các vùng sinh thái khác nhau, tập quán sinh hoạt, thói quen ăn uống không đảm bảo. Nguồn kinh phí từ Trung ương và địa phương đầu tư cho hoạt động phòng, chống bệnh ký sinh trùng còn rất hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức...

Năm 2023, công tác phòng, chống sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng tập trung vào việc đẩy mạnh vận động chính sách, tăng cường sự chỉ đạo, huy động các cấp, ngành quan tâm đầu tư nhân lực, kinh phí đảm bảo bền vững chương trình phòng chống sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng để thực hiện thành công mục tiêu loại trừ sốt rét tại Việt Nam vào năm 2030; rà soát, sửa đổi, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn để thống nhất thực hiện trên toàn quốc; tiến hành đánh giá Chiến lược quốc gia phòng, chống và loại trừ sốt rét đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Nhân viên y tế phun hóa chất diệt muỗi. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Nhân viên y tế phun hóa chất diệt muỗi. Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN

Bên cạnh đó, Bộ Y tế tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, can thiệp tại các địa phương có điểm nóng sốt rét, duy trì giám sát đề phòng sốt rét quay trở lại ở 42 tỉnh, thành phố đã được công nhận loại trừ sốt rét.

Đồng thời, Bộ mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng hoạt động phòng, chống ký sinh trùng, côn trùng; rà soát tăng cường năng lực cho cán bộ các tuyến để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng chế độ chính sách đãi ngộ, thu hút, giữ chân nguồn nhân lực; triển khai giải pháp để đảm bảo nguồn lực từ nguồn trong nước và quốc tế cho hoạt động của chương trình.

Nhiều đại biểu cho rằng cần tăng cường vận động chính sách bảo đảm kinh phí cho các hoạt động, đảm bảo chế độ hỗ trợ nhân viên y tế; tăng cường nghiên cứu, áp dụng biện pháp chuyên môn kỹ thuật mới, hiệu quả trong phòng bệnh, phát hiện, điều trị.

Bên cạnh đó, đơn vị chức năng cần đánh giá độ nhạy cảm của muỗi truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết đối với một số hóa chất diệt côn trùng; xây dựng danh mục các kỹ thuật xét nghiệm côn trùng cho các tuyến; xây dựng bản đồ phân bố muỗi, bản đồ kháng hóa chất của muỗi Anopheles, Aedes.

Đối với các bệnh ký sinh trùng, cần hoàn thiện chính sách, tổ chức hệ thống phòng, chống, tăng cường đào tạo, huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế; xây dựng kế hoạch phòng, chống, nghiên cứu, hệ thống báo cáo các bệnh ký sinh trùng, hệ thống xét nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO.

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.