Google, Microsoft và AWS 'căng thẳng' trước cuộc điều tra chống cạnh tranh dịch vụ đám mây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cuộc điều tra từ Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh về dịch vụ đám mây đang khiến các công ty lớn như Amazon, Microsoft và Google chỉ trích lẫn nhau để giảm áp lực pháp lý.

Amazon, Microsoft và Google đang phải đối mặt với cuộc điều tra của Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA) về các hoạt động kinh doanh dịch vụ đám mây (Cloud Services). Cả ba công ty lớn đều cố gắng bảo vệ thực tiễn kinh doanh của mình, đồng thời khéo léo chuyển hướng chỉ trích sang các đối thủ. Mục tiêu của họ là tránh sự trừng phạt mạnh tay từ phía cơ quan quản lý.

Cuộc điều tra của CMA tập trung vào các vấn đề như phí truy xuất dữ liệu và chính sách cấp phép phần mềm. Nhiều khách hàng đã phàn nàn rằng các yếu tố này khiến việc thay đổi nhà cung cấp dịch vụ trở nên phức tạp và tốn kém. Trong bối cảnh đó, Amazon, Microsoft và Google liên tục chỉ trích lẫn nhau, hy vọng bằng cách này họ sẽ giảm thiểu áp lực từ cuộc điều tra.

Một trung tâm dữ liệu của Microsoft, nơi cung cấp các dịch vụ đám mây đang cạnh tranh gay gắt với Amazon và Google trên thị trường toàn cầu

Một trung tâm dữ liệu của Microsoft, nơi cung cấp các dịch vụ đám mây đang cạnh tranh gay gắt với Amazon và Google trên thị trường toàn cầu

Google, với thị phần ước tính chỉ từ 5 - 10% tại thị trường dịch vụ đám mây Anh, đã tự định vị mình như một "kẻ yếu" trong cuộc chơi. Công ty này cho rằng chính sách cấp phép phần mềm của Microsoft đang hạn chế sự lựa chọn của khách hàng. Theo Google, khách hàng có thể sử dụng lại giấy phép phần mềm của Microsoft khi dùng nền tảng đám mây Azure, nhưng lại phải mua thêm giấy phép khi sử dụng dịch vụ của Google.

Trong khi đó, Microsoft bác bỏ các lo ngại của CMA và nhấn mạnh rằng thị trường đám mây vẫn đang "năng động và phát triển nhanh chóng". Công ty này cũng phản đối các chỉ trích về phí truy xuất dữ liệu, cho rằng chúng không phải là vấn đề lớn đối với phần lớn doanh nghiệp. Tuy nhiên, Microsoft cũng không mong muốn một sự can thiệp quá mức từ các cơ quan quản lý, bởi thị phần của Microsoft và AWS đã chiếm đến 60 - 70% thị trường, khiến khả năng cạnh tranh cho các đối thủ nhỏ hơn bị thu hẹp.

Amazon Web Services (AWS) cũng lên tiếng chỉ trích chính sách cấp phép phần mềm của Microsoft, đồng thời khẳng định thị trường vẫn cạnh tranh lành mạnh. AWS cảnh báo việc loại bỏ hoàn toàn phí truy xuất dữ liệu có thể ảnh hưởng đến các khoản đầu tư trong tương lai. Trước đó, cả ba công ty đã áp dụng các biện pháp miễn giảm phí truy xuất theo quy định của Liên minh châu Âu, nhưng vẫn chưa có thỏa thuận chung cho thị trường Anh.

CMA dự kiến sẽ đưa ra quyết định tạm thời trong vài tháng tới, trước khi có kết luận cuối cùng vào tháng 4.2025. Cuộc điều tra này có thể dẫn đến những thay đổi quan trọng về quy định đối với các nhà cung cấp dịch vụ đám mây, nhằm thúc đẩy cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, Google, Microsoft và AWS vẫn duy trì việc đổ lỗi lẫn nhau để tránh những hậu quả pháp lý nghiêm trọng.

Phí truy xuất dữ liệu và chính sách cấp phép phần mềm sẽ tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi, khi các nhà cung cấp dịch vụ đám mây nỗ lực cân bằng giữa việc tuân thủ quy định và bảo đảm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của họ.

Theo Khải Minh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.