Học sinh Việt Nam chinh phục những đỉnh cao trí tuệ  

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19, các đội tuyển học sinh dự thi Olympic khu vực và quốc tế, hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế, đã đạt thành tích vượt trội, là điểm sáng của giáo dục Việt Nam với bạn bè quốc tế năm 2022.

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt, chúc mừng các học sinh đoạt giải Olympic, Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt, chúc mừng các học sinh đoạt giải Olympic, Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022



Năm 2022, Bộ GD-ĐT đã cử 7 đoàn học sinh giỏi Việt Nam với 38 lượt học sinh tham gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế. Kết quả, tất cả học sinh dự thi đều đoạt giải với 13 huy chương vàng, 12 huy chương bạc, 8 huy chương đồng và 5 giải khuyến khích. Các đoàn Việt Nam tiếp tục nằm trong tốp 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với nhiều học sinh đạt điểm số cao. Đặc biệt, tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) lần thứ 63 năm 2022 được tổ chức tại Na Uy, Việt Nam xếp thứ 4/104 quốc gia tham dự. Trong đó, em Ngô Quý Đăng, học sinh Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, giành điểm tuyệt đối 42/42. “Em đã luôn mơ ước một ngày sẽ trở thành thành viên của đội tuyển Olympic Toán học quốc tế và thử sức mình trên đấu trường lớn. Và giấc mơ đó đã thành hiện thực”, Đăng tâm sự.
 

Trong buổi gặp mặt, biểu dương 33 học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chính các em - thế hệ trẻ Việt Nam sẽ là những người nắm bắt thành tựu và các xu hướng mới, giúp Việt Nam rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến. Những nhân tài trẻ Việt Nam cần có khát khao, chiếm lĩnh những đỉnh cao trí tuệ để phục vụ sự phát triển của Việt Nam.

Từ trải nghiệm thực tế của chính bản thân, Ngô Quý Đăng bày tỏ niềm tin, sự cống hiến tài năng của thế hệ trẻ chính là sức mạnh nội tại, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Tuy nhiên, năng lực hay tài năng đều không phải tự nhiên mà có, mà học sinh cần phải có khát vọng, hoài bão, sống lương thiện và đầy trách nhiệm. “Chỉ khi đó, chúng ta - những thanh niên trong thời đại công nghệ 4.0 mới không chỉ mang lại thành công cho bản thân mà còn đóng góp giá trị cho cộng đồng, góp phần mạnh mẽ làm nên lịch sử dân tộc”, Đăng chia sẻ.

Năm 2022, bên cạnh thành tích ấn tượng tại các kỳ thi Olympic quốc tế, học sinh Việt Nam còn gây ấn tượng mạnh mẽ tại Hội thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật quốc tế (ISEF) 2022 được tổ chức tại Hoa Kỳ. Việt Nam có 7 dự án tham dự, và có 2 dự án đoạt giải đặc biệt do các tổ chức khoa học - công nghệ và doanh nghiệp trao tặng. Đó là dự án “Nghiên cứu về hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường của thanh niên” của hai em Phạm Nguyễn Quang Huy và Phạm Nguyễn Gia Bảo, học sinh Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội), được trao học bổng lên tới 33.000 USD/năm. Dự án “Ngân hàng máu di động” của hai em Trần Phong và Trần Mỹ Chi - học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Lào Cai đạt giải trị giá 2.000 USD.

Dự án “Ngân hàng máu di động” được đánh giá cao bởi tính sáng tạo, nhân văn. Đồng ý tưởng và nghiên cứu dự án, em Trần Mỹ Chi cho biết, nhiều bệnh nhân tử vong do không có nguồn máu cung cấp kịp thời. Xuất phát từ tình cảnh trên, nhóm đã xây dựng ứng dụng “Ngân hàng máu di động” chạy trên hệ điều hành Android với mong muốn sử dụng công nghệ giúp hỗ trợ tìm kiếm, kết nối chính xác từ bệnh viện, Hội Chữ thập đỏ đến tình nguyện viên hiến máu có khoảng cách gần nhất, nhóm máu phù hợp nhanh nhất. Trước khi “đem chuông đi đánh xứ người”, dự án đã đoạt giải nhất tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2021-2022. Với những học sinh lớp 11, đó thực sự là một dự án đặc biệt ý nghĩa, thể hiện trí tuệ của các em.

Theo Bộ GD-ĐT những kết quả ấn tượng của học sinh Việt Nam khi chinh phục đỉnh cao trí tuệ thế giới đã thực sự có tác động to lớn, lan tỏa rộng rãi, tạo động lực thúc đẩy giáo viên, học sinh và toàn thể xã hội nỗ lực thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước…

Theo LÂM NGUYÊN (SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.