"Hiệp sĩ" Ba Lan trên đất Việt-kỳ 4: Huế - lời hẹn dang dở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Mọi người có thể thắc mắc tại sao chúng tôi đến từ một đất nước xa xôi, có một nền văn hóa khác xa và phong tục tập quán cũng khác xa như vậy.

Nhưng chúng tôi đã có mặt ở đây để bảo vệ di sản. Vì chúng ta không phải là người ngoài hành tinh, chúng ta đều ở trên trái đất này. Và trách nhiệm của mỗi người là phải chăm lo cho những di sản!” - Kazik phát biểu như vậy tại lễ khởi công trùng tu Thế Tổ miếu, Huế vào năm 1996.

 

Kazik (phải) tại lễ khởi công trùng tu di tích Thế Tổ miếu.
Kazik (phải) tại lễ khởi công trùng tu di tích Thế Tổ miếu.

“Ngọ Môn stoj?”

Kazik là người thuyết phục Liên hiệp các xí nghiệp phục hồi di tích (PKZ, Bộ Văn hóa và nghệ thuật Ba Lan) lưu tâm đến Huế. Đơn vị này đã cử một đoàn khảo sát di tích Huế và hoàn thành một bản báo cáo rất có giá trị về di tích cố đô, tác động đến sự lưu tâm của UNESCO. Năm 1983, ông mở lớp tập huấn đầu tiên về trùng tu di tích tại Huế.

Giữa thập niên 1990, Chính phủ Ba Lan đồng ý xóa nợ cho VN một dự án lên đến gần 1 triệu USD để trùng tu Thế Tổ miếu. Năm 1996 công trình khởi công và Kazik dành trọn thời gian cho công trình này. Cùng làm còn có người con trai của ông cũng theo ngành của ông là Bartek Kwiatkowski.

Thế Tổ miếu dù đang hiện hữu nhưng thực hiện vô cùng khó khăn. Trước đó để xử lý mối mọt, người ta ra tận công ty hóa chất ở miền Bắc mua mấy phuy thuốc trừ sâu DDT xịt khắp nội thất và đóng cửa mỗi năm ba tháng. Thuốc ngấm vào gỗ làm cả nội thất kiến trúc xỉn màu và lớp sơn thếp nguyên gốc có nguy cơ bong ra.

Nhóm chuyên gia Ba Lan, đứng đầu là Kazik, đã kiên trì, thầm lặng và kỹ lưỡng, nhờ vậy mà giữ được lớp sơn thếp nguyên gốc. Việc chống rêu mốc cho công trình thay vì dùng thuốc Sotox rất đắt, phải đặt từ Ba Lan với nhiều thủ tục nhiêu khê, các chuyên gia ứng dụng công nghệ truyền thống của VN dùng lòng trắng trứng, dớt dây tơ hồng và dầu của cây duối trộn và vữa vôi...

 

Thế hệ tiếp nối

Kazik ra đi khi công việc trùng tu Thế Tổ miếu vẫn còn đó. Và không ai khác, kiến trúc sư Bartek, con trai ông, đã bước tiếp con đường của cha. Nguyên giám đốc Sở VH-TT Quảng Nam - Đà Nẵng Hồ Hải Học cho biết chính Bartek đã bị cha mình thu phục nên khi còn là sinh viên, Bartek đã chọn Mỹ Sơn là nơi thực tập làm luận văn tốt nghiệp đại học và đi theo con đường của cha.

Sau đám tang, Bartek trở lại Huế với cương vị phó đoàn chuyên gia Ba Lan, tiếp tục trùng tu công trình và phương pháp mà người cha Kazik để lại đến khi hoàn thành vào năm 1998. Thế Tổ miếu được làm hồ sơ cực kỳ tốt, trùng tu đúng bài bản, giữ lại lớp son cũ, thay gỗ cực kỳ ít. Đây là công trình được đánh giá trùng tu bài bản và mẫu mực nhất ở Huế hiện nay.

Vừa làm Kazik vừa gửi mẫu về Ba Lan phân tích, kiểm soát tính năng rất kỹ lưỡng. Ông cũng dùng phương pháp nẹp tre giữ lại toàn bộ những mảng khảm sành sứ quý giá...

Cho dù thời gian đó Kazik dành trọn thời gian cho Mỹ Sơn, Hội An và nhiều tháp Chăm khác, song ông cũng bắt đầu “bén duyên” với những đền đài cung điện của Huế. Ông Phùng Phu - nguyên giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - nhớ lại:

“Ông nói rằng trước khi đến Huế từng nghe nói là bản sao của Trung Quốc. Nhưng khi đến và xem kỹ thì không phải vậy, rằng người ta nói bậy chứ giá trị di sản của Huế lớn lao lắm. Những khẳng định của ông ngay từ ban đầu đã như định hướng cho Huế, có sự nhìn nhận ra di sản rất nhanh!”.

Kể về người “thầy”, người bạn lớn của mình, cho dù sau chừng 35 năm quen biết nhau và sau gần 20 năm rời xa, nhưng câu chào đặc biệt, thể hiện tình yêu di sản Huế của Kazik vẫn văng vẳng bên tai ông Phu. “Ngọ Môn stoj?” (Ngọ Môn vẫn trụ vững chứ?). “Stoj!” (Vẫn trụ vững!).

“Mỗi lần gặp tôi ông đều hỏi về Ngọ Môn như thế. Ông yêu Ngọ Môn đến nỗi kiến trúc này trở thành câu chào và bao hàm trong đó là sự quan tâm, lo lắng cho Huế!”, ông Phu kể.

Tiễn biệt

Khi công trình trùng tu Thế Tổ miếu đang dang dở, ngày 19-3-1997 Kazik đột ngột qua đời. Cuộc hành trình kéo dài 17 năm của người “hiệp sĩ” Ba Lan đã khép lại. Theo lời kể của ông Phu: “4h chiều hôm ấy chúng tôi có cuộc hẹn làm việc với một tổ chức nước ngoài. Kazik ở phòng 17 khách sạn Thành Nội.

Bartek đang uống cà phê gần đó. Gần 4 giờ, tôi đến đẩy cửa vào thì thấy ông mặc độc quần lót, người dính đầy xà phòng nằm bất động trên giường. Tôi hô hoán lên, Bartek chạy về, chúng tôi gọi xe cứu thương chở sang Bệnh viện Trung ương Huế nhưng không kịp nữa rồi!”.

Khi khâm liệm Kazik, mọi người quyết định mặc cho ông bộ veston mà ông nói sẽ mặc vào ngày hoàn thành trùng tu Thế Tổ miếu vì ngày thường ông ăn mặc rất bình dị.

“Chúng tôi đi chọn gỗ vàng tâm đóng cỗ quan tài lớn, khâm liệm ông theo kiểu Huế, chở ra Hà Nội quàn tại Bệnh viện 108. Sau đó chuyển sang quan tài kẽm đưa máy bay về Nga và sau đó về Ba Lan quê ông” - ông Phu nói đau xót.

Sự ra đi đột ngột của Kazik đã khiến không chỉ những nhà khoa học, nghệ sĩ, các chuyên gia Việt Nam đau xót mà chính những người nông dân chân chất cũng cảm thấy hụt hẫng.

Ngay khi nhận tin Kazik mất, ông Nguyễn Thu (xã Duy Tân, Duy Xuyên, Quảng Nam) vội báo với những “đồng nghiệp” vốn dĩ là những nông dân quê mùa đã cùng sinh tử, đồng cam cộng khổ với Kazik ở Mỹ Sơn.

“Chúng tôi tự làm một mâm cơm để thắp nén nhang tiễn biệt ông” - ông Thu nhớ lại. Ngay sau đó, ông Thu đón xe đò từ Quảng Nam ra Huế để tạ từ người “hiệp sĩ” Ba Lan đáng kính.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ đón nhận hung tin của Kazik từ Huế và ngay trong tối đó, ông cùng nhà văn Thái Bá Lợi vội vàng ra Huế.

“Ông đã dành phần còn lại của cuộc đời mình cho Việt Nam, vì thế khi ông mất, đám tang vừa có đội kèn tây vừa có kèn ta. Bởi ai cũng nghĩ ông là một người Việt Nam thực thụ” - ông Hỷ chia sẻ.

Tại Huế, lễ truy điệu được tổ chức ở nhà Hữu Vu - Hoàng thành Huế, nơi ông đã gắn bó cho đến cuối đời khi đang trùng tu di tích.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.