Tìm hiểu hình thức livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội qua việc tham gia một chương trình do Thành Đoàn Pleiku phối hợp với TikTok Việt Nam tổ chức hồi cuối năm 2022, nhưng đến tháng 6-2023, chị Trần Thị Hoàng Anh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Mật ong Phương Di (huyện Ia Grai) mới tự tin ứng dụng vào thực tế.
Chị Hoàng Anh chia sẻ: “Từ một người “mù” công nghệ, nghèo nàn ý tưởng, sau gần 1 năm được đồng hành, hướng dẫn, tôi đã từng bước chuyển đổi mình để thích hợp với thời đại 4.0. Khi mới bắt đầu học cách livestream trên TikTok Shop, tôi rất run. Nhưng sau một thời gian miệt mài học hỏi và tìm cách sáng tạo nội dung, cách thức thể hiện với sự giúp đỡ của các livestreamer, tôi đã bắt đầu có những đơn hàng đầu tiên. Nhận thấy hiệu quả mang lại, tôi càng chú tâm hơn để phát triển trên nền tảng này, để rồi thật hạnh phúc khi vừa qua, Hợp tác xã Mật ong Phương Di được vinh danh là một hạt giống OCOP tại lễ kỷ niệm 1 năm hợp tác chiến lược giữa Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và TikTok Việt Nam. Tham gia nền tảng này, tôi được gặp gỡ những Idol là livestreamer trên sàn bán nông sản như: Thảo Mola, Nhà hồi ức 1997, Huyền Huho, Nông Cẩm Quỳnh… Khi ở một sân chơi lớn như vậy, tôi mới thấy họ thật sự là những người bán hàng rất đỉnh, có sức lan tỏa rất mạnh”.
Mật ong Phương Di được vinh danh là một hạt giống OCOP tại lễ kỷ niệm 1 năm hợp tác chiến lược giữa Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp và TikTok (ảnh đơn vị cung cấp). |
Theo chị Hoàng Anh, trên nền tảng này có rất nhiều video ngắn để hướng dẫn làm kênh livestream, quan trọng là người bán có chịu khó học hỏi hay không. Sau khi có những đơn hàng đầu tiên thì sẽ có người hỗ trợ để rèn luyện kỹ năng bán hàng. Đặc biệt, họ ưu tiên hỗ trợ cho các sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP. “So với các nhà bán hàng “khủng”, doanh số của mình rất nhỏ, nhưng nền tảng đã ghi nhận sự nỗ lực của một đơn vị có sản phẩm OCOP như Hợp tác xã Mật ong Phương Di. Qua 10 tháng tham gia nền tảng này, tôi đã có 21.500 lượt bán. Không những có khách lẻ, tôi còn kết nối với khách sỉ nên lượng bán ra cũng cao hơn nhiều so với kênh bán hàng truyền thống”-chị Hoàng Anh tự hào khoe.
Thời gian qua, một số ngành, đoàn thể của tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn, hội thảo với sự tham gia của những người có kinh nghiệm trong bán hàng online, các KOL (những người có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng), các chuyên gia thuộc các sàn thương mại điện tử lớn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP tiếp cận với cách thức bán hàng hiệu quả trên kênh online.
Chị Phạm Thị Hạnh (thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) cho hay: “Chúng tôi được tham gia một nhóm Zalo với sự kết nối của đội ngũ tư vấn, hỗ trợ bán hàng trên TikTok Shop cùng hàng trăm nhà bán hàng ở Gia Lai với đa dạng mặt hàng. Ở đây, người bán được đăng ký tham gia miễn phí khóa học online TikTok ADS cơ bản cho người mới, rồi một số chương trình hỗ trợ tạo voucher, cách tiếp cận với phương thức livestream, cách sáng tạo nội dung, thực hiện các video ngắn đăng tải trên TikTok…
Trước đó, tôi cũng được tham gia một chương trình do Tỉnh Đoàn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn bán hàng OCOP trên nền tảng TikTok. Tại đây, tôi được hướng dẫn cách vận hành buổi livestream, cách chuyển tải thông tin về sản phẩm đến với khách hàng sao cho hiệu quả nhất, cách chọn khung giờ, các bước kỹ thuật chỉn chu để có một buổi livestream giới thiệu đến cộng đồng mạng về sản phẩm của địa phương mình”.
Hội thảo xúc tiến thương mại bán hàng trên nền tảng TikTok thu hút rất nhiều chủ thể OCOP tỉnh Gia Lai tham gia. Ảnh: V.T |
Hiện nay, nhiều kênh bán hàng của các bạn trẻ thu hút đông đảo người quan tâm, tương tác, giúp tăng doanh số bán hàng. Theo chia sẻ của chị Đoàn Thị Thúy (Cơ sở mật ong Phước Hỷ, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh): “Ngày trước, mỗi lần đứng trước chiếc điện thoại chuẩn bị livestream, tôi luôn có một chút căng thẳng. Điều này làm giọng nói của tôi bị run, không tạo sự hấp dẫn trong câu chuyện. Khi mới bắt đầu livestream thì thường nói theo kiểu bản năng, không có một kịch bản nào, đôi lúc có thể dẫn đến việc nói lặp đi lặp lại. Từ ngày được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm bán hàng nông sản từ livestreamer Thảo Mola, tôi đã bắt đầu ứng dụng vào thực tế. Mặc dù chưa đạt như kỳ vọng nhưng tôi cũng sẽ tiếp tục cố gắng thêm trên những nền tảng mới”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thành Dương-Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương) cho biết: “Trong hoạt động xúc tiến thương mại, đơn vị hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh những kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số. Hiện nay, hầu hết các bạn trẻ khởi nghiệp đều biết ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất và bán hàng, nhưng cũng không ít người gặp phải vấn đề khó khi thay đổi suy nghĩ, cách thức chuyển đổi từ nền tảng này qua nền tảng khác nên rất dễ bỏ cuộc vì chưa có kết quả như ý. Qua việc đi thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, khi lần đầu người dân được hướng dẫn các kỹ năng livestream, họ rất ngại nói. Song, qua nhiều lần tiếp theo, họ tự tin hơn và bắt đầu có sự thay đổi trong phương thức quảng bá sản phẩm trên nền tảng số. Cũng có nhiều người thắc mắc rằng, nếu không phải là người nổi tiếng thì trên mỗi phiên livestream như vậy sao có khách mua. Nhưng thực tế rất khác. Có những người ban đầu chỉ là người bán hàng bình thường, nhưng khi tiếp cận các nền tảng mạng xã hội, họ đã từng bước trở thành người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội”.