Hệ thống truyền thanh xã Chư Băh: Kênh thông tin chính xác, kịp thời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ được đầu tư nâng cấp đồng bộ, hệ thống truyền thanh xã Chư Băh (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã phát huy hiệu quả trong việc đưa các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến với người dân, giúp bà con có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác

“Đây là Đài truyền thanh xã Chư Băh. Kính thưa toàn thể Nhân dân trên địa bàn xã! Bảo hiểm y tế là chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước, vì quyền lợi của người dân, được Nhà nước bảo hộ, do cơ quan Bảo hiểm Xã hội thực hiện. Để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn xã, hoàn thành chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, UBND xã Chư Băh tiếp tục triển khai lập danh sách mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ gia đình cận nghèo, hộ làm nông nghiệp có mức sống trung bình, hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện với mức hỗ trợ như sau...”.

Giọng đọc vang vọng trên hệ thống loa truyền thanh vào 5 giờ và 17 giờ hàng ngày đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân xã Chư Băh. Sau khi tiếp sóng chương trình truyền thanh của thị xã Ayun Pa, của tỉnh và Đài Tiếng nói Việt Nam, cán bộ phụ trách sẽ thông báo chương trình phát thanh của xã. Nội dung phát thanh thường là thông báo các chủ trương, kế hoạch hoạt động của xã, vận động người dân chung tay xây dựng nông thôn mới, khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế, tuyên truyền phòng-chống dịch sốt xuất huyết, dịch đau mắt đỏ trên người, dịch tả heo châu Phi hay dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò…

Ông Lê Văn Tuân-Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã Chư Băh duyệt nội dung chương trình trước khi đưa lên hệ thống truyền thanh. Ảnh: V.C

Ông Lê Văn Tuân-Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã Chư Băh duyệt nội dung chương trình trước khi đưa lên hệ thống truyền thanh. Ảnh: V.C

Ông Lê Văn Tuân-Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa-Thể thao xã-cho biết: Xã Chư Băh hiện có 7 cụm loa truyền thanh, phủ đều tại 5 thôn, buôn. Riêng địa bàn buôn Chư Băh A rộng nên được ưu tiên lắp đặt 2 cụm loa và 1 cụm loa trung tâm đặt tại trụ sở UBND xã. Với lợi thế kịp thời, tiện ích, phủ sóng diện rộng, thời gian qua, hệ thống truyền thanh cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và địa phương đến với người dân, đặc biệt là giúp người nghèo tiếp cận kịp thời các thông tin về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Riêng các bản tin của xã được xây dựng với thời lượng 5-10 phút, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ để người dân dễ nắm bắt thông tin. Tùy theo điều kiện thực tế, chuỗi sự kiện thời sự mà 1 tuần 1 lần, xã chọn một vài mô hình làm ăn hiệu quả của người dân địa phương để giới thiệu trên sóng truyền thanh.

“Các chương trình đều được chúng tôi tổ chức biên soạn kỹ, duyệt cẩn thận để thông tin chính xác đến người dân. Những nội dung nào quan trọng, thời sự sẽ ưu tiên phát trước khi tiếp sóng đài truyền thanh thị xã bằng cả 2 thứ tiếng Kinh và Jrai, quyết tâm không để người dân nào bị “nghèo thông tin”-ông Tuân cho hay.

Điều dễ dàng nhận thấy là hệ thống loa truyền thanh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Trước đây, bà con đi đâu cũng phải mang theo cái đài, còn bây giờ vừa đi thể dục, làm vườn vừa nghe các chương trình truyền thanh trên loa. Anh Ksor Soach (buôn Chư Băh A) bộc bạch: “Nhờ nghe được các thông tin hữu ích trên loa truyền thanh mà gia đình tôi biết phát triển mô hình kinh tế tổng hợp. Hiện nhà tôi canh tác 3 sào lúa nước, 2,5 ha mía, 1,5 ha mì, 7 sào điều, 8 sào bắp và nuôi 7 con bò. Tôi gieo sạ giống lúa mới MT10 để nâng cao năng suất và chất lượng hạt gạo. Với cây mía, được nhà máy hỗ trợ giống, phân bón, chi phí cày ải, hướng dẫn kỹ thuật nên năng suất những năm gần đây tăng cao. Riêng đàn bò, gia đình luôn tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Từ trồng trọt, chăn nuôi, gia đình thu nhập trên 200 triệu đồng/năm”.

Trực tiếp đảm nhận vận hành chương trình phát thanh của buôn, ông Nay Lý-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Chư Băh A-cho biết: Buôn có 321 hộ với 1.680 khẩu. Thời gian qua, 2 cụm loa truyền thanh đã đảm bảo đưa thông tin kịp thời đến với tất cả người dân. Sáng sớm cũng như chiều tối, bà con có thể vừa nghe thời sự, văn nghệ, vừa nghe các chương trình hướng dẫn làm ăn, phát triển kinh tế. Nhờ vậy, người dân không chỉ nắm được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mà còn có thông tin, kiến thức phục vụ lao động, sản xuất. “Theo kết quả rà soát sơ bộ, buôn hiện còn 15 hộ nghèo và 20 hộ cận nghèo. Với ưu thế của hệ thống loa truyền thanh, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, đưa chính sách đến gần với người dân cũng như tuyên truyền khơi dậy ý chí tự lực vượt khó, phấn đấu làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững của mỗi hộ dân”-ông Lý chia sẻ.

Nâng cao chất lượng truyền thanh

Theo chị Đàm Thùy Linh-công chức Văn hóa-Xã hội xã Chư Băh, trước đây, đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn xã là đài FM và có dây. Loại hình này có nhiều hạn chế như bị chi phối bởi địa hình, dễ hỏng hóc, khó sửa chữa, bảo dưỡng, vùng phát thanh bị giới hạn, chất lượng âm thanh không ổn định, lẫn tạp âm, chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết. Hiện nay, hệ thống truyền thanh cơ sở đã chuyển sang mạng không dây, sử dụng phương thức truyền dẫn tín hiệu âm thanh trên hạ tầng viễn thông, internet, có khả năng quản lý, kiểm soát chất lượng tín hiệu tới từng cụm loa. Hệ thống bao gồm máy tính, micro, loa, phần mềm quản lý và bộ thu phát truyền thanh internet sử dụng sim 3G, 4G.

Nhờ thông tin bổ ích trên hệ thống loa truyền thanh, người dân hiểu được mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới nên tự nguyện tham gia. Ảnh: V.C

Nhờ thông tin bổ ích trên hệ thống loa truyền thanh, người dân hiểu được mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới nên tự nguyện tham gia. Ảnh: V.C

So với hệ thống đài hữu tuyến trước kia thì loại hình truyền thanh thông minh hiện nay có nhiều ưu điểm vượt trội như không cần dây dẫn, gọn nhẹ, dễ điều khiển vận hành thiết bị. Hơn thế, chất lượng âm thanh trong trẻo rõ ràng, không nhại tiếng, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Việc triển khai hệ thống truyền thanh không dây còn góp phần từng bước hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn xã, giúp cán bộ tiết kiệm thời gian, công sức trong vận hành.

Cũng nhờ hệ thống loa truyền thanh này mà công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội của xã Chư Băh thu được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, sự thay đổi trong nhận thức, tư duy của người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng ngày một rõ rệt. Cuối năm 2022, xã giảm được 43 hộ nghèo (vượt 24 hộ), 21 hộ cận nghèo (vượt 1 hộ so với chỉ tiêu đề ra). Năm 2023, xã tiếp tục phấn đấu giảm 19 hộ nghèo và 8 hộ cận nghèo, kéo tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,73% và cận nghèo còn 5,1%.

Ông Ksor Jai-Phó Bí thư Chi bộ buôn Bir-cho biết: Trước đây, để thông báo đến người dân về hoạt động chung như hội họp, tổ chức dọn vệ sinh, chuẩn bị vụ mùa... cán bộ phải đi gõ cửa từng nhà bất kể nắng mưa, thậm chí phải đi nhiều lần vì các hộ vắng nhà. Với 154 hộ, nếu vẫn giữ phương thức truyền thông cũ sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức. Với hệ thống loa truyền thanh, cán bộ có thể cùng một lúc truyền tải thông tin đến tất cả người dân nhanh chóng, kịp thời. Ngoài sử dụng hệ thống loa truyền thanh, buôn cũng lập nhóm Zalo chung các hộ dân để đăng thông báo và tiếp nhận ý kiến phản hồi của người dân. Nhiều người dân nhờ tiếp cận được thông tin bổ ích đã biết cách chăn nuôi, trồng trọt, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Đến cuối năm 2023, buôn còn 2 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo, giảm 2 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo so với đầu năm.

Trao đổi với P.V, bà Vũ Thị Hà Giang-Chủ tịch UBND xã Chư Băh-đánh giá: Mặc dù hiện nay, các phương tiện thông tin đại chúng đang phát triển rất mạnh mẽ nhưng hệ thống đài truyền thanh cơ sở với lợi thế kịp thời, tiện ích, ít tốn kém vẫn giữ vị trí không thể thiếu trong công tác thông tin tuyên truyền ở cơ sở. Đặc biệt, đây được coi là loại hình thông tin chủ lực trong công tác giảm nghèo về thông tin cho người dân địa phương. Nhờ hệ thống loa truyền thanh này mà công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội của xã thu được nhiều kết quả tích cực. Phần lớn người dân đã hiểu được mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào xây dựng nông thôn mới, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và mục tiêu chương trình giảm nghèo. Thuận lợi trong vận hành hệ thống loa truyền thanh của xã là địa bàn dân cư bố trí đồng đều, không có cụm dân cư nhỏ lẻ. Tuy nhiên, cán bộ phụ trách kiêm nhiệm nên trình độ kỹ thuật cũng như chất lượng tin, bài còn hạn chế.

Thời gian tới, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hệ thống loa truyền thanh cơ sở, chính quyền địa phương sẽ cử cán bộ phụ trách tham gia các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ cũng như tranh thủ tối đa nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn khác để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho hệ thống truyền thanh trên địa bàn. Ủy ban nhân dân xã cũng sẽ chỉ đạo Trung tâm Văn hóa-Thông tin xã chọn lọc thông tin kỹ lưỡng, sắp xếp thời lượng để chuyển tải các bản tin về giảm nghèo có chiều sâu, chất lượng, tăng cường đưa các tin bài về gương điển hình, những mô hình giảm nghèo hay, hiệu quả, qua đó, góp phần động viên người dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, giảm nghèo có chất lượng, hiệu quả sâu.

Có thể bạn quan tâm

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo ở làng Bua, xã Ia Pnôn. Ảnh: V.H

Đức Cơ quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

(GLO)- Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) chiếm 10,19%. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 7,92%. Để có được kết quả này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là tạo sinh kế giúp hộ nghèo chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

(GLO)- Bên cạnh phát huy hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, thời gian qua, xã Gào (TP. Pleiku) đã đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Qua đó, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập của người dân và giảm nghèo bền vững.