Hé lộ thông tin về hậu trường kinh doanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV.
Bị khai trừ khỏi Đảng
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa phát đi thông cáo báo chí kỳ họp thứ 27 diễn ra trong hai ngày 27 và 28/6/2018.
Một trong những nội dung thông cáo là xem xét, thi hành kỷ luật ban Thường vụ Đảng ủy ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và các cá nhân liên quan về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp 26 của UBKT Trung ương.
Theo đó, xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ các quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm, UBKT trung ương quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị BIDV.
 Nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV - ông Trần Bắc Hà vừa bị khai trừ Đảng
Nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV - ông Trần Bắc Hà vừa bị khai trừ Đảng
UBKT Trung ương cũng quyết định cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Đoàn Ánh Sáng, nguyên ủy viên ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc; Cảnh cáo đối với ông Trần Lục Lang, ủy viên ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc BIDV.
Đồng thời yêu cầu ban Thường vụ Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương thi hành kỷ luật đối với ban Thường vụ Đảng ủy BIDV.
Trước đó, trong thông báo phiên họp thứ 26 hồi cuối tháng 5/2018 của UBKT Trung ương đã nêu rõ sai phạm của ông Trần Bắc Hà.
Thông cáo nêu: “Đồng chí Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.
Đồng chí đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV; vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại ngân hàng Xây dựng”.
Ông Trần Bắc Hà được xem là “ông trùm” trong lĩnh vực ngân hàng, là người tạo ra những bước chuyển mình của BIDV trong nhiều năm trước. Tài sản và lợi nhuận của BIDV đã tăng gấp 4 lần trong khoảng thời gian 2008 - 2016. Đây là ngân hàng có quy mô vốn điều lệ lớn thứ 3 trong toàn hệ thống.
Ông Trần Bắc Hà có 35 năm công tác tại BIDV và hơn 8 năm giữ chức Chủ tịch HĐQT BIDV (từ 2008 đến 2016). Ông Hà nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/9/2016.
Trong phiên tòa đại án Phạm Công Danh và Trầm Bê, ông Trần Bắc Hà bị tòa triệu tập với hai tư cách "người có quyền nghĩa vụ liên quan" và "người làm chứng" nhưng đã vắng mặt với lý do đang điều trị ung thư gan ở Singapore.
Sai phạm của ông Trần Bắc Hà trong đại án VNCB
Khi thực hiện tái cơ cấu ngân hàng Xây dựng (VNCB) nhưng không có tiền để tăng vốn điều lệ, ông Phạm Công Danh – nguyên chủ tịch HĐQT VNCB đã đến BIDV để đặt vấn đề vay vốn.
Ông Danh chỉ đạo cấp dưới lựa chọn 12 công ty để lập khống hồ sơ vay vốn, trên cơ sở dùng 6 lô đất tại Đà Nẵng và hơn 3.000 tỷ đồng tiền gửi của VNCB tại BIDV để bảo lãnh cho các khoản vay này.
Thời điểm đó, ông Trần Bắc Hà với cương vị Vụ trưởng phân ban Rủi ro tín dụng đầu tư thuộc ủy ban Quản lý rủi ro của BIDV, đã ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay 4.700 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này đều được các công ty chuyển vào tài khoản để Phạm Công Danh sử dụng.
Khi đến hạn, 12 công ty không trả được nợ nên BIDV đã tự động trừ tiền trên tài khoản tiền gửi của VNCB. Vì bảo lãnh cho các khoản vay nói trên, VNCB bị thiệt hại hơn 2.500 tỉ đồng.
Hậu trường kinh doanh và gia thế “khủng”
Trong khi cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà đương chức, vợ con đại gia ngân hàng này đều là lãnh đạo của những doanh nghiệp đình đám và là chủ của nhiều dự án ngàn tỷ.
Ngoài vị thế quyền lực trong giới ngân hàng, ông Trần Bắc Hà còn được nhắc đến khi có vợ và con là những sếp lớn doanh nghiệp đình đám.
Một trong những công trình và tài sản khổng lồ đầu tiên của vợ chồng ông Hà được hình thành ngay trên quê hương của mình là resort Hoàng Gia Quy Nhơn 4 sao, được ví như khu "resort vàng" bởi có vị trí đắc địa tại trung tâm TP.Quy Nhơn với giá thị trường khoảng hơn 100 triệu đồng/m2.
 Royal Hotel & Healthcare Resort Quy Nhơn - một dự án của vợ con ông Trần Bắc Hà.
Royal Hotel & Healthcare Resort Quy Nhơn - một dự án của vợ con ông Trần Bắc Hà.
Trước đây, resort Hoàng Gia Quy Nhơn thuộc sở hữu của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, sau đó chuyển nhượng lại cho một doanh nghiệp khác với giá khoảng 175 tỷ đồng.
Sau đó, khoảng hơn 10 năm trước, doanh nghiệp này chuyển nhượng resort cho công ty CP Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn do vợ ông Trần Bắc Hà là bà Ngô Kim Lan làm chủ sở hữu với giá 135 tỷ đồng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, resort Hoàng Gia Quy Nhơn hiện có giá hàng nghìn tỷ đồng.
Sau khi sở hữu resort Hoàng Gia Quy Nhơn, năm 2009, gia đình ông Trần Bắc Hà tiếp tục thành lập công ty CP Tập đoàn An Phú với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng, do con trai ông Hà là ông Trần Duy Tùng sáng lập và làm Chủ tịch HĐQT. Công ty có trụ sở tại số 1 Hàn Mặc Tử, TP.Quy Nhơn, trùng với địa chỉ trụ sở công ty CP Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn.
Sau khi thành lập chưa được bao lâu, công ty CP Tập đoàn An Phú được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận đầu tư dự án Khu đô thị thương mại An Phú với tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Khu đô thị được xây dựng tại phường Quang Trung, TP.Quy Nhơn có tổng diện tích quy hoạch rộng khoảng 36.568 m2.
Không thua kém gì mẹ và em trai, năm 2014, con gái ông Trần Bắc Hà là bà Trần Lan Phương cũng thành lập công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Hưng (trụ sở cũng tại địa chỉ số 1 Hàn Mặc Tử, TP.Quy Nhơn) với số vốn điều lệ 300 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2017, công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Hưng và công ty CP Tập đoàn An Phú của 2 con ông Hà cùng một doanh nghiệp khác được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu phức hợp Khách sạn, Thương mại và Căn hộ cao cấp Thiên Hưng.
Theo đó, dự án được thực hiện tại khu "đất vàng" K200 thuộc khu đô thị, thương mại, dịch vụ phía Tây đường An Dương Vương, TP.Quy Nhơn với diện tích đất khoảng 10.840m2, tổng vốn đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng.
Ngoài ra, con trai ông Trần Bắc Hà là Trần Duy Tùng từng là thành viên HĐQT CTCP Cảng Quy Nhơn, tuy nhiên hồi đầu tháng 11-2017, ông Trần Duy Tùng đã từ chức tại công ty này.
Bản thân ông Trần Bắc Hà sau khi nghỉ hưu vào năm 2016 cũng đã cùng một số người trong gia đình thành lập 1 công ty bên Lào, đầu tư nhiều dự án trồng cây nông nghiệp, trên diện tích hàng chục ngàn ha để trồng chuối và chanh dây, với tổng tài sản lên tới cả chục ngàn tỷ đồng.
H.Y tổng hợp (Người Đưa Tin)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.