SỔ TAY PHÓNG VIÊN:

Giữ những chiếc “bát úp” để “định vị” Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo trang Mytour (một trang chuyên về du lịch khá uy tín) thì Pleiku là một trong 7 cao nguyên đẹp nhất Việt Nam. Một trong những nguyên nhân đó chính là địa hình núi đồi như những chiếc "bát úp" khiến “anh khách lạ đi lên đi xuống” rồi ngẩn ngơ nhớ mãi. 

Một người bạn thời Đại học của tôi từ Huế vào vẫn luôn miệng tấm tắc: “Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, nhận thức của mọi người về vùng đất Tây Nguyên nói chung và về thành phố Pleiku nói riêng đã thay đổi nhiều. Nhưng chỉ khi chính thức đặt chân lên mảnh đất này mới cảm nhận được hết những thú vị khó diễn tả thành lời. Khí hậu mát mẻ, con người thân thiện, đồ ăn ngon, cảnh vật quyễn rũ. Nhưng tôi ấn tượng nhất là Pleiku có những con dốc rất... dốc. Cảm giác lên-xuống trên chiếc xe máy như đang bay lượn đó thực sự rất đáng nhớ!”.

Con dốc đường Phù Đổng như chiếc võng nối hai chiếc "bát úp" phía đường Cách Mạng Tháng Tám và ngã ba Phù Đổng. Ảnh: Hà Duy
Con dốc đường Phù Đổng như chiếc võng nối hai chiếc "bát úp" phía đường Cách Mạng Tháng Tám và ngã ba Phù Đổng. Ảnh: Hà Duy

Không ít người cũng có cảm giác giống như bạn tôi mỗi khi đến Pleiku. Bởi với họ, cao nguyên là phải có đồi núi, là phải dốc. Đó là một trong những đặc trưng. Không phải bỗng dưng mà hình ảnh này được đưa vào thơ ca, như câu “anh khác lạ đi lên đi xuống”, mà chỉ cần nhắc đến, ngay lập tức hiện lên trong trí nhớ là những con dốc, có con dốc rất đứng, nhưng cũng có con dốc thoai thoải dài dằng dặc.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị Pleiku, nhất là xây dựng hệ thống giao thông, đã có nhiều con dốc được “hạ” thấp xuống bằng việc đắp đất cao lên để làm đường (có thể nhận biết bằng việc quan sát những ngôi nhà có nền thấp hơn mặt đường hiện tại). Điều này đã tạo thuận lợi hơn trong việc đi lại của người dân, song vô hình trung lại phá vỡ đi sự đặc sắc của địa hình tự nhiên của Pleiku. Trong một lần trao đổi với P.V, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà-Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh nhận định: Đặc trưng của địa hình Pleiku là địa hình đồi núi, nhấp nhô như những chiếc bát úp. Đó cũng là điểm hấp dẫn riêng của phố núi mà không phải nơi nào cũng có được. Vì vậy, cần phải hạn chế tối đa việc làm biến dạng địa hình tự nhiên.

May mắn là Pleiku vẫn còn rất nhiều con dốc đứng độc đáo. Đường lớn thì có các con dốc đường Hùng Vương (đoạn ngã ba Diệp Kính), đường Phù Đổng, đường Thống Nhất, đường Nguyễn Tri Phương, đường Wừu, đường Lê Thánh Tôn,... Cùng với đó là nhiều con dốc hẻm quanh co đầy lý thú nhưng nằm nép mình khiêm tốn, đòi hỏi những người thích mới lạ, thích di chuyển khám phá trên đường Trần Quý Cáp, đường Phạm Văn Đồng, đường Sư Vạn Hạnh,...

Mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 386/NQ-HĐND thông qua quy chế quản lý kiến trúc thành phố Pleiku mà một trong những mục tiêu quan trọng của quy chế là để quản lý kiến trúc và thực hiện theo quy hoạch đô thị được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển kiến trúc, bảo vệ cảnh quan. Theo đó, quy chế đã quy định việc xây dựng các công trình phải hạn chế tối đa việc làm biến dạng địa mạo, địa hình tự nhiên.

Con dốc đường Wừu. Ảnh: Hà Duy
Con dốc đường Wừu. Ảnh: Hà Duy

Đặc biệt, tại khu vực cảnh quan suối, mương, vùng trũng với các quy định cụ thể như: “tôn trọng, giữ gìn, bảo vệ và phát huy các yếu tố cảnh quan, môi trường mặt nước gắn kết với việc tổ chức các không gian công cộng, công viên cây xanh, kiến trúc đô thị và công trình của khu vực. Phương án quy hoạch cần hạn chế tới mức thấp nhất việc san lấp suối, hạn chế thay đổi và thu hẹp dòng chảy; quy hoạch hệ thống giao thông, cầu đường bộ phù hợp với hệ thống mặt nước hiện trạng” chính là một trong những điều kiện để Pleiku có thể tiếp tục giữ nguyên hiện trạng “lồi, lõm” của địa hình.

Thành phố Pleiku xác định tương lai sẽ trở thành cao nguyên xanh vì sức khỏe, là đô thị giàu bản sắc. Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế, thúc đẩy du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc ít người thì việc duy trì địa hình đặc trưng với những chiếc “bát úp” cũng là một trong những vấn đề cần được chú trọng đúng mức để “định vị” Pleiku trong khu vực Tây Nguyên.

Có thể bạn quan tâm

30 năm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long: Vẻ đẹp bất tử và những cơ hội mới

30 năm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long: Vẻ đẹp bất tử và những cơ hội mới

Ngày 17/12/2024 đánh dấu cột mốc 30 năm vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Trong suốt chặng đường dài, vẻ đẹp kỳ vĩ của vịnh Hạ Long vẫn luôn là niềm tự hào của Việt Nam nói chung, của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh.

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.