Đó là chiếc roi “chế tác” từ nhành tre gai già, được tỉ mẩn vót nhẵn, ngả màu màu thời gian dựng dưới chân ban thờ. Đã lâu lắm, từ khi chúng tôi khôn lớn, chiếc roi tre không còn dùng đến. Thế nhưng, sự hiện diện của nó như một ký thác tinh thần đưa chúng tôi về kỷ niệm, yêu thương, cảm thông, chia sẻ; sưởi lòng nhau trong tình cha, nếp nhà còn giữ. Những dịp quây quần bên nhau, ngắm chiếc roi, nhìn lên di ảnh cha, anh trai tôi thường nghẹn giọng nhắc: “Của gia bảo cha dành cho anh đấy!”.
Nói là dành cho anh, bởi vì có anh mà chiếc roi ra đời, tuổi thơ anh phát huy “công năng” của nó nhiều hơn hẳn. Với quan niệm, phẩm chất và năng lực đứa con trai đầu góp phần quan trọng hình thành tính cách, phát triển năng lực cả đàn con. Còn hơn cả thế, là sự ký thác khát vọng không thành, tránh né va vấp đời mình đã từng, cha tôi buộc anh làm người lớn khi còn là trẻ con trong hoạt động giao tiếp, học tập và bảo vệ các em. Khổ nỗi, nghiêm ngắn làm theo lời người lớn chỉ bảo thì còn gì là trẻ con.
Vậy nên, chiếc roi tre được phát huy công năng lúc cha rỗi việc, khi các con không đến trường, thường diễn ra vào sáng chủ nhật. Khoảng thời gian chờ cha hỏi tội, đánh phạt roi chừng như chậm trôi nhưng bù lại mọi việc làm lại trở nên nghiêm ngắn hơn. Tùy theo mức độ vi phạm mà cha phạt roi, sau khi tự nằm úp người trên chiếc phản gỗ. Cha đánh đòn không đau mấy, tâm trạng không hề nóng giận. Những lúc như vậy, chúng tôi sợ cha lắm, cũng thương cha vô cùng! Mắt ngấn nước len lén nhìn nét mặt cha chùng lại, cố nén tiếng thở dài.
Gia tài của cha là tinh thần hiếu học, trọng thị việc học. Ngoài mục đích ly nông, mục tiêu hướng đến của cha lớn lao hơn, đó là hình thành người có học. Ngày trước, sống ở nông thôn, trẻ con không chỉ vui chơi, học hành. “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” mà đủ cả, từ góp sức chăn nuôi gia cầm, gia súc đến chăm sóc vườn rau, cây trái trong vườn, hoa màu ngoài đồng.
Cha động viên, cứ xem đó là hoạt động giải trí, thể dục sau buổi đến trường, thời gian tự học ở nhà. Cha thường nhắc nhở nên hạn chế nói về việc làm lụng khi không cần thiết. Cha tổ chức hoạt động tự học ở nhà vào mỗi tối, giờ giấc và quy củ, lâu dần thành nếp. Giải quyết những vướng mắc trong quá trình tự học, thi thoảng cha đưa anh chị tôi đi “tầm sư”, là người học lớp trên ở cùng thôn.
Dịp hè, anh chị tôi được gửi về nhà bác hoặc nhà cô ruột nhằm “bám” các anh họ tìm cái chữ. Cũng nhờ thế mà chúng tôi hình thành năng lực chỉ dạy nhau; tình cảm anh em họ tộc cũng trở nên thân thương, gần gũi dù không gian cách trở, ít dịp gặp nhau.
Gia tài của cha còn là tình yêu với sách, với văn hóa đọc theo cách nói bây giờ. Từ mấy cuốn sách hành nghề bốc thuốc Bắc bằng chữ Hán, sách Minh Tâm Bửu Giám song ngữ Hán-Việt của ông nội đến phần nhiều sách các thể loại, biết người quen định hủy bỏ, cha xin lấy, mang về cất giữ trang trọng trong chiếc tủ gỗ đáng giá nhất của gia đình.
Cha yêu thích thơ, thường cùng mấy người bạn thân diễn ngâm, bình luận. Có những sáng chủ nhật tạm gọi là rỗi việc, cha tổ chức cùng các con ngồi vào bàn, chia nhau đọc mạch lạc, diễn cảm cuốn sách hay vừa mượn được; cùng luận bàn nội dung truyện, phân tích ý thơ hay, câu văn sáng và không quên trao lời khen cho đứa con nhận xét có ý tưởng.
Cha về với cõi ông bà đã lâu, quy luật đời người không thể khác. Nhưng với chúng tôi, dù trong hoàn cảnh nào, vẫn nâng niu gìn giữ và truyền lửa gia tài của cha cho các thế hệ con cháu sau này.