Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai: Chỗ dựa tin cậy của cộng đồng doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai trở thành chỗ dựa tin cậy để tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đồng thời, Hiệp hội cũng là cầu nối giữa chính quyền địa phương với doanh nghiệp, đề xuất chính quyền kịp thời đưa ra những giải pháp phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

“Tiếp sức” doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Khó khăn kép là thực trạng mà các doanh nghiệp gặp phải trong những tháng đầu năm 2020. Vừa lo phòng-chống dịch Covid-19 để bảo vệ sức khỏe người lao động, vừa chống đỡ với hoạt động sản xuất bị đình trệ, thị trường tiêu thụ gần như bị đóng băng khiến nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc rơi vào cảnh lao đao.

Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể tới Tổng Công ty 15 khi có gần 6.000 lao động phải tạm dừng làm việc sau đợt giãn cách đầu tiên. Cùng với đó, sự ngưng trệ nhập khẩu từ phía Trung Quốc khiến sản phẩm mủ cao su của đơn vị hoàn toàn bị “đóng băng”. Chỉ riêng trong quý I-2020, thiệt hại của Tổng Công ty 15 ước tính lên tới 13,63 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trao bằng khen của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong hoạt động xây dựng và phát triển Hiệp hội. Ảnh: Đức Thụy
Bà Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trao bằng khen của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong hoạt động xây dựng và phát triển Hiệp hội. Ảnh: Đức Thụy


Bối cảnh đó khiến các doanh nghiệp dịch vụ cũng lao đao. Ông Nguyễn Văn Lâm-Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Gia Lai-cho biết: “Quý I-2020, sau khi tạm ngừng hoạt động kinh doanh các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ cà phê, massage, doanh thu của Công ty giảm gần 80% so với trước đó. Số lượng lao động cũng giảm từ 145 người xuống còn 10 người, làm việc luân phiên bán thời gian tại văn phòng Công ty và Khách sạn Pleiku”.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2020, có tới 85% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, 55 doanh nghiệp giải thể (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2019) và 127 doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động (tăng 23%) mà nguyên nhân là do tác động của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh gần như đình trệ, kinh doanh thua lỗ. Nhiều doanh nghiệp năng lực tài chính yếu nên không có khả năng trả được nợ ngân hàng và rơi vào phá sản.

Trước tình hình đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh luôn sâu sát nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để đề xuất các cơ quan thẩm quyền tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Sen-Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức các cuộc khảo sát thiệt hại của doanh nghiệp và lập báo cáo gửi UBND tỉnh và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời ban hành hướng dẫn các chính sách quy định tại Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19”.

Bằng việc tích cực phối hợp Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh thực hiện chương trình “Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp”, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực tín dụng. Đến nay, khoảng 8.900 khách hàng, trong đó có gần 200 doanh nghiệp được vay tại các chi nhánh ngân hàng thương mại trong tỉnh để phục hồi sau dịch Covid-19, ổn định sản xuất, phát triển kinh doanh với tổng số tiền gần 5.700 tỷ đồng.

Tham gia cải thiện môi trường kinh doanh

Thời gian qua, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã làm tốt vai trò góp ý, phản biện trong tham gia xây dựng chính sách liên quan đến doanh nghiệp. “Hiệp hội đã nghiên cứu tham gia ý kiến 46 văn bản của Trung ương và địa phương, trong đó có 6 dự thảo nghị định của Chính phủ; 6 dự thảo văn bản của các bộ; 3 dự thảo văn bản của VCCI; 1 văn bản của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; 1 văn bản của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; 29 dự thảo văn bản của các sở, ngành và UBND TP. Pleiku; thực hiện 3 báo cáo chuyên đề của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và PTNT”-ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho hay.

Đặc biệt, Hiệp hội cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai khảo sát, đánh giá Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố (DDCI). Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm-Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Classic-cho rằng: “Việc triển khai Bộ chỉ số DDCI đã tác động tích cực đến chất lượng điều hành kinh tế-xã hội, công tác cải cách thủ tục hành chính, ý thức, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Nhờ đó, môi trường đầu tư được cải thiện; những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được tháo gỡ kịp thời hơn”.

Lĩnh vực thông tin-tuyên truyền cũng được Hiệp hội chú trọng. Theo đó, Hiệp hội đã chuyển tải qua E-mail đến trên 15.000 lượt doanh nghiệp các văn bản của tỉnh liên quan về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cung cấp thông tin của các sở, ngành và các chương trình dịch vụ công trực tuyến, khoa học-công nghệ, xúc tiến thương mại, đào tạo, cài đặt Bluezone phòng dịch Covid-19... Một số chương trình khác cũng được Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức để đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp như ký kết chương trình hợp tác với Công ty Công nghệ ATALINK (TP. Hồ Chí Minh) về chuyển đổi số cho doanh nghiệp, phối hợp với VCCI và Bảo hiểm Xã hội tỉnh tập huấn chính sách bảo hiểm xã hội cho 100 doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động…

Phát huy vai trò “cầu nối”

Bằng những nỗ lực kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với các sở, ngành và chính quyền địa phương, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã góp phần vào đà phục hồi của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sau dịch Covid-19. Tình hình phát triển kinh tế của tỉnh tiếp tục có những kỳ vọng mới khi các doanh nghiệp từng bước ổn định sản xuất, phát triển kinh doanh và mở rộng thị trường. Đặc biệt, bức tranh kinh tế đã sáng hơn khi mới đây, 2 dự án Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi và Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên với công suất 100 MW, tổng vốn đầu tư trên 3.600 tỷ đồng chính thức động thổ.

Cùng thời gian, Gia Lai cũng đã có 2 doanh nghiệp xuất khẩu lô hàng đầu tiên với thuế suất 0% sang thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA là Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (296 tấn cà phê sang Đức, Bỉ) và Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai (100 tấn chanh dây).

 Xuất khẩu cà phê ở Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy
Xuất khẩu cà phê ở Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku). Ảnh: Đức Thụy


Bà Trần Thị Lan Anh-Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế L'amant-chia sẻ: “Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã phát huy rất tốt vai trò đại diện cho doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh; luôn quan tâm, lắng nghe chia sẻ, đồng hành cùng các hoạt động của doanh nghiệp. Thời điểm này được coi là tốt nhất cho các doanh nghiệp, khi đất nước bắt đầu hội nhập với nhiều hiệp định thương mại mở ra. Trong bối cảnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh giữ vai trò quan trọng, là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với chính quyền địa phương trong việc thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng là lấy doanh nghiệp làm trọng tâm và động lực phát triển kinh tế của tỉnh; cùng đưa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hội nhập sâu vào thị trường quốc tế”.

Không chỉ tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh còn kết nối và triển khai công tác an sinh xã hội đối với các doanh nghiệp hội viên. Từ đầu năm tới nay, Tổng Công ty 15 đã đóng góp 54 tỷ đồng vào các chương trình xây nhà tình nghĩa, tặng quần áo, vật dụng cho đồng bào dân tộc; hỗ trợ thương binh và gia đình liệt sĩ; các ngân hàng thương mại đóng góp 40,5 tỷ đồng vào chương trình xây trường học, xây 50 nhà tình nghĩa, tặng 2 xe cứu thương; các doanh nghiệp còn đóng góp gần 2 tỷ đồng (gồm tiền và hiện vật) cho người lao động bị dừng việc làm và Quỹ phòng-chống Covid-19 do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát động.

 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.