(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa (Gia Lai) đã đưa cồng chiêng vào các giờ ngoại khóa hàng tuần. Đặc biệt, trước đó, nhà trường đã chủ động phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin huyện mời nghệ nhân để ươm mầm “hạt giống” của nghệ thuật cồng chiêng.
Vào các buổi chiều sau giờ học căng thẳng, học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa lại hào hứng cùng nhau sinh hoạt ngoại khóa với tiếng cồng, tiếng chiêng. Tham gia truyền dạy cách đánh các bài chiêng và múa xoang là thầy giáo Nay Nhất và các anh chị khóa trên.
Buổi học cồng chiêng của học sinh lớp 8 Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa. Ảnh: Hoàng Hiền |
Chia sẻ với chúng tôi, thầy Nay Nhất cho biết: Nhằm khôi phục, duy trì, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là cồng chiêng, từ năm học 2017-2018, nhà trường phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin huyện mời nghệ nhân Nay Phai về dạy những kỹ năng, điệu thức, cách diễn tấu cồng chiêng cho 30 học viên là học sinh và giáo viên của trường. “Được nghệ nhân Nay Phai truyền dạy, tôi đã truyền đạt lại cho học sinh vào các buổi ngoại khóa (tổ chức vào mỗi buổi chiều trong tuần, từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ). Các em học sinh rất thích thú khi được học đánh cồng chiêng và học múa xoang”-thầy Nay Nhất cho hay.
Hiện nay, nhiều thành viên trong Câu lạc bộ cồng chiêng của Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện đã được nghệ nhân Nay Phai truyền dạy. Đây là những “hạt giống” nắm chắc các bài chiêng truyền thống trong các dịp lễ hội để dạy lại cho học sinh khối 6, 7, 8, 9. Em Rô Ly Ka (học sinh lớp 9/1) kể: “Em đã sinh hoạt trong Câu lạc bộ cồng chiêng của trường được một năm. Qua các buổi ngoại khóa, em và thầy Nhất cùng các bạn trong Câu lạc bộ rất vui khi dạy lại cho các em lớp 6 để bảo tồn văn hóa của dân tộc mình”. Em Rah Lan Hà Nhị Lan (học sinh lớp 8/2) cho biết thêm: “Em thấy việc học đánh cồng chiêng rất bổ ích, giúp em và các bạn thêm tự hào về văn hóa của dân tộc mình”. Không chỉ vậy, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa còn tổ chức các cuộc thi như trình diễn và thuyết trình về trang phục truyền thống của dân tộc mình; thi vẽ tranh và làm các nhạc cụ dân tộc”.
Cô Võ Thị Thu Thủy-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Pa-cho biết: “Thực hiện Đề án 02 của Huyện ủy Ia Pa về nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhà trường đã mời nghệ nhân Nay Phai truyền dạy cồng chiêng cho giáo viên và học sinh. Đến nay, các thành viên Câu lạc bộ cồng chiêng đã đánh thuần thục 5 bài và thường đi biểu diễn mỗi khi huyện nhà có sự kiện. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục “giữ lửa” truyền dạy cồng chiêng cho các em khóa sau”.
Hoàng Hiền