Giằng co với tử thần: Những thiên thần áo xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đội cấp cứu ngoại viện của Trung tâm cấp cứu 115 gắn liền với đồng phục áo xanh trên xe đặc dụng đến tận nơi người bệnh cần được can thiệp y tế khẩn cấp. Họ hội chẩn, can thiệp chuyên môn ngay trên xe, tại nhà bệnh nhân, trong hẻm hóc, lầu cao, trong mọi điều kiện thời tiết...

Cõng người bệnh xuống lầu, di chuyển ra xe cứu thương. Ảnh: Lê Vân
Cõng người bệnh xuống lầu, di chuyển ra xe cứu thương. Ảnh: Lê Vân
Bác sĩ (BS) Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 (Trung tâm 115) TP.HCM, cho biết: “Trong bệnh viện (BV), khoa cấp cứu - hồi sức là cực nhất, nhưng các BS áo xanh còn cực hơn vì đặc thù môi trường làm việc ngoài BV. Họ như đội đặc nhiệm vừa phải độc lập tác chiến, vừa phải đa năng nhiều vai trò cùng lúc”.

Phòng trực tổng đài 115 liên tục nhận cuộc gọi cấp cứu. Ảnh: Lê Vân
Phòng trực tổng đài 115 liên tục nhận cuộc gọi cấp cứu. Ảnh: Lê Vân
Hẻm sâu, lầu cao, trời mưa, kẹt xe và bệnh nặng
Một buổi chiều muộn, nhận lệnh chuông báo động từ tổng đài, một ê kíp 115 được điều đi cấp cứu ca suy hô hấp trên nền Covid-19. Ê kíp gồm BS Khuất Hoàng Bảo Trân, điều dưỡng Huỳnh Thúy Loan và tài xế Nguyễn Thanh Phú, nhanh chóng mặc đồ bảo hộ chống dịch lên xe. Tài xế Phú khi leo lên xe bỏ nhỏ với phóng viên: “Căng à, suy hô hấp do Covid-19, có bệnh mạn tính nặng lại nhằm giờ tan tầm, mưa thế này thì…”.

Ê kíp cấp cứu một người ngưng tim tại nhà. Ảnh: NVCC
Ê kíp cấp cứu một người ngưng tim tại nhà. Ảnh: NVCC
Bệnh nhân ở đường Trần Huy Liệu, Q.Phú Nhuận. Bác tài trẻ mới hơn 30 tuổi nhưng lái xe rất chuyên nghiệp, tập trung tìm cách thoát khỏi dòng người chật cứng giờ tan tầm. Không ít lần chúng tôi thót tim khi xe phải thắng gấp, đánh lái tránh những người chạy cắt đầu xe cứu thương. Mưa nặng hạt, trời sập tối nhanh. Bệnh nhân đã ngoài 70 tuổi, nằm trên lầu 1 của ngôi nhà trong con hẻm rộng chưa tới 1 m.
Hôm nay có vẻ trắng đêm. Ở đây là vậy, không có giờ làm cố định, chỉ có số ca đông hay vắng.
Ma Ri, Điều dưỡng Trung tâm cấp cứu 115
Bệnh nhân bị liệt nửa người trái sau ca mổ não trước đó để lấy dị vật, lại vừa trải qua ca ghép gan ở BV Chợ Rẫy. Nhà neo đơn chỉ có hai vợ chồng già. Ê kíp hôm đó chỉ có 2 đồng nghiệp nữ nên anh Phú tài xế kiêm luôn người chuyển bệnh. Phú vừa phải gồng cõng bệnh nhân trên lưng vì ông cụ không tự bám vào vai anh được, vừa phải nhích từng bước xuống bậc cầu thang chật chội. Hai nữ nhân viên y tế, một người phía sau đỡ 2 chân bệnh nhân bị liệt không co lại được, một người đỡ phía trước để giữ tay bệnh nhân cố định vào người tài xế, cẩn trọng khiêng lên băng ca rồi di chuyển trong hẻm nhỏ tối om, ngoằn ngoèo ra xe cứu thương đậu ngoài đường. Trời mưa nặng hạt hơn. Trên xe, BS Trân và điều dưỡng Loan liên tục theo dõi sinh hiệu bệnh nhân qua máy SPO2.
Sau khi bàn giao bệnh tại BV Nhân dân Gia Định, ê kíp lại được ca trực nhờ chuyển bệnh lên khoa ICU (Hồi sức tích cực) vì thiếu người. Nhờ can thiệp cấp cứu của nhóm BS 115, bệnh nhân tạm ổn định. Chúng tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn, trên đường về trung tâm không còn tiếng còi xe hụ khi đã gần 22 giờ.
Tài xế Phú lúc này mới thong thả kể về những chuyến xe bão táp thời Covid-19: “Tôi về làm đúng thời điểm dịch bùng lên, xe đi như con thoi 24/7. Mà hồi đó căng thẳng chứ đâu được như giờ. Cũng phải cõng bệnh, phụ ê kíp BS cấp cứu bệnh khi mà ai nghe tới Covid-19 cũng “chạy số de” liền”. Nhưng rồi cũng như BS Trân, điều dưỡng Loan, anh Phú đã ở lại vì một hiệu lệnh mà ngay chính họ cũng không thể lý giải: “Đứng trước sinh tử của con người, chúng tôi không nỡ quay đi”, anh Phú bộc bạch.
Đêm trắng cứu thương
“Bây giờ anh để ngửa bệnh nhân, nghe mức tim giữa ngực bệnh nhân. Anh quỳ thẳng đứng lên, lấy ức bàn tay ấn tim cho bệnh nhân, không thở được là khả năng ngưng tim rồi”, chị Huỳnh Ngọc Huyền, điều dưỡng tổng đài Trung tâm 115, gấp gáp nhưng nhấn rõ, chính xác từng y lệnh qua đường dây nóng khi nhận được cuộc gọi cấp cứu người bệnh ngưng tim tại nhà ở Q.12.
Sát đó, tiếng chuông vẫn vang lên liên tục cùng tiếng tổng đài viên khác hướng dẫn y lệnh qua điện thoại. Không khí phòng trực tổng đài luôn gấp gáp bởi những cuộc gọi cấp cứu. Điều dưỡng Ngọc Huyền vừa nhận cuộc gọi cấp cứu khác là một ca tai nạn giao thông trong đêm, cô nhấn chuông gọi xe. Bên ngoài là phòng cấp cứu ngoại viện, điều dưỡng Ma Ri tất tả chạy tới phòng dụng cụ chuẩn bị đồ lên xe. Vừa triển khai bàn giao xong ca tai nạn, Huyền và nhóm trực tổng đài lại tiếp tục với các cuộc gọi cầu cứu khác khi chuông điện thoại reo không ngớt.
Trung bình mỗi ngày, ê kíp tổng đài 115 (7 người/ca trực) phải nhận từ 100 -120 cuộc gọi cấp cứu, điều phối chuyển 39 trạm cấp cứu vệ tinh và điều động xe cứu thương của trung tâm đi cấp cứu ngoài BV. Hiện tại trung tâm chia kíp trực làm 2 ca: ngày 8 tiếng, đêm 16 tiếng, luân phiên 24/7 và không nghỉ suốt 365 ngày. Nếu số ca cấp cứu tăng đột ngột thì luôn có ê kíp khác hỗ trợ. Để đáp ứng nhu cầu cấp cứu ngoại viện của TP, trung tâm vừa tuyển dụng thêm nhân sự, từ 163 người lên 357 người.
“Lúc cao điểm dịch Covid-19 năm 2021, khoảng 6.000 cuộc gọi/ngày, trong đó số cuộc gọi cấp cứu chiếm 60%. Có ca vừa cúp máy, 3 phút sau nhân viên xe gọi lại thì gia đình báo đã mất”, BS Nguyễn Duy Long nhớ lại.
Chuyến xe lúc 23 giờ 30 đưa chúng tôi đến cấp cứu ca tai nạn giao thông ở Q.10. Trên đường, điều dưỡng Ma Ri nói: “Hôm nay có vẻ trắng đêm. Ở đây là vậy, không có giờ làm cố định, chỉ có số ca đông hay vắng”. Tại hiện trường, một cô gái trẻ bấn loạn, khóc ngất bên người bạn trai nằm giữa đường vì bị xe bồn cán ngang. Ma Ri cố trấn an cô gái, còn nạn nhân tử vong vì mất máu quá nhiều dù ê kíp đã nỗ lực can thiệp. Sau khi bàn giao hiện trường cho công an, ê kíp trở về lúc gần 1 giờ sáng vì còn phải giúp cô gái trẻ bình tĩnh để công an lấy lời khai. Vừa lúc này có một ca cấp cứu nghi đột quỵ ở Q.11 và chúng tôi lại theo xe cứu thương lao đi trong đêm. Sau khoảng 10 phút, ê kíp đến nhà bệnh nhân là một cụ bà bị yếu người, khó thở và nói ú ớ. Cụ bà có tiền căn bệnh cao huyết áp và từng nhập viện điều trị phòng đột quỵ. Chuyến xe cứu thương tiếp tục đưa bệnh nhân đến BV Nhân dân 115 bàn giao chuyển viện cùng người nhà.
Khi chúng tôi về tới trung tâm đã gần 4 giờ sáng. Tổng đài lại ấn chuông báo động, một ca bệnh nhi rơi từ tầng 10 khu chung cư ở Q.8. Một ê kíp cấp cứu khác lại khoác áo xanh, cấp tập ra xe… (còn tiếp).
Chạy đua thua tử thần
Trong những ngày theo chân ê kíp cấp cứu Trung tâm 115, chúng tôi không ít lần lặng người cùng họ, khi xe cứu thương đến, cả nhóm cấp tập chạy bộ lên lầu 5 mà không kịp cứu người bệnh. Trong một buổi chiều muộn mưa lất phất, tại một phòng khách sạn cũ ở Q.11, chúng tôi chứng kiến BS Nhật Tân thẫn thờ cầm tờ giấy đo điện tim với những vạch kẻ chạy ngang, cho thấy đã không còn dấu hiệu sinh tồn của một người trẻ mới chưa tới 30 tuổi. Trước đó, vào buổi trưa, khi xe cứu thương dù cấp tốc tới, BS Tân cũng đã không kịp hồi sinh một người đàn ông ngoài 60 tuổi đang ăn hủ tíu thì ngưng tim, hôn mê ở Q.Tân Phú.
Có lẽ sau những ngày như vậy, niềm vui vỡ òa của BS Tân và đồng nghiệp khi cứu người thành công là điều có thể hiểu được, như BS trẻ này xúc động nói: “Mừng lắm. Nhờ những ca hồi sinh người bệnh kịp thời như vậy mà chúng tôi lại có thêm động lực làm tiếp”.
Theo Lê Vân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.