Herostratus - kẻ đốt đền bị đời đời nguyền rủa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước mặt tôi là một bãi sình lầy hoang phế với hai trụ đá chơ vơ, dấu tích còn sót lại của đền thờ Artemis - kỳ quan thứ 4 trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại từng sánh ngang với Kim tự tháp Ai Cập, vườn treo Babylon... Ngôi đền thờ Artemis, nữ thần săn bắn và sinh nở đã bị Herostratus - kẻ đốt đền thiêu rụi bằng một mồi lửa chỉ để được lưu danh thiên cổ.

Hai cột đá, một cột cao khoảng 15m, cột kia chừng 5m đứng chơ vơ, bên cạnh là tấm bảng văn tắt về ngôi đền cùng một bản vẽ mô hình ngôi đền khá sơ sài.
Hai cột đá, một cột cao khoảng 15m, cột kia chừng 5m đứng chơ vơ, bên cạnh là tấm bảng văn tắt về ngôi đền cùng một bản vẽ mô hình ngôi đền khá sơ sài.



Ngôi đền nguy nga và đồ sộ

Đền Artemis là đền thờ nữ thần mặt trăng trinh nguyên, sinh nở, săn bắn hùng mạnh, bảo hộ các thành phố, phụ nữ và súc vật non... được xây dựng vào khoảng năm 550 trước CN ở thành phố Ephesus gần bờ biển Aegea - một trong hai trung tâm văn hóa của thế giới ngày ấy, sau thành La Mã (nay là một thành phố - di tích khảo cổ học thuộc Thổ Nhĩ Kỳ). Ngôi đền là một sự tráng lệ về kiến trúc và khác thường về kích thước khi được xây dựng bằng đá cẩm thạch, dài 115m, rộng 55m với 127 cột đá. Đây không chỉ là một trong số những ngôi đền Hy Lạp thần thánh, nguy nga và đồ sộ nhất, mà còn là một trong những công trình được xây dựng toàn bằng đá cẩm thạch lâu đời nhất trên thế giới. Đá cẩm thạch dùng trong công trình được lấy từ mỏ đá cách công trường 11km (7 dặm), khoảng cách khá xa khiến việc vận chuyển những tảng đá nặng đến 40 tấn trở thành một thử thách. Theo ghi chép của những nhà nghiên cứu lịch sử sau này thì “đó là một ngôi đền uy nghi và lớn nhất thế giới mà chúng ta tìm thấy được". Hay là "một đài kỷ niệm thực là kỳ diệu của nền văn hóa Hy Lạp, khiến mọi người kinh ngạc về sự tráng lệ của nó".

Điều đặc biệt nhất là ngôi đền đồ sộ này được dựng trên một... đầm lầy. Và đầm lầy trước mắt tôi “là một phần đầm lầy còn sót lại từ mấy nghìn năm trước CN” - Murat, người lái xe taxi già đồng thời là hướng dẫn viên dẫn tôi đi thăm di tích đền Artemis hôm đó nói. Murat gợi cho tôi hình bóng của những người đạp xích lô nhưng lại kẹp theo cuốn “Thiền luận” của Daisetz Teitaro Suzuki để đọc trong những lúc vãn khách ở xứ Huế quê mình một dạo bởi sự hiểu biết về văn hóa, lịch sử đất nước mình. Ông ấy bảo “vì ở khu vực này thường có động đất nên người ta đã quyết định xây dựng đền thờ ở nơi sình lầy với hy vọng rằng đất mềm sẽ làm dịu những va đập khi có động đất mạnh bằng cách đào một hố móng sâu. Ở đáy hố, người ta lót lên những dầm chịu tải bằng thân cây sồi đã được cacbon hóa. Sau đó đắp lên những lớp nham dày, cao bằng mặt đất”.


 

Mô hình thu nhỏ của đền Artemis, tại Công viên Miniatürk, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, cố gắng thể hiện hình dáng có thể của ngôi đền đầu tiên. Ảnh: T.L
Mô hình thu nhỏ của đền Artemis, tại Công viên Miniatürk, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, cố gắng thể hiện hình dáng có thể của ngôi đền đầu tiên. Ảnh: T.L


Thật ra thì nữ thần Artemis không phải là người xa lạ với những ai từng đọc thần thoại Hy Lạp. “Nàng” ấy là con của thần Zeus và thần Lesto, em song sinh của thần ánh sáng - thi ca Apollon, được hình dung là một trinh nữ vai khoác cung tên, đi kèm với một con hươu hoặc chó cao lớn, uy dũng. Nhưng Murat làm tôi bất ngờ khi nói rằng, với người dân Ephesus thời ấy, nữ thần Artemis là một môtíp nữ thần “đồng hóa” (như kiểu xác Thiên Y A Na, hồn Liễu Hạnh ở khu vực miền Trung của Việt Nam). Truyền thuyết kể rằng tại một trong những nơi hẻo lánh ở cửa sông Cayster, những người dân Hy Lạp đi khai khẩn đã tìm thấy một khu đất không lớn được bao quanh, có một cây thờ thiêng, nơi tổ tiên những người dân chính gốc của các vùng này đã từng thờ thần phì nhiêu là một người phụ nữ có nhiều vú. Sự tôn sùng này được người Hy Lạp thay đổi, đồng hóa nữ thần ấy với nữ thần Artemis rồi lập đền thờ. Và hình tượng thần phì nhiêu có nhiều vú đã được tác trên các trụ đá trong đền.

Chấn động thế giới cổ đại

Tôi thậm chí còn không nhớ hết tên của 7 kỳ quan thế giới cổ đại. Nhưng tôi không thể nào quên chuyện kể về kẻ đốt đền Herostratus vì những ám ảnh đặc biệt. Một đêm hè của năm 356 trước CN, một sự kiện đã gây chấn động toàn bộ thế giới văn minh thời điểm đó: Một ngọn lửa bất ngờ bùng lên ở đền Artemis, bắt đầu là những đồ cúng tế và bức màn che trước tượng thần, ngọn lửa sau đó lan đến các cửa ra vào bằng gỗ tẩm dầu, rồi táp lên mái nhà. Trong chốc lát, ngôi điện biến thành những đống đổ nát, khói lửa mù mịt, dưới bầu trời đen tối chỉ còn thấy nhô lên hình bóng những chiếc cột đá cẩm thạch.

Nói theo ngôn ngữ bây giờ là sau khi lửa tắt, công an đã nhanh chóng vào cuộc điều tra nguyên nhân ngôi đền bị cháy và không khó khăn lắm để xác định thủ phạm chính là Herostratus - một cái tên mãi mãi được lưu truyền với hậu thế với biệt danh “kẻ đốt đền”. Tại phiên tòa xét xử Herostratus sau đó, Herostratus đã làm ngỡ ngàng các quan tòa khi thừa nhận việc mình đốt ngôi đền chỉ vì muốn được lưu danh muôn thuở. Herostratus bị treo cổ kèm theo hình phạt bổ sung bằng một Nghị quyết của người dân toàn thành phố: Mãi mãi không được nhắc đến cái tên gắn liền với tội ác hủy diệt thế giới văn minh theo cách mạn rợ này!

Tuy nhiên, ngôi đền không bị hủy diệt hoàn toàn. Và kỳ diệu hơn là trong đống đổ nát ấy, người dân thành Ephesus đã tìm thấy tượng Artemis hầu như không bị hư hại. Với họ, đó là một chỉ dấu của thần linh. Lập tức, công cuộc tái thiết, xây dựng lại một ngôi đền mới ở đây được gấp rút thực hiện với sự quyên góp vàng bạc, châu báu, tiền của không những trong mà cả ngoài đất nước Hy Lạp. Nền móng ngôi đền mới được chồng lên đền cũ, tại nơi 127 cây cột bị phá hủy đã mọc lên 127 cây cột mới, trong đó 35 cột ở phần dưới được trang trí các hình chạm nổi lớn bằng người thật, kể về chiến công của các vị thần, gồm cả thần phì nhiêu nhiều vú và các vị anh hùng Hy Lạp. Sau hơn 10 năm ròng rã xây dựng, cuối cùng, ngôi đền đã "đứng lên từ những đổ nát" đúng nghĩa và cao hơn đền cũ đến 2 mét và hoàn toàn bằng đá để những kẻ điên loạn như Herostratus không còn có cơ hội nổi tiếng.

Ông Murat kể thêm một chi tiết rất thú vị là ngôi đền mới, lúc đó ngoài nghĩa là một trung tâm tôn giáo, còn là nơi ký kết các hợp đồng mua bán nhỏ và là nơi... cho vay nặng lãi như bao nhiêu ngôi đền khác trên đất nước Hy Lạp (thật ra là mô hình ngân hàng sơ khai). “Ngày ấy ai cần tiền thì đến liên hệ với vị tư tế tối cao, một loại chức như giám đốc ngân hàng. Ông ta sẽ cho vay với lãi suất khá cao, khoảng 10%. Trong khi đại diện cho các thành phố và các công xã thì được hưởng khoản ưu đãi, khoảng 6%. Nếu nhà nước đứng ra vay với mục đích phục vụ chiến tranh thì lãi suất sẽ rất cao...”, Murat nói.

Đền thờ Artemis tiếp tục là trung tâm của đời sống tôn giáo, văn hóa và kinh tế trong ba trăm năm nữa thì đánh mất vai trò của mình khi Hoàng đế La Mã thời ấy sau khi phê chuẩn Kitô giáo là quốc giáo đã đóng cửa tất cả các đền thờ đa thần. Đền thờ Artemis đã chấm dứt tồn tại. Và từ vị thế là một ngôi đền thiêng, Artemis đã trở thành miếng mồi ngon cho tất cả những ai cần vật liệu để xây dựng nhà cửa, công trình... Đền thờ Artemis biến mất theo thời gian, cùng với nó là thành phố Ephesus bì vùi lấp dưới những đầm sình lầy không dấu vết (sau này, thành phố Ephesus được xây dựng lại ở nơi lui về thượng nguồn sông Cayster một chút).

Cho mãi đến đầu thế kỷ 19, các nhà khảo cổ mới bắt đầu những cuộc khai quật thành phố Ephesus và đền thờ Artemis. Sau nhiều năm khai quật không có kết quả, cuối cùng nhà khảo cổ Anh đã tìm thấy móng ngôi đền dưới một lớp phù sa dày 6m. Và năm 1903, một người Anh khác đã tìm thấy được cả kho báu của Artemis gồm: 3.000 hạt ngọc quý nhất, nhiều hoa tai, trâm cài tóc, nữ trang cài áo, cùng những đồng tiền nhỏ làm bằng hợp kim vàng và bạc, những khuôn dập tiền cổ nhất còn lưu được đến ngày nay. Còn năm 1956, người ta đã khai quật được một xưởng điêu khắc và phát hiện được ba bản sao bức tượng Artemis ở ngôi đền đầu tiên. Những hiện vật mà các nhà khảo cổ tìm được ở Ephesus hiện đang được bảo quản trong các viện bảo tàng của Thổ Nhĩ Kỳ và Viện bảo tàng Anh.


 

Tượng thần Artemis bằng cẩm thạch hiện được trưng bày trong bảo tàng khảo cổ Efes của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tượng thần Artemis bằng cẩm thạch hiện được trưng bày trong bảo tàng khảo cổ Efes của Thổ Nhĩ Kỳ.



Thần Artemis cũng không cứu được chính mình

Bây giờ thì trước mắt tôi, đền thờ Artemis chỉ còn là một bãi hoang đầy lau sậy và cỏ dại, những tảng đá đổ nát vương vãi khắp nơi như thể vừa trải qua một trận bom. 127 cột cẩm thạch màu trắng, mỗi cột cao 18,4m, giờ chỉ còn hai chiếc cột được phục chế và gia cố bằng bê tông. Một cột cao khoảng 15m, cột kia chừng 5m đứng chơ vơ, bên cạnh là tấm bảng vắn tắt về ngôi đền cùng một bản vẽ mô hình ngôi đền khá sơ sài. Theo gợi ý của Murat, tôi mua một cuốn sách có hình ngôi đền lộng lẫy, được vẽ lại theo sự phục chế của các nhà khảo cổ học được bày bán trong các quầy hàng lưu niệm. Tiện thể, tôi mua thêm một bản mô phỏng pho tượng thần Artemis bằng cẩm thạch sản xuất hàng loạt, hiện được trưng bày trong bảo tàng khảo cổ Efes ở gần đấy về làm kỷ niệm. Thêm một hình dung khác khá sống động về đền thờ thần Artemis, là bức tranh khắc gỗ của họa sĩ Martin Heemskerck vẽ năm 1572. Hay mô hình thu nhỏ của đền Artemis, tại Công viên Miniaturk (Istanbuk, Thổ Nhĩ Kỳ), cố gắng thể hiện hình dáng có thể của ngôi đền đầu tiên...

Murat bảo với người Hy Lạp và cả Thổ Nhĩ Kỳ sau này, câu hỏi lớn nhất của họ là vì sao nữ thần mặt trăng trinh nguyên, sinh nở, săn bắn hùng mạnh, bảo hộ các thành phố, phụ nữ và súc vật non... khá toàn năng như thế lại không bảo vệ được ngôi đền thờ của chính mình trước ngọn lửa của Herostratus? Và Murat kể rằng, đã có một sử gia Hy Lạp đưa ra câu trả lời rất thú vị rằng, đêm đền thờ bị đốt cũng là đêm Alexander Đại đế chào đời (được xem là một trong những vị tướng thành công nhất trong lịch sử, người đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới mà con người thời đó biết đến trước khi qua đời). Do nữ thần Artemis quá bận rộn với sự ra đời của Alexander Đại đế ở xứ Macedonia bên cạnh nên không có thời gian để bảo vệ ngôi đền.

Thú vị nữa là sau khi ngôi đền bị đốt, năm 334 trước CN, Alexander Đại đế, trong cuộc hành binh lừng danh bách chiến bách thắng chống người Ba Tư đi qua vùng Tiểu Á, đã đến Ephesus. Ông tới thăm đền thờ Artemis đang trong quá trình khôi phục và đề nghị giúp đỡ tiền bạc để công trình xây dựng nhanh hơn cùng “điều kiện” ngôi đền mới sẽ mang tên Alexander Đại đế - một kiểu đi vào thiên thu như Herostratus! Lời đề nghị của ông tất nhiên không được người dân thành phố Ephesus đồng ý bởi trong mắt họ Alexander Đại đế là một kẻ tham tàn, hung ác. Nhưng mặt khác, họ lại sợ làm mất lòng kẻ ngoại bang đáng sợ này. Và rồi một kế vẹn toàn được đưa ra. Họ bảo trong tâm thức của mình, vị thống soái bách chiến bách thắng như Alexandria Đại đế là một vị thần. Và tất nhiên một nam thần thì không được góp tiền của để xây dựng đền thờ cho một nữ thần ngang hàng với mình. Và Alexandria đành ngậm đắng nuốt cay với lý luận này của người dân thành Ephesus.

Nhắc chuyện Alexander Đại đế muốn đổi tên ngôi đền, tôi lại nhớ ở Việt Nam một dạo, Nhà hát Kịch Việt Nam từng làm mưa làm gió với vở kịch “Vụ án Êrốtxtơrát” của một nhà soạn kịch Nga, nội dung xoay quanh chuyện về Herostratus, kẻ đốt đền Artemis. Đây là vở kịch được chọn là một trong 100 vở kịch hay nhất thế giới mọi thời đại. Và thú vị là dư luận – trong kịch – lại trái chiều chung quanh hành động của Herostratus. Có người coi đấy là thứ danh tiếng ô uế, muôn đời sau phải được xóa tên khỏi lịch sử như tòa án thành Ephesus mấy nghìn năm trước từng tuyên. Nhưng cũng có người, nhiều người, như một số vị phu nhân quý tộc lại muốn vào nhà ngục... ngủ với kẻ đốt đền để tên tuổi cũng được lưu danh trong lịch sử cùng với kẻ đốt đền.

Hoàng Văn Minh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.