Google đang cấp quyền truy cập công khai cho đối thủ cạnh tranh ChatGPT của mình, dịch vụ AI đàm thoại có tên Bard.
Người dùng ở Mỹ và Anh có thể đăng ký danh sách chờ. Bard là nỗ lực của Google nhằm cạnh tranh với OpenAI trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo.
“Bard ở đây để giúp mọi người tăng năng suất, tăng tốc ý tưởng và khơi dậy trí tò mò của họ” - Sissie Hsiao, phó chủ tịch sản phẩm của Google phụ trách Bard, nói.
Google, công ty tiên phong trong lĩnh vực công nghệ, đã làm việc trên các hệ thống trong nhiều năm, nhưng những nỗ lực đó chủ yếu được thai nghén trong phòng thí nghiệm. Giờ đây, Google đang bắt kịp OpenAI khi đã cung cấp rộng rãi hơn các dịch vụ AI đàm thoại cho công chúng. ChatGPT của OpenAI đã trở nên phổ biến trên toàn cầu kể từ khi phát hành vào tháng 11.2022 và công ty mẹ là Microsoft gần đây đã tích hợp công nghệ của OpenAI vào công cụ tìm kiếm Bing.
Google mô tả dịch vụ của mình là một “thử nghiệm ban đầu”, cho phép người dùng cộng tác với công nghệ AI tổng quát. Chatbot được cung cấp bởi LaMDA, một mô hình ngôn ngữ lớn mà công ty đã phát triển nội bộ, giúp Bard sẽ có thể rút ra phản hồi từ những gì Google coi là nguồn thông tin “chất lượng cao” để hiển thị các câu trả lời mới nhất.
Google đã mở cửa cho người dùng sử dụng Bard AI. Ảnh: Google |
Google đã phát triển Bard phù hợp với các nguyên tắc về trí tuệ nhân tạo (AI) của công ty, được hiển thị bằng dòng chữ: “Bard có thể hiển thị thông tin không chính xác hoặc xúc phạm. Những thông tin này không đại diện cho quan điểm của Google”.
Mọi người có thể thực hiện các cuộc trò chuyện qua lại với Bard, tương tự như dịch vụ Bing mới của Microsoft. Eli Collins, phó chủ tịch nghiên cứu của Google về Bard, cho biết ban đầu công ty đang giới hạn thời lượng của các cuộc trò chuyện vì lý do an toàn. Ông nói thêm rằng Google sẽ tăng các giới hạn đó theo thời gian, nhưng sẽ không tiết lộ cụ thể về giới hạn này như thế nào.
Google để các phóng viên của Bloomberg thực hiện một số gợi ý khác nhau về Bard, thăm dò khả năng và điểm yếu của nó bằng cả những ví dụ ngớ ngẩn và nghiêm túc.
Chẳng hạn, Bard từ chối trả lời câu hỏi về cách chế tạo bom, cho thấy nỗ lực của Google trong việc bảo vệ công nghệ. (“Tôi sẽ không tạo nội dung có tính chất như vậy và tôi khuyên bạn cũng không nên làm như vậy” - Bard trả lời, trước khi đề xuất người dùng tìm hiểu thêm về bom thông qua “các kênh hợp pháp, chẳng hạn như thư viện hoặc Internet”).
Tuy nhiên, phản ứng của Bard không phải lúc nào cũng có cơ sở thực tế. Chẳng hạn, khi được hỏi về lời khuyên để tổ chức tiệc sinh nhật trên sao Hỏa, Bard đã trả lời về thời gian cần thiết để đến đó. (“Mất khoảng chín tháng để đến sao Hỏa, vì vậy bạn cần bắt đầu lên kế hoạch trước cho chuyến đi của mình”). Bard không hề chỉ ra rằng một chuyến đi như vậy hiện chỉ là một điều viển vông.
Bard cũng đưa ra một lời khuyên vô nghĩa về quy trình cấp phép trước một hành trình bất khả thi như vậy: “Bạn sẽ cần xin giấy phép của NASA để du hành tới Sao Hỏa, cũng như sự chấp thuận của chính phủ sao Hỏa”.