Hội nghị G20: Căng thẳng thương mại đe dọa nền kinh tế toàn cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ trưởng Tài chính Brazil cho rằng căng thẳng thương mại và chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn đang tạo ra nguy cơ cho nền kinh tế toàn cầu.

 (Ảnh: Clix5)
(Ảnh: Clix5)



Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) lần thứ 3 trong năm 2018 chính thức khai mạc tại thủ đô Buenos Aires của Argentina hôm 21/7.

Hội nghị kéo dài 2 ngày nhằm thảo luận về những "thách thức và cơ hội" của nền kinh tế thế giới. Những tác động đối với nền kinh tế thế giới do chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ, dẫn đến sự bùng nổ cuộc chiến thương mại toàn cầu đã phủ bóng lên chương trình nghị sự của Hội nghị.

Hội nghị tập trung vào các chủ đề nổi bật và cấp thiết nhất của nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh nhiều nước đang lo ngại về nguy cơ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. Ngoài ra, đại biểu các nước cũng thảo luận những vấn đề như tình hình việc làm, phát triển cấu trúc hạ tầng…

Bảo vệ chính sách thương mại của Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho rằng không có tác động kinh tế vĩ mô đối với lệnh áp thuế của Mỹ vào các mặt hàng nhôm, thép nhập khẩu hay hàng hóa Trung Quốc. Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ được cho là sẽ cố gắng vận động các đồng minh trong G7 để cùng tham gia hành động chống lại Trung Quốc.

Tuy vậy, giới quan sát nhận định, các nước sẽ rất do dự trong việc đứng về phía Mỹ, vì các biện pháp của Mỹ nhằm vào mặt hàng nhôm thép nhập khẩu từ Liên minh châu Âu và Canada đang khơi mào cho các biện pháp trả đũa.

Bộ trưởng Tài chính Brazil Eduardo Guardia cho rằng, căng thẳng thương mại gia tăng và chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn đang tạo ra nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu.

Bộ trưởng Guardia nói: “Căng thẳng trong thương mại không có tác động tích cực đối với thương mại toàn cầu, sự cởi mở của các nền kinh tế hay tăng năng suất. Thương mại tự do là một trong những động lực cho tăng năng suất - đó là những gì chúng ta cần. Tăng năng suất nhiều hơn sẽ dẫn đến tăng trưởng. Vì vậy, bất cứ những bước đi nào chống lại thương mại tự do, kéo theo đó là tăng trưởng và sản xuất cũng là một vấn đề khiến chúng ta lo ngại”.

Bộ trưởng Tài chính Brazil cũng kêu gọi các nước thảo luận sự cần thiết phải thúc đẩy cải cách để bảo vệ các nền kinh tế, đặc biệt tại các quốc gia có thị trường đang nổi lên  bị tác động mạnh trong những tháng gần đây

Quỹ Tiền tệ Quốc tế hôm 21/7 cũng cảnh báo các nền kinh tế lớn thế giới rằng các biện pháp áp thuế trả đũa lẫn nhau gần đây sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu. Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde cho biết sẽ đệ trình lên các Bộ trưởng tại cuộc họp G20 một báo cáo chi tiết về tác động của các biện pháp giới hạn đối với thương mại toàn cầu.

Bà Lagarde nhấn mạnh: “Chúng tôi không suy đoán về những gì có thể xảy ra tiếp theo. Chúng tôi không suy đoán rộng rãi về tác động của sự tín nhiệm, vì điều đó cần phải chi tiết và đi sâu vào chuỗi cung ứng đã được hình thành qua nhiều năm. Báo cáo sẽ chỉ ra tác động đối với GDP, mà trong trường hợp xấu nhất tính theo các biện pháp mà các nước công bố hiện tại, sẽ khiến GDP toàn cầu mất đi 5%”.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ nhiều nhất do các biện pháp trả đũa.

Mặc dù còn nhiều khác biệt nhưng các nền kinh tế thành viên G20 đều bày tỏ quyết tâm đạt được sự đồng thuận trong các vấn đề được nêu ra tại hội nghị, để từ đó hoàn tất những đề xuất, kiến nghị trình lên hội nghị Thượng đỉnh G20, dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11 tới.

Phạm Hà/VOV

Có thể bạn quan tâm

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.