Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm - nhà khoa học tiên phong về tế bào gốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với những cống hiến trong nghiên cứu khoa học, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm đã được Tạp chí Khoa học Châu Á (Asian Scientist) bình chọn vào top 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu lục.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm trong phòng nghiên cứu về gene. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm trong phòng nghiên cứu về gene. (Ảnh: T.G/Vietnam+)



Là một trong những nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực tế bào gốc tại Việt Nam, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm (Viện trưởng Viện nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gene Vinmec) đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học nước nhà với những đề tài có tính thực tế cao, đặc biệt là trong việc áp dụng liệu pháp tế bào gốc trong điều trị nhiều bệnh chưa có thuốc đặc trị như bại não, tự kỷ...

Những cống hiến tiêu biểu

Với những cống hiến và nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học, Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm đã được Tạp chí Khoa học châu Á (Asian Scientist) bình chọn vào top 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu lục.

Để được bình chọn vào danh sách này, người được vinh danh phải nhận được các giải thưởng quốc gia hoặc quốc tế, có ít nhất một phát kiến khoa học quan trọng hoặc đang lãnh đạo các viện nghiên cứu.

Đây cũng là năm thứ 4 liên tiếp Tạp chí Asian Scientist công bố danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu của toàn châu lục, dành cho các nhà khoa học ở nhiều ngành khác nhau, từ khoa học vật liệu đến sinh học phân tử và vật lý hạt nhân.

Trong phần giới thiệu về giáo sư Nguyễn Thanh Liêm trên website công bố danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á 2019, Asian Scientist nhấn mạnh: "Là bác sỹ phẫu thuật nội soi nhi khoa hàng đầu, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm là người đầu tiên ở Việt Nam thực hiện phẫu thuật nội soi cho trẻ vào năm 1997- người đầu tiên tiến hành ghép thận và ghép gan cho trẻ em trong số các bệnh viện Nhi ở Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm còn được ghi nhận với nhiều thành tích tiêu biểu, là bác sỹ ghép tế bào gốc chữa bệnh bại não và tự kỷ đầu tiên ở Việt Nam và trực tiếp phẫu thuật 5 ca song sinh dính liền thuộc loại khó, hơn 15 năm trước.

Tạp chí di truyền quốc tế Human Mutation đã công bố "Nghiên cứu về bộ gene của người Việt" do giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, chủ nhiệm đề tài cùng với cộng sự tại Viện Nghiên cứu Tế bào gốc - Công nghệ gene Vinmec (VRISG) thực hiện.

Đề tài này đã tạo nên một "chấn động" mới trong nghiên cứu khoa học.

Theo giáo sư, kết quả "Nghiên cứu về bộ gene của người Việt" cho thấy, quần thể người Việt chỉ có hơn 70.000 đột biến gene.

Đáng chú ý là gene của người Việt khá gần gũi với gene của người Thái và khác rất xa so với bộ gene của người Hán ở phía Bắc.

Nghiên cứu được cho sẽ là cơ sở tham chiếu rất đầy đủ từ trước đến nay về gene người Việt, qua đó giúp tìm ra căn nguyên của một số bệnh để tìm ra hướng phòng, chữa bệnh hiệu quả, đặc biệt là bệnh tự kỷ ở trẻ em hiện nay.

Đây là lần đầu tiên chúng ta đã thu lại những kết quả quan trọng, bởi có những bộ số liệu về hệ gene của người Việt với số lượng rất lớn, có thể là lớn nhất từ trước đến nay và cũng là đại diện nhất từ trước đến nay.

Bộ dữ liệu này là một cơ sở tham chiếu cũng được ví như cuốn từ điển để chúng ta tiếp tục tiến hành các nghiên cứu tiếp theo về các vấn đề sức khỏe, cũng như bệnh tật liên quan đến bộ gene như các bệnh ung thư, các bệnh di truyền, đáp ứng các thuốc điều trị.

Người tiên phong ghép tế bào gốc

Theo Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, tế bào gốc sẽ giúp liên kết các chức năng của não bộ vốn đang có những khiếm khuyết ở trẻ mắc tự kỷ và mong muốn tế bào gốc sẽ mở ra nhiều hướng mới quan trọng trong quá trình điều trị tự kỷ.

Đây cũng là liệu pháp được thực hiện theo quy trình chặt chẽ để đảm bảo đúng tiêu chuẩn quốc tế nhằm đem lại hiệu quả tốt cho bệnh nhân. Cụ thể, tháng 7/2017, Giáo sư đã cùng các cộng sự của mình triển khai thực hiện dự án ghép tế bào gốc cho trẻ tự kỷ với 30 trường hợp đầu tiên và có nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó có tới 28 trường hợp đều có kết quả tích cực rõ rệt còn 2 trường hợp cũng có sự thay đổi nhưng thay đổi rất ít.

Và trong tương lai, liệu pháp này có thể mở rộng để điều trị nhiều bệnh khác nhau như nhồi máu cơ tim, tiểu đường, đột quỵ não, parkinson...

"Kỹ thuật ghép tế bào gốc là nghiên cứu mà tôi day dứt nhất, vì hàng ngày chứng kiến nỗi khổ của các cháu bị bệnh và gia đình trong quá trình thăm khám. Có những bà mẹ nói với tôi cả chục năm không ngủ được vì cứ đến 2h sáng là con thức dậy bật hết các công tắc đèn rồi nhảy khắp nhà. Khi cháu ghép tế bào gốc có kết quả và ngủ yên, người mẹ đã sung sướng đến phát khóc. Động lực này thôi thúc tôi phải làm điều gì đó vơi bớt nỗi đau của họ" - giáo sư Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ.

Năm 1997, giáo sư đã tiến hành phẫu thuật nội soi ở trẻ em và đưa phẫu thuật nội soi trẻ em Việt phát triển ngang tầm các trung tâm hàng đầu thế giới.

Nhiều đồng nghiệp các nước đã đánh giá rất cao công trình nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm bởi đã mang lại hiệu quả cho bệnh nhân.

Đồng thời, giáo sư là một trong những người tiên phong và triển khai sớm nhất phẫu thuật này và phát triển nó rất nhanh.

Đột phá trong từng đề tài nghiên cứu


 

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm trao đổi, kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhân nhi. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm trao đổi, kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhân nhi. (Ảnh: T.G/Vietnam+)



Trong sự nghiệp nghiên cứu của mình, vị giáo sư 67 tuổi này đã có nhiều công trình nghiên cứu để đời, mang tính đột phá và được giới khoa học trong nước cũng như thế giới ngưỡng mộ.

Các công trình đó gồm "Điều trị teo đường mật bằng phẫu thuật nội soi với một số cải tiến quan trọng," kỹ thuật "Phẫu thuật teo hậu môn rò trực tràng tiền đình bằng đường sau trực tràng giữ nguyên cơ thắt," "Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân điều trị bại não ở trẻ em", "Nghiên cứu về bộ gene của người Việt"…

Nhưng theo giáo sư, một trong những đề tài mà ông tâm đắc chính là đề tài nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc chữa bệnh tự kỷ và nghiên cứu về bộ gene của người Việt mới được công bố vừa qua.

Giáo sư còn là tác giả của hơn 200 công trình nghiên cứu khoa học Y học xuất bản trong và ngoài nước, được nhiều chuyên gia phẫu thuật quốc tế đánh giá rất cao.

Bên cạnh đó, giáo sư cũng được mời viết chương U nang ống mật chủ cho sách giáo khoa Nhi giành cho các bác sĩ của Anh và Mỹ; đóng góp 9 kỹ thuật mổ nội soi mới cho chuyên ngành phẫu thuật Nhi thế giới.

Hiện ông cùng các đồng nghiệp của mình vẫn miệt mài tiếp tục nghiên cứu ghép tế bào gốc điều trị bại não, tự kỷ, xơ gan ở trẻ nhỏ và người lớn, đồng thời cũng tiếp tục triển khai các nghiên cứu quan trọng về ghép tế bào gốc cải thiện nội tiết tố sinh dục và đái tháo đường...

Giáo sư cho rằng mình là người luôn thích khám phá, tìm tòi hướng giải quyết cho những vấn đề chưa có câu trả lời.

Điều đó thôi thúc ông, bởi một đề tài thành công nghĩa là có phương pháp điều trị mới, giúp người bệnh thêm cơ hội được cứu sống, khỏe mạnh hơn.

Nghiên cứu khoa học chính là công việc giúp thỏa mãn đam mê đó của ông. Theo giáo sư, các bạn trẻ muốn trở thành một nhà khoa học, trước hết mỗi người cần phải có sự đam mê trong chính bản thân, vì nó đóng một vai trò trung tâm cốt lõi trong nghiên cứu khoa học.

Năm 2018, giáo sư vinh dự là người Việt đầu tiên nhận giải thưởng Nikkei Châu Á trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ, nhờ những đóng góp mang tính sáng tạo, đột phá phát triển khoa học nước nhà và mới đây nhất lọt vào top 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á do Asian Scientist bình chọn.

Lý Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.