Giải Nobel Hóa học 2024 vinh danh những nghiên cứu 'gỡ nút thắt' về protein

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Giải Nobel Hóa học năm nay thuộc về hai công trình có tiềm năng lớn của các tác giả người Mỹ và Anh, sử dụng Trí tuệ Nhân tạo để "giải mã" về protein.

(Nguồn: The Japan Times)
(Nguồn: The Japan Times)

Chiều 9/10 (giờ Việt Nam), tại Thủ đô Stockholm, Hội đồng Nobel của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố Giải Nobel Hóa học năm 2024 thuộc về hai công trình có tiềm năng lớn, sử dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) để "giải mã" về protein.

Các tác giả gồm Giáo sư David Baker thuộc Đại học Washington (Mỹ) với công trình thiết kế các loại protein hoàn toàn mới dựa trên phương pháp tính toán, và hai nhà khoa học John M. Jumper (người Mỹ), Demis Hassabis (người Anh) đến từ công ty Google DeepMind với mô hình dự đoán cấu trúc protein.

Thông báo của Hội đồng Nobel cho biết công trình tạo ra các loại protein hoàn toàn mới của Giáo sư Baker, sinh năm 1962, là một thành tựu gần như bất khả thi. Protein thường gồm 20 amino acid khác nhau, có thể được mô tả như những "khối" tạo nên sự sống.

Năm 2003, Giáo sư Baker thành công sử dụng những khối này để thiết kế một protein mới không giống bất cứ protein nào khác.

Kể từ đó, nhóm nghiên cứu của ông liên tục tạo ra những protein sáng tạo, bao gồm cả protein có thể dùng làm dược phẩm, vaccine, vật liệu nano và cảm biến siêu nhỏ.

Trong khi đó, bộ đôi nhà khoa học đến từ Google DeepMind có trụ sở tại Anh, Giám đốc Điều hành Hassabis (sinh năm 1976) và nhà nghiên cứu cấp cao Jumper (sinh năm 1985) đã phát triển Alphafold, một mô hình AI có khả năng dự đoán cấu trúc ba chiều của protein dựa trên chuỗi amino acid.

Công trình của họ đã làm thay đổi cách thức nghiên cứu sinh học trên toàn cầu và giải quyết một vấn đề đã tồn tại 50 năm qua.

Trong protein, các amino acid liên kết với nhau theo chuỗi dài với cấu trúc ba chiều, có ý nghĩa quyết định đối với chức năng của protein.

Từ đầu những năm 1970, các nhà nghiên cứu đã tìm cách dự đoán cấu trúc protein từ trình tự amino acid, nhưng điều này vô cùng khó khăn.

Ra đời cách đây bốn năm, mô hình AlphaFold 2 của hai nhà khoa học Hassabis và Jumper đã tạo nên đột phá bất ngờ, giúp dự đoán cấu trúc của tất cả 200 triệu protein mà giới nghiên cứu đã xác định được.

Từ đó đến nay, AlphaFold2 được hơn 2 triệu người từ 190 nước trên thế giới sử dụng. Qua các mô hình này, các nhà nghiên cứu có thể hiểu rõ hơn tình trạng kháng kháng sinh và tạo ra ảnh enzyme có thể phân hủy nhựa.

Giải Nobel Hóa học là giải thưởng thứ ba được công bố trong mùa giải Nobel 2024, sau các giải Nobel Y Sinh và Nobel Vật lý.

Từ năm 1901-2023, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao 115 giải Nobel Hóa học.

Năm 2023, giải Nobel Hóa học thuộc về ba nhà khoa học Moungi Bawendi từ Viện Công nghệ Massachusetts, Louis Brus từ Đại học Columbia và Alexei Ekimov, người làm việc tại công ty Nanocrystals Technology ở Mỹ, với công trình khám phá và tổng hợp các chấm lượng tử.

Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tập trung nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Gia Lai tập trung nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương quán triệt quan điểm, định hướng, phát huy tinh thần “1 mục tiêu”, “2 trụ cột”, “3 đột phá”, “4 không”, “5 đẩy mạnh, tăng cường” nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn.

Sở Y tế Gia Lai hướng dẫn triển khai thí điểm sổ sức khoẻ điện tử phục vụ tích hợp trên VNeID

Sở Y tế Gia Lai hướng dẫn triển khai thí điểm sổ sức khoẻ điện tử phục vụ tích hợp trên VNeID

(GLO)- Sáng 8-11, Sở Y tế Gia Lai tổ chức hội nghị trực tuyến hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh triển khai kế hoạch số 2597/KH-UBND của UBND tỉnh Gia Lai về thí điểm thực hiện sổ sức khoẻ điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID.